Tài xê Bike ngồi chờ khách tại đại lộ Hòa Bình (Cần Thơ) - Ảnh: TRẤN KIÊN
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi công ty TNHH Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, không thể vội vàng quy kết Grab đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi không thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán này.
Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, để có kết luận Grab có vi phạm Luật Cạnh tranh không cần chờ báo cáo cung cấp các thông tin, tài liệu từ phía Grab mới rõ hơn về thương vụ này.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng thương vụ này cần phải đặt ra các vấn đề trước khi kết luận đây có phải là thương vụ tạo độc quyền hay không.
"Độc quyền hay không độc quyền cần tính toán thị trường đó có phải duy nhất là doanh nghiệp Grab đang chi phối không. Bắt đầu quy chiếu vào Luật Cạnh tranh trong thị trường, khu vực địa lý đó thì mới có thể khẳng định Grab có phải làm thủ tục báo cáo cơ quan quản lý cạnh tranh, cũng như vi phạm Luật Cạnh tranh không", ông Huỳnh cho biết.
Theo các chuyên gia, để kết luận Grab có độc quyền khi thâu tóm Uber hay không trước hết cần phải định danh rõ loại hình này là gì, vận tải taxi hay là ứng dụng công nghệ.
Theo ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc công ty TNHH NH Quang và Cộng sự, muốn "kết tội" Grab độc quyền thì cần phải đánh giá thận trọng, phải xác định hãng này đang chiếm thị phần bao nhiêu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
"Trên thực tế hiện nay, chúng ta đang hình dung là họ là doanh nghiệp vận tải nhưng họ luôn luôn nói họ không phải là doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, cần phải biết khi hai doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, giấy phép đăng ký của họ đã ghi là hoạt động lĩnh vực gì", ông Quang nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, nhấn mạnh, làm thế nào để định danh và quản lý được loại hình kinh doanh này, lúc đó chuyện kết luận có độc quyền hay không mới nảy ra được.
Ông Thịnh cho biết, đứng trên góc độ kinh doanh, có thể coi thương vụ này mang tính độc quyền vì trên thị trường kinh doanh, thị phần chủ yếu bị chi phối bởi "2 ông lớn" này. Khi Uber về "chung một nhà" với Grab, Grab sẽ là người được toàn quyền quyết định giá cả.
Để tránh người dùng bị ảnh hưởng khi Grab thâu tóm Uber, ông Thịnh cho rằng cơ quan quản lý phải xác định, làm rõ khi nào Grab được nâng giá, nhất là vào giờ cao điểm.
Khi nào được coi là độc quyền?
Điều 18 của Luật Cạnh tranh quy định, cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.
Cụ thể, các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30 - 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.
Mặt khác, trường hợp thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế thấp hơn 30% trên thị trường liên quan hoặc trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì không phải thông báo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận