Bà con ngư dân thị xã Sầm Sơn đặt câu hỏi với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trong cuộc đối thoại sáng 7-3. Nguyện vọng của người dân là được giữ một phần bến thuyền để làm nghề cá mưu sinh - Ảnh: Hà Đồng |
Ông nói bà con cứ đánh cá, cứ khai thác thủy sản, cứ neo đậu tàu thuyền như bấy lâu nay, không có vấn đề gì cả.
Trước đó, bắt đầu từ ngày 26-2, hàng trăm ngư dân thị xã Sầm Sơn kéo đến trước cổng UBND tỉnh và một số địa điểm ở thành phố Thanh Hóa để phản đối chủ trương di dời bến tàu thuyền, bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn FLC xây dựng dự án du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương.
Tiếp đó ngày 4-3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” mà theo cơ quan công an là liên quan đến một số trường hợp quá khích khi tụ tập đông người ở đây.
Dẹp bến là tuyệt đường kiếm sống
Bắt đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết dự án “không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương” có chiều dài 3,5km, tổng mức đầu tư 316 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-3-2016.
Hiện có 705 thuyền bè, mủng đang khai thác với công suất 8-20CV thuộc bốn địa bàn phường Trường Sơn, Trung Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư chịu ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Quyền cho rằng ngoài lý do để phục vụ dự án, việc di dời bè, mủng công suất nhỏ cũng là chủ trương sắp xếp lại nghề cá theo chủ trương của Chính phủ, tức là sẽ hạn chế và tiến tới cấm khai thác với các thuyền công suất dưới 30CV đánh bắt gần bờ.
“Đây chỉ mới là chủ trương chứ chưa cụ thể hóa thành chính sách” - ông Quyền nói.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của ngư dân tại buổi đối thoại đều không quan tâm nhiều tới chính sách hỗ trợ mà nhất quyết muốn giữ lại bến thuyền.
“Chúng tôi không cần nhận đồng tiền hỗ trợ nào cả, không cần đi đâu cả, cái cần là muốn giữ lại được nghề, giữ lại được bến thuyền để mưu sinh. Dân chúng tôi bao đời sống bằng nghề cá, giờ mà bỏ nghề đi thì sống bằng gì?” - một ngư dân xã Quảng Cư nói.
Ngư dân Vũ Đình Chiến đề xuất: nếu di dời bến thuyền thì Sầm Sơn sẽ mất đi làng nghề truyền thống, chỉ cần giữ lại 0,5 - 1km để giữ bãi biển thì vừa giữ được làng nghề, người dân vừa có chỗ mưu sinh.
“Bài toán an sinh rất quan trọng, nếu chuyển đi thì rất khó để người dân kiếm sống. Phải coi lợi ích của người dân là quan trọng, còn đưa lợi ích tư nhân lên trên thì không thể chấp nhận được” - ông Chiến bức xúc.
Và ông Chiến kiến nghị: bãi Sầm Sơn trải dài hơn 7km, trước chưa phát triển du lịch cứ 200m có một tàu neo đậu. Đến khi du lịch phát triển, tàu thuyền của ngư dân đã bị dồn lại. Bây giờ cả 2km biển không có một bãi thuyền nào.
“Chúng tôi tha thiết muốn giữ lại bến thuyền, còn bến thuyền thì còn kiếm được vài đồng để mà sinh sống” - ông nói.
Tôi có khuyết điểm với bà con
Trả lời khúc mắc của ngư dân, ông Trịnh Văn Chiến cho rằng việc ngư dân tụ tập như mấy ngày qua là rất đáng tiếc.
“Dù bất cứ góc độ nào, là người lãnh đạo cao nhất, tôi thấy bản thân tôi có khuyết điểm, trách nhiệm lớn với bà con ngư dân Sầm Sơn” - ông Chiến bộc bạch.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng cho rằng trong những ngày ngư dân lên tỉnh phản đối, có những thông tin đồn thổi chưa chính xác: “Tôi khẳng định bờ biển là của đất nước chúng ta, bờ biển phải được quản lý bằng quy hoạch. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển để giao cho bất cứ đơn vị nào. Làm như vậy là trái với chủ trương, trái với đường lối của Nhà nước”.
Theo ông, tỉnh Thanh Hóa bây giờ mới làm chính sách di dời bến bãi. Tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ di dời bến thuyền rất ưu đãi, vượt nhiều lần quy định so với chính sách hiện nay, “nhưng đa số bà con chưa đồng tình”.
Ông nói tỉnh thấy rằng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh là đúng. Theo ông, chủ trương di dời bến thuyền có từ lâu, “trung ương có từ 11 năm nay, nhưng chính sách của tỉnh mới ban hành từ ngày 1-3-2016, mới được có bảy ngày, do thời gian ngắn nên bà con chưa hiểu hết”.
Tuy vậy, ông Chiến cũng cho biết tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất hướng giải quyết về chủ trương di dời bến thuyền, quy hoạch làng nghề.
“Theo đó, bà con nào đồng ý thì nhận tiền hỗ trợ di dời trước ngày 15-4. Thứ hai, bà con nào chưa đồng ý thì cứ làm bình thường như lâu nay, cứ đi thuyền, cứ khai thác, đánh bắt cá. Thường trực Tỉnh ủy đã xác định: tìm bến đỗ mới, xây dựng hạ tầng bến mới, khi đủ các điều kiện cần thiết mới thực hiện di dời” - ông Chiến quả quyết.
Dứt lời ông Chiến, hội trường ran tiếng vỗ tay tán thưởng của ngư dân.
Diễn biến sự việc * Ngày 26-2: Hàng trăm ngư dân thị xã Sầm Sơn kéo đến trước cổng UBND tỉnh và một số địa điểm ở thành phố Thanh Hóa để khiếu kiện, không đồng ý với chủ trương di dời bến tàu thuyền, bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn FLC triển khai xây dựng dự án “không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn”, đã được UBND tỉnh phê duyệt. * Ngày 1-3: UBND tỉnh có quyết định 705 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân trên địa bàn xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Trường Sơn, phường Bắc Sơn (thị xã Sầm Sơn) bị ảnh hưởng của dự án nêu trên. Tuy nhiên, người dân địa phương chưa đồng thuận, tiếp tục tụ tập khiếu kiện trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh. * Chiều 2-3: UBND tỉnh Thanh Hóa họp báo, công bố thông tin chính thức về vụ việc. * Ngày 3 và 4-3, nhiều người dân tiếp tục đến các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa phản đối. * Cũng ngày 4-3: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng”, liên quan đến vụ việc một số trường hợp quá khích khi tụ tập đông người tại thành phố Thanh Hóa. * Ngày 5 và 6-3: Ngư dân tiếp tục tụ tập tại một số địa điểm công cộng tại thành phố Thanh Hóa, tuy nhiên số lượng đã giảm. * Sáng 7-3: Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn đối thoại trực tiếp với ngư dân thị xã Sầm Sơn. |
Dân thuận mới làm, chưa thuận chưa làm Đó là khẳng định của ông Trịnh Văn Chiến, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, khi trao đổi riêng với Tuổi Trẻ sau buổi đối thoại. * Ông đã nói với bà con cứ đánh cá, cứ khai thác thủy sản, cứ neo đậu tàu thuyền như lâu nay. Ý ông là tỉnh Thanh Hóa không thu hồi bến thuyền nữa? - Trước mắt tỉnh tập trung ổn định lại tình hình, ổn định cuộc sống của ngư dân. * Thưa ông, nhưng cái chính mà ngư dân vẫn băn khoăn về chủ trương di dời, thu hồi bến thuyền? - Tôi nói rồi, tỉnh có chỉ đạo thu hồi bến thuyền đâu. Tỉnh ủy và UBND tỉnh chưa bao giờ ấn định thời điểm cụ thể di dời bến thuyền. Tỉnh chỉ nói tìm bến mới để đầu tư xây dựng hạ tầng cho tốt. Thứ hai là xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp. Bước thứ ba mới tính đến việc di chuyển bến thuyền. Chủ trương là như thế, nếu người dân thuận thì mới chuyển, còn chưa thuận thì chưa làm. Tức là phải xong các bước thứ nhất, thứ hai thì mới tính đến lộ trình thực hiện bước thứ ba. Còn việc chỉ đạo thời điểm cụ thể thu hồi bến thuyền thì không có văn bản nào như thế cả. Tối hôm qua tôi đã ngồi tra lại hết tất cả văn bản của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh. Tôi khẳng định chắc chắn không có văn bản nào chỉ đạo thu hồi bến thuyền ở thời hạn cụ thể nào. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận