“Chưa thấy mặt, đã nghe (tai) tiếng”

TƯỜNG ANH 08/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Tuy nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa biết mặt mũi vaccine COVID-19 và chỉ một số nước mới bắt đầu được tiêm chủng, nhưng tai tiếng về nó đã xuất hiện rồi. Ít ra là ở châu Âu, nơi theo Le Monde, “sự phẫn nộ đang gia tăng với các hợp đồng hậu trường của ban lãnh đạo EU với các nhà sản xuất vaccine”.

Ba hợp đồng của họ vừa được báo chí công khai, nhưng những chi tiết cần được biết nhất đã bị... bôi đen!

Ảnh: Cal Matters

“Tư nhân hóa thu nhập và xã hội hóa thua lỗ”

Nhà bình luận Vladimir Prokhvatilov (Nga) đã khái quát như trên từ những thông tin mà các tờ báo Pháp Le Monde, L’Humanite cung cấp về việc mua bán vaccine trong Liên minh châu Âu (EU).

Theo các báo Pháp, suốt mấy tháng qua, nhiều tổ chức phi chính phủ, nghị viện và nhà báo châu Âu đã cố gắng thu thập thông tin về các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu (EC) và các tập đoàn sản xuất vaccine, để chỉ thấy mình “va đầu vào tường”. 

Le Monde trích lời Olivier Hoedeman, điều phối viên của Cơ quan Giám sát doanh nghiệp châu Âu (CEO) - tổ chức phi chính phủ nghiên cứu tác động của vận động hành lang từ giới doanh nghiệp lên chính sách của EU - nhận định: “Có vẻ như luật EU về việc tiếp cận tài liệu đã không áp dụng cho đàm phán về vaccine COVID”. 

CEO đã khiếu nại lên Thanh tra viên châu Âu Emily O’Reilly, người mở một cuộc điều tra về việc “không tuân thủ nghĩa vụ xử lý yêu cầu của công chúng được tiếp cận tài liệu”. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả.

L’Humanite cho biết đến nay, trong số 8 hợp đồng mua sắm sơ bộ vaccine mà EU ký với các công ty xuyên quốc gia, 3 hợp đồng chính thức đã được cung cấp cho công chúng, với СureVac, AstraZeneca và Sanofi-GSK. 

Brussels cũng hứa sẽ sớm trình làng hợp đồng thứ tư, vừa kết thúc với Tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ. Tuy nhiên, Moderna và Pfizer-BioNTech, nhà sản xuất hai loại vaccine chính và đắt nhất hiện có trên thị trường, tiếp tục từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào về thỏa thuận của họ với EU.

Có điều, các hợp đồng tưởng đã được giải mật vẫn chưa hết... bí mật. Le Monde lấy ví dụ các giao dịch của công ty Anh - Thụy Điển AstraZeneca với EU mà chủ tịch Ủy ban môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm (ENVI) của nghị viện châu Âu Pascal Kanfen cho biết những điểm chính đã bị... bôi đen. 

Ông Kanfen cho biết đã yêu cầu EC công khai 4 yếu tố cơ bản của mọi hợp đồng ký với ngành dược: cơ cấu chi phí và giá cả, nơi sản xuất, chế độ sở hữu trí tuệ và chế độ trách nhiệm. Thế nhưng EC đã không đáp ứng yêu cầu này.

Le Monde nhận xét: “Sự chín muồi khoa học của vaccine không phải là yếu tố tiên quyết trong chiến lược mua vaccine của EU, các tiêu chí khác có thể được ưu tiên, chẳng hạn như kinh tế”. 

Vậy nên các tập đoàn Mỹ như Moderna, Pfizer-BioNTech cũng như Johnson & Johnson trong khi đàm phán với EC đã yêu cầu được miễn trách nhiệm trong những trường hợp có hậu quả tiêu cực do tiêm chủng gây ra. 

Còn L’Humanite cho biết trong hợp đồng với CureVac, thông tin về quy trình sản xuất đã bị che giấu, có lẽ do “liên quan đến nhiều người trung gian”. 

Hợp đồng mua vaccine được EU công khai, nhưng với nhiều đoạn bị bôi đen. Ảnh: BBC

Từ các hợp đồng với Sanofi và GSK, EU cam kết “đầu tư vào việc tăng cường sản xuất các loại vaccine sẵn có”, nhưng số tiền đầu tư lại không được tiết lộ. Cũng có quy định về các biện pháp trong trường hợp dừng dự án nhưng biện pháp nào cũng là... bí mật. Trong hợp đồng với AstraZeneca, các điều khoản phân phối của vaccine cũng bị che đậy.

Báo Mỹ The New York Times cũng chỉ trích những thỏa thuận hậu trường của giới đại gia dược - “Big Pharma”: “Khi các thành viên EU ngồi xuống để đọc hợp đồng công khai đầu tiên về việc mua vaccine, họ nhận thấy rằng còn thiếu điều gì đó... Giá mỗi liều? Bôi đen. Tiến độ triển khai? Bôi đen. Số tiền ứng trước? Bôi đen. Mà hợp đồng này giữa công ty dược phẩm Đức CureVac và EU được coi là một trong những hợp đồng minh bạch nhất trên thế giới”.

NYT chỉ ra Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho việc phát triển và sản xuất vaccine ở tất cả các công ty dược phẩm của nước này, đặc biệt là đã chi trả toàn bộ việc phát triển vaccine của Moderna và Novavax. 

Dù những vaccine này được tài trợ từ tiền dân Mỹ đóng thuế, “các công ty dược phẩm sở hữu hoàn toàn các bằng sáng chế. Điều này đồng nghĩa họ có thể quyết định sản xuất vaccine ở đâu, như thế nào, cũng như giá thành của chúng”.

Còn hậu quả không mong muốn liên quan đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao sang các nước châu Âu, tác dụng phụ do tiêm chủng..., theo các hợp đồng, cần được Brussels bảo hiểm!

L’Humanite chỉ ra: Trong tất cả các hợp đồng được công khai, Brussels chịu mọi chi phí: “Việc quản lý toàn bộ quy trình liên quan đến sản phẩm được thực hiện với chi phí của mỗi quốc gia thành viên EU... Các quốc gia EU bồi thường cho tất cả các tổn thất có thể xảy ra “ở giai đoạn phân phối, sử dụng, thử nghiệm lâm sàng sản phẩm, đóng gói, kê đơn và các quy trình liên quan khác”. 

Các nhà hoạt động của Tổ chức Bác sĩ không biên giới nói: “Chúng tôi nghi ngờ rằng điều kiện cho các nhà sản xuất vaccine là quá thuận lợi...”.

Hiện tại, 62 nghị sĩ EU đang lưu hành một kiến nghị yêu cầu cung cấp thêm thông tin về tất cả các vấn đề liên quan đến tiêm chủng. Tuy nhiên, EU vốn phụ thuộc vào Big Pharma, liệu có thể thắng được con bạch tuộc dược phẩm toàn cầu?

Các đại gia ngành dược từ lâu đã chịu nhiều tai tiếng. Ảnh: Medium

Đổi tù nhân lấy vaccine

Không phải tự nhiên mà truyền thông Pháp nhận định kinh tế là yếu tố còn quan trọng hơn “sự chín muồi về mặt khoa học của vaccine”. Trong lúc lẽ ra hiệu quả hay tác dụng phụ của vaccine phải là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.

 Tờ The Times (Anh) cho hay sau khi Viện Virus học Robert Koch ở Đức từ chối phê duyệt vaccine AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà chưa tiêm chủng vì đã 66 tuổi, dự trữ vaccine AstraZeneca ở Đức đạt tới 1,4 triệu liều. 

Ủy ban tư vấn quốc gia về miễn dịch của Canada cũng không khuyến cáo sử dụng loại vaccine này cho người trên 65 tuổi, trong khi trước đó Canada đã trữ được tới 20 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Dù Pascal Soriot, giám đốc điều hành của AstraZeneca, khẳng định vaccine “ngăn ngừa gần 100% việc nhập viện vì virus corona ở mọi người thuộc mọi nhóm tuổi”, ở Berlin mỗi ngày vẫn chỉ có vài trăm người đến các trung tâm tiêm chủng AstraZeneca - vốn có khả năng tiếp nhận tới 3.800 người. 

The Times lưu ý chính các nhà lãnh đạo châu Âu làm tổn hại danh tiếng của loại thuốc này bằng cách từ chối tiêm hoặc bình luận tiêu cực về hiệu quả của AstraZeneca.

Khi lợi ích kinh tế được đặt lên trên hết, những quan ngại về “ngoại giao vaccine” hay “chủ nghĩa dân tộc vaccine” xem ra chỉ là chuyện xa vời. 

Trong một bài phát biểu gần đây, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho biết nhu cầu với vaccine COVID-19 vượt xa nguồn cung, sẽ thúc đẩy “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, làm tăng nguy cơ giá vaccine tăng vọt.

Các chuyên gia còn lo ngại sự lặp lại của tình huống đầu đại dịch, khi các quốc gia đóng cửa biên giới và cấm cung cấp vật tư y tế ra nước ngoài, khiến cộng đồng thế giới vuột mất một khoảng thời gian hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, mà trong một đại dịch mang tính quyết định.

Chẳng biên giới quốc gia nào ngăn được virus. Thời buổi này, không thể ngăn chặn nó chỉ bằng cách tiêm chủng cho từng nước. Đại dịch sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng ở các quốc gia nghèo hơn và tác động tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế thế giới. 

Nhà dịch tễ học người Canada, tiến sĩ John Brownstein ví von: “Đưa một số quốc gia giàu có lên đỉnh kim tự tháp [vaccine] sẽ chỉ kéo dài đại dịch”. Một vài nước đang thúc đẩy “ngoại giao vaccine”, vừa tiêm chủng cho người dân vừa thúc đẩy xuất khẩu và viện trợ, tranh thủ đưa ảnh hưởng đi xa hơn trên thế giới. 

Lô vaccine COVID-19 đầu tiên tới dải Gaza. Ảnh: AP

Thực tế và thú vị nhất có lẽ là trường hợp vừa xảy ra với Israel và Syria.

Chuyện là, một nữ thường dân Isreal ở khu định cư Bờ Tây, đầu tháng 2-2021 đã băng qua biên giới vào một khu vực miền núi của Syria và bị đặc nhiệm Syria bắt giữ. 

Nhưng do Israel và Syria chính thức đang trong tình trạng chiến tranh và không có quan hệ ngoại giao, phía Syria đã nhờ Nga làm trung gian để đổi nữ công dân này lấy các công dân Syria bị giam trong các nhà tù Israel. 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhờ hỗ trợ. Kết quả: Syria đưa nữ công dân Israel này đến Matxcơva, nơi bà được Đại sứ quán Israel tiếp nhận và đưa về Tel Aviv ngày 19-2.

Đổi lại, Israel trả cho Syria “hai người chăn cừu” bị giam giữ tại cao nguyên Golan. NYT đưa tin kế hoạch ban đầu là đổi người phụ nữ Israel này lấy hai cư dân Syria bị giam giữ trong các nhà tù Israel. 

Nhưng một trong hai người đó đang thụ án vì buôn lậu vũ khí từ Lebanon, đã từ chối về Syria. Người thứ hai vẫn đang bị các cơ quan đặc nhiệm Israel thẩm vấn, nên “những người chăn cừu” đã được đề nghị thay thế họ. Chỉ có điều, theo NYT, “những người chăn cừu” chỉ là bình phong. 

Điều kiện trao đổi thực sự của Syria là một lô hàng vaccine Sputnik V đưa từ Nga sang Syria qua ngả Israel. 

Tờ báo không nói rõ quy mô của lô hàng, nhưng báo Israel Haaretz cho biết là vài trăm nghìn liều. NYT bình luận: Thỏa thuận này có thể là một ví dụ về “ngoại giao vaccine” - và cũng làm nổi bật sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển giàu có như Israel, quốc gia đã tiêm vaccine cho gần một nửa trong số 9,2 triệu dân và Syria mà chiến tranh đã bước sang năm thứ 11, nơi tiêm chủng thậm chí còn chưa được bắt đầu.■

Theo báo Anh The Guardian, giá thành vaccine tới tay người dùng do Công ty Moderna của Mỹ phát triển có thể lên tới hơn 70 USD một liều. Financial Times viết giá bình quân mỗi liều vaccine hiện nay vào khoảng 25-30 USD. Vaccine Sputnik V của Nga có giá 10 USD/liều. 

Hiện Nga là nước đầu tiên trên thế giới cho tiêm chủng rộng rãi và miễn phí vaccine. Các điểm tiêm chủng được mở cả ở các trung tâm thương mại. Người dân có thể đến bất kỳ điểm nào mình muốn để tiêm chủng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận