15/08/2018 14:36 GMT+7

Chưa thấy Lưu Quang Vũ thứ hai

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 30 năm ngày mất của nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ cùng người vợ tài năng và con trai, người ta vẫn thấy ông ở đó, giữa “vô cùng năm tháng”, để vỗ về chúng ta giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, mách bảo về những điều tốt đẹp.

Chưa thấy Lưu Quang Vũ thứ hai - Ảnh 1.

Từ trái qua: nhà báo Lưu Minh Vũ, nhà báo Lưu Quang Định, NSƯT Lê Chức, nhà văn Ngô Thảo, NSƯT Trọng Thủy tại buổi họp báo về đêm thơ - nhạc - kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Tình yêu ở lại - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Cùng lúc đột ngột mất tới ba người thân yêu, nỗi đau ấy nặng lắm. 30 năm, tôi đã chẳng cố gắng vượt qua nỗi đau như cách người ta hay nói. Nỗi đau quá lớn, nên nỗi đau đè lên niềm tự hào. Tôi yêu bố, tất nhiên tôi tự hào về bố, nhưng tôi từng ước rằng thà bố kém kém thôi nhưng còn sống với mình còn hơn.

LƯU MINH VŨ (con trai Lưu Quang Vũ)

Đó là những chia sẻ về của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, bạn bè, người thân trong buổi họp báo đêm thơ - nhạc - kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ - ngày 14-8 tại Hà Nội.

Mách bảo những điều tốt đẹp

Trong niềm xúc động, NSƯT Lê Chức nói những suy tư của Lưu Quang Vũ vẫn còn ở trong chúng ta.

"Vũ, Quỳnh, Thơ không hề đi khỏi cuộc đời, không hề đi khỏi nỗi nhớ, không hề đi khỏi sự nghiệp mà chúng ta đang đi tiếp. Họ cho chúng ta nghị lực, niềm tin và tình yêu để sống trong đời sống hôm nay" - người bạn thân thiết của gia đình Lưu Quang Vũ, người đã bế Lưu Quang Vũ vào nhà lạnh của Bệnh viện Việt Xô 30 năm trước, nói.

Nhà văn Ngô Thảo - người gắn bó mật thiết với Lưu Quang Vũ - nói xem lại những Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời, Hoa cúc xanh trong đầm lầy, Ông vua hóa hổ, Người tốt nhà số 5..., ông đều thấy trong đó nhiều điều của ngày hôm nay.

Ông cho rằng tính thời sự trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ thì đã rõ, nhưng trên hết đó là tính trọn vẹn. Khi tạo được một tác phẩm trọn vẹn thì ánh sáng của nó sẽ luôn được "đọc mới lại".

Và Lưu Quang Vũ đã làm được điều đó.

"Vượt qua tính thời sự là chất ngọc còn lại trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ để mỗi lần chúng ta đưa viên ngọc lên soi ngắm, nó lại cho chúng ta những ánh sáng mới, nó mách bảo chúng ta những điều chúng ta gọi là tính dự báo, nó mách bảo cho chúng ta những điều tốt đẹp của cuộc đời. Chính điều này đã làm nên sức sống của kịch Lưu Quang Vũ" - nhà văn Ngô Thảo nói.

Ông hi vọng thế hệ sau vẫn tìm ra những ánh sáng đẹp trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ "để biết yêu thêm con người, yêu thêm cuộc sống... và yêu thêm những cố gắng của chúng ta để làm cuộc đời tốt đẹp hơn".

Đạo diễn, NSƯT Sỹ Tiến - người vừa dựng vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy - nói điều gây xúc động nhất ở những vở kịch, bài thơ của Lưu Quang Vũ chính là chúng "định hình cách sống tử tế giữa những con người với nhau".

Nữ nhà thơ Vi Thùy Linh cũng chung một niềm yêu kính với tài năng và tâm hồn Lưu Quang Vũ bởi theo chị, chưa thấy một Lưu Quang Vũ thứ hai, công chúng càng nhớ ông hơn "và chúng ta đôi khi cần nương tựa trong nỗi nhớ ấy để được an ủi, để đi qua được những bộn bề thực tại".

Như tia nắng, Vũ - Quỳnh vẫn còn mãi

Rất ấn tượng với tính dự báo trong các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ, NSƯT Lê Chức thấy rất tiếc nuối khi lâu nay văn nghệ của chúng ta đã để mất đi tính dự báo "trong từng tư duy, trong từng ngòi bút".

Nhà văn Ngô Thảo cũng cùng chung niềm trăn trở, ông bảo 30 năm sau ngày mất Lưu Quang Vũ, nền sân khấu đã có thêm 300 vở mới nhưng vẫn không có người nào vượt qua được Lưu Quang Vũ hoặc sánh ngang được với ông. Đó là điều thiệt hại lớn cho công chúng hôm nay.

"Chỉ sợ rằng bây giờ chúng ta tạo ra quá nhiều thứ giống như vở diễn sân khấu, giống như bài thơ, giống một tác phẩm nhưng không có người đọc, người xem. Nguy cơ đó của nền văn học nghệ thuật hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng hình như chúng ta cần làm cái gì đó tốt hơn, sáng tạo hơn mới có thể lay động được tâm hồn của công chúng" - nhà văn Ngô Thảo trăn trở.

"Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đều mách bảo cho chúng ta hãy quan tâm đến số phận của đất nước, nắm lấy tâm hồn của 100 triệu người mà sống, mà sáng tạo ra những tác phẩm mới thì tác phẩm ấy mới như tia nắng còn mãi cho mai sau" - ông nói.

Và công chúng sẽ chờ để tối 26-8 này, tại Nhà hát lớn Hà Nội, được "gặp" lại đôi vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh qua đêm thơ - nhạc - kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh - Tình yêu ở lại.

Chương trình do gia đình Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh phối hợp với báo Dân Việt, Nhà hát Tuổi Trẻ và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày họ ra đi.

Bên cạnh những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của hai tác giả, những hồi ức đẹp về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh lần đầu được kể, trích đoạn vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy sẽ được các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn.

Đề xuất đặt tên đường Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Nhà báo Lưu Quang Định, em trai Lưu Quang Vũ, cho biết gia đình đang có kế hoạch sẽ bàn với Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nhà văn Việt Nam để đề xuất ý tưởng lên UBND TP Hà Nội đặt tên Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cho một con đường tại Hà Nội.

Hiện ở Đà Nẵng - quê hương Lưu Quang Vũ - đã có một con đường mang tên ông. Tại TP.HCM đã có một con đường mang tên Xuân Quỳnh, nhưng Hà Nội chưa có con đường nào mang tên hai người.

Dịp này, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về kịch Lưu Quang Vũ vào sáng 20-8 và cùng Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở Nguồn sáng trong đời vào tối cùng ngày.

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo về thân thế, sự nghiệp Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh sáng 23-8. ĐH Duy Tân ở Đà Nẵng cũng tổ chức hội thảo về kịch Lưu Quang Vũ ngày 29-8.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên