Hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều 9-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Sở Nội vụ Đắk Lắk đã trình giải pháp giải quyết số dư tại huyện Krông Pắk lên UBND tỉnh.
Theo đó từ đầu tháng 3-2018 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đến nay chủ trương ở trên là phải "chấm dứt hợp đồng với số dư theo đúng quy định pháp luật".
Tuy nhiên, qua nhiều lần họp bàn, tỉnh vẫn chưa biết lấy nguồn kinh phí nào để giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên mất việc.
Theo nguồn tin trên, ngày 22-4, UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức thi tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS tại địa phương này. Có hơn 441 giáo viên đã dự thi để tuyển 83 chỉ tiêu, tuy nhiên đến nay kết quả chỉ có 58 người trúng tuyển.
Đến nay UBND huyện Krông Pắk chưa lọc trong 58 người trúng tuyển có bao nhiều người nằm trong số 370 giáo viên dôi dư "đủ điều kiện dự thi".
"Giáo viên nào thi rớt, theo quy định là phải chấm dứt hợp đồng", nguồn tin này nói.
Đối với 208 giáo viên "không đủ điều kiện thi tuyển", chủ trương là cũng sẽ chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên bằng hình thức thỏa thuận hoặc giáo viên sẽ khởi kiện UBND huyện ra Tòa án nhân dân.
Dù bằng cách nào, nhà nước cũng phải hỗ trợ một khoản kinh phí cho số giáo viên này khi họ mất việc.
Anh Nguyễn Ánh Dương, giáo viên hợp đồng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai nói: "Tôi biết mình sẽ mất việc nhưng yêu cầu UBND huyện phải thực hiện việc hỗ trợ kinh phí thất nghiệp cho các giáo viên đúng quy định, nhanh chóng" - Ảnh: TRUNG TÂN
Như vậy, cùng với số 208 giáo viên hợp đồng "không có vị trí việc làm" và số giáo viên vừa thi rớt (nằm trong số 370 người), toàn huyện hiện nay có khoảng 514 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới.
"Một vấn đề rất khó là sau khi chấm dứt hợp đồng với giáo viên, phải hỗ trợ một khoản tiền để họ kiếm công việc khác. Nhưng nguồn kinh phí lấy từ đâu, đến nay chúng tôi hoàn toàn bế tắc", nguồn tin này nói.
Cụ thể, theo tính toán, khoản kinh phí để hỗ trợ cho 514 giáo viên mất việc sắp tới là từ 4-5 tỉ đồng. "Số tiền này không lớn nhưng theo quy định về sử dụng ngân sách, chúng tôi vẫn chưa biết lấy nguồn nào để chi trả", vị này thừa nhận.
Không thể trích kinh phí để giải quyết hậu quả do cán bộ, lãnh đạo làm sai. Hiện nay rất bí vì trước đến nay chưa có tiền lệ. Nếu trình HĐND tỉnh để ra nghị quyết để lấy tiền chi trả thì càng khó hơn.
Nguồn tin Tuổi Trẻ Online nói
Như Tuổi Trẻ Online nhiều lần thông tin, chiều 9-3-2018, UBND huyện Krông Pắk thông báo có 208 giáo viên sẽ bị chấm dứt hợp đồng vì "không đủ điều kiện xét tuyển". Trước thông tin này, hàng trăm giáo viên đã rất hoang mang, kéo lên UBND huyện cầu cứu.
Sau đó 2 ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phải tạm đình chỉ quyết định trên của UBND huyện Krông Pắk để tìm giải pháp thích hợp hơn.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ra các quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015; khiến trách các ông Nguyễn Thành Dũng - bí thư, Y Suôn Byă - chủ tịch đương nhiệm liên quan đến việc tuyển dôi dư nêu trên.
Công an huyện Krông Pắk cũng đã khởi tố một hiệu trưởng, thụ lý điều tra dấu hiệu hình sự một hiệu trưởng khác về hành vi nhận hàng trăm triệu đồng chạy việc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận