Theo các chuyên gia, chưa thể khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đưa ra giải pháp nào, nhưng việc nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung chắc chắn sẽ giúp thị trường vàng trong nước hạ nhiệt.
Nếu NHNN không sớm có giải pháp hiệu quả, việc giá vàng miếng SJC chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới là nguy cơ buôn lậu vàng, thất thoát thuế, thị trường không minh bạch, méo mó.
Chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả
Chiều 28-5, giá vàng thế giới ở mức 2.351,7 USD/ounce (tương đương 72,2 triệu đồng/lượng quy đổi), giảm nhẹ so với phiên trước đó. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC lại tăng vọt.
Công ty SJC niêm yết giá bán vàng ở mức 90,5 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày 27-5 và tăng 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 18,3 triệu đồng/lượng. Như vậy nếu so sánh với mức chênh thời điểm trước khi NHNN đưa ra đấu thầu vàng là 9,53 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới đã tăng gần gấp đôi. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng biện pháp can thiệp thông qua đấu thầu để hạ nhiệt giá vàng chưa phát huy hiệu quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước với giá vàng thế giới ngày càng tăng cho thấy mục tiêu kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới như mục tiêu của NHNN khi tổ chức đấu thầu vàng đã không đạt như kỳ vọng. Bởi giá vàng đưa ra đấu thầu luôn sát với giá vàng trong nước chứ không phải giá vàng thế giới.
Với giá sàn cao, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp (DN) phải bán với giá cao hơn nên càng nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới, thay vì thu hẹp như mục tiêu đề ra. Do vậy, theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc NHNN thông báo dừng đấu thầu vàng miếng SJC là giải pháp đúng đắn. Bởi qua những phiên đấu thầu trước đó, mục tiêu kéo giảm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thất bại.
Trong thực tế, theo ông Long, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết được câu chuyện vàng miếng SJC, chứ không giải quyết được câu chuyện căn cơ là nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhu cầu của các DN vàng trong nước.
"Do vậy, cần cho phép được nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới sự quản lý của NHNN. Đây là phương án hiệu quả để hạ nhiệt giá vàng trong nước", ông Long nói.
Phải bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Theo các chuyên gia, có hai phương án được nhập khẩu vàng: một là cấp quota (hạn mức) cho các DN trực tiếp nhập vàng, hai là NHNN nhập vàng nguyên liệu về và bán lại cho DN. Thời gian tới có thể tiến tới xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cho các DN vàng đủ điều kiện có thể sản xuất vàng miếng như trước đây.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp căn cơ là phải sớm sửa nghị định 24 năm 2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng Nhà nước xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, xóa độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng.
Ngoài ra, nên cho phép một số DN đủ điều kiện nhập khẩu vàng để góp phần bình ổn thị trường trong nước. "Nghị định mới cũng cần hoàn thiện khung pháp lý về phân công trách nhiệm cho các bộ ngành về quản lý thị trường vàng", ông Lực nói.
Một phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng không cần nhập khẩu vàng nguyên liệu mà chỉ cần thay đổi ngay chính sách quản lý hiện nay, trong đó bỏ độc quyền vàng miếng và bỏ thương hiệu quốc gia vàng SJC, thì giá vàng SJC sẽ lập tức hạ nhiệt.
Trước đó, tại họp báo kinh tế - xã hội vào chiều 16-5, bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, Chính phủ và NHNN cho phép nhập khẩu vàng bởi các DN đang không có nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.
"Chủ trương Chính phủ sắp tới thanh tra, kiểm tra thị trường vàng rất đúng để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch. Mua bán vàng phải có hóa đơn. Nhưng nhiều năm nay các DN không được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Vì vậy, cần cho phép DN nhập vàng để có nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lậu hiện nay rất nhức nhối", bà Hằng nói.
Trả lời Tuổi Trẻ trước đó, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng không quá lo ngại việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ gây áp lực lên tỉ giá bởi khối lượng vàng nhập không nhiều. "Thị trường vàng luôn có hai chiều bán và mua. Giả sử trong số này có 15 tấn bán và 35 tấn mua. Với giá vàng thế giới hiện nay, nhập 35 tấn chỉ tốn hơn 2 tỉ USD, không phải quá lớn so với dự trữ ngoại hối hiện nay", ông Phương nói.
* Đại biểu Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế):
Phải có dữ liệu chính xác về thị trường vàng
Với các chính sách liên quan thị trường vàng, phải cân nhắc hết sức thận trọng. Trong đó, điều quan trọng nhất vẫn phải có được thông tin, dữ liệu cụ thể, chính xác về thị trường. Cụ thể là số lượng mua bán hằng ngày đang diễn ra như thế nào phải nắm được.
Các địa điểm kinh doanh vàng phải đăng ký, quản lý chặt chẽ. Khi quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm giao dịch sẽ có đủ thông tin để đánh giá kịp thời và không có tình trạng thao túng. Ngoài ra, cơ quan chức năng nên cân nhắc đề nghị của một số DN về việc cho phép nhập khẩu vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng nữ trang.
* Đại biểu Hoàng Văn Cường (ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Nên nhập khẩu vàng để tăng cung cho thị trường
Sau khi dừng đấu thầu vàng, cần nghiên cứu xem cơ chế đấu thầu như vậy đã đúng hay chưa. Theo tôi, cơ chế đấu thầu vừa qua chưa đúng, chưa phù hợp bởi giá sàn tham chiếu là giá thị trường của ngày hôm trước nên DN trúng đấu thầu xong phải bán cao hơn giá trúng thầu. Do vậy sau đấu thầu, giá vàng sẽ tăng dần lên.
Nếu muốn giá vàng SJC trong nước gần với giá thế giới, theo tôi, NHNN nên đứng ra nhập khẩu vàng rồi bán ra để đáp ứng nhu cầu trong nước. NHNN cứ lấy giá nhập vàng quy đổi, cộng thêm các chi phí để đưa ra mức giá phù hợp. Các DN, tổ chức tín dụng đủ điều kiện kinh doanh vàng được mua lại trên mức giá sàn. Như vậy, giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Đạt doanh thu kỷ lục, lợi nhuận của SJC vẫn rất mỏng
Công ty SJC vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023. Doanh thu thuần năm 2023 của SJC đạt 28.408 tỉ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ 2012 đến nay của DN bán vàng này.
Do giá vốn hàng bán luôn chiếm ở mức cao khiến lợi nhuận gộp của SJC rất mỏng. Năm 2023, giá vốn đạt 28.166 tỉ đồng, chiếm tới 99% doanh thu. Do vậy lợi nhuận gộp của SJC chỉ đạt 241,6 tỉ đồng, thấp hơn năm trước khoảng 8 tỉ đồng.
Bất chấp giá vàng năm 2023 tăng rất mạnh, biên lợi nhuận gộp của SJC chỉ đạt mức 0,85% - thấp hơn mức 0,92% năm 2022 và "kém xa" nhiều DN cùng ngành. Như PNJ, biên lợi nhuận gộp năm 2023 đạt gần 18,3%, cao hơn mức 17,5% năm 2022. Sau trừ các loại chi phí và thuế, lãi ròng SJC đạt gần 61 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2022.
Nếu nhìn lại kết quả kinh doanh của SJC hơn thập niên trở lại đây, có thể thấy 2012 là năm ghi nhận đỉnh lợi nhuận sau thuế của DN này khi đạt gần 390 tỉ đồng. Đây cũng là năm mà SJC được Chính phủ và NHNN chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia vì chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Sang năm 2013, lợi nhuận sau thuế của SJC bắt đầu lao dốc về còn gần 270 tỉ đồng.
Từ 2014 đến nay, lợi nhuận DN này sau trừ thuế chỉ còn loanh quanh mấy chục tỉ đồng. Trong cuộc họp mới đây, bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc SJC - khẳng định độc quyền của SJC không mang lợi cho Công ty SJC hay một cá nhân, tập thể nào nên cần cởi bỏ sự độc quyền này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận