Điều gây bức xúc với các doanh nghiệp là các công trình này đã được xây dựng sau khi được cấp phép thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo quy định cũ, nhưng lại được yêu cầu phải điều chỉnh theo quy định phòng cháy chữa cháy mới, gây tốn kém và thậm chí không thể cải tạo được theo các điều kiện mới.
Đau đầu vì sơn chống cháy
Ông Nguyễn Thành Vinh, chủ chuỗi nhà xưởng gia công giày da tại Thái Bình, cho biết rất băn khoăn khi cùng là một loại sơn chống cháy nhưng công trình hoàn thành trước ngày 10-1-2021 được nghiệm thu, sau ngày này lại không được.
"Quy định mới không có độ trễ hay lộ trình để doanh nghiệp thích ứng mà đùng một cái là đồng loạt kiểm tra, xử phạt. Doanh nghiệp phải mất hàng tỉ đồng để khắc phục, lo thủ tục mới", ông Vinh nêu.
Theo ông Vinh, chỉ trong 18 tháng mà có tới ba văn bản, trong đó có hai thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy nổ cho nhà và công trình, khiến các doanh nghiệp rất lúng túng, mệt mỏi.
"Chúng tôi đầu tư xây dựng theo phương án cũ nhưng giờ lại thẩm định, nghiệm thu theo phương án mới mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp, khiến doanh nghiệp không biết xử lý như thế nào" - ông Vinh nói thêm.
Ông Phạm Minh Thái, lãnh đạo một doanh nghiệp cho thuê hạ tầng công nghiệp tại Hải Phòng, cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc thuê mặt bằng, nhà xưởng của công ty liên tục cầu cứu đến cơ quan quản lý vì vướng phải các quy định mới về phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Thái, không thể sử dụng các thiết bị của Trung Quốc hay các nước châu Á khi áp dụng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy tự động trong nhà xưởng, mà phải nhập từ châu Âu. Trong khi đó, các thiết bị từ châu Âu về Việt Nam rất khó khăn.
Việc tăng thời gian chờ đợi, thủ tục hành chính dài hơn... khiến doanh nghiệp mất tự chủ trong sản xuất vì nếu không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đồng nghĩa với việc không thể hoạt động.
Cũng theo ông Thái, chỉ riêng công tác kiểm định sơn chống cháy cho kết cấu thép công trình phải trải qua nhiều bước, quy định quá ngặt nghèo trên mức cần thiết về độ dày sơn, rồi cả những vấn đề chưa được làm rõ liên quan đến chủng loại sơn.
"Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định phòng cháy chữa cháy, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy nhưng đó là loại sơn gì, chỉ số đảm bảo cần bao nhiêu, bán ở đâu, ai kiểm định... thì cơ quan chức năng không nói.
Trên thị trường có hàng trăm hãng sơn nhưng loại sơn nào đạt tiêu chuẩn để sơn lên khung dầm nhà xưởng, đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp phải tự tìm" - ông Thái nêu.
Đặc biệt, quy cách mẫu kết cấu và phương pháp thử nghiệm chi tiết liên quan đến chứng nhận sơn chống cháy vẫn chưa được công bố chính, nên công tác thẩm duyệt sơn chống cháy không thể thực hiện được.
"Nếu những vướng mắc trên không được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết có thể sẽ phải tính toán, chuyển sang thị trường khác" - ông Thái nhận định.
Cứ thế này, chỉ đóng cửa, khó đầu tư thêm
"Giặc lửa chưa tới chứ doanh nghiệp đang rối với quy định phòng cháy chữa cháy lại thấy "lửa đốt trong lòng" rồi" - ông Lê Hoàng Hải, giám đốc điều hành Công ty VINACO, doanh nghiệp chuyên về logistics và kho bãi, nói khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Khẳng định chưa khi nào doanh nghiệp lại lâm vào cảnh khó khăn khi vướng vào quy định phòng cháy chữa cháy như hiện nay, ông Hải cho biết một kho hàng 2.000m2 tại Bình Dương của doanh nghiệp này đã bị đóng cửa do chưa đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy.
Kho hàng này được đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy phun từ trên xuống nhưng quy định mới buộc phải có hệ thống chữa cháy tự động phun nước từ trên và ở giữa kho, phải có bể chứa 400m3 nước đảm bảo phun liên tục 4 tiếng.
Như vậy, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũ không được chấp nhận, phải đầu tư lại, nếu không buộc đóng cửa. Trong khi đầu tư hệ thống mới cho 2.000m2 này phát sinh chi phí 2,4 tỉ đồng.
"Điều bất cập là quy định này rất áp đặt. Nhà kho 300m2 hay 2.000m2 cũng buộc phải có hệ thống tự động. Thậm chí không phân biệt loại hàng ở kho như thế nào. Cứ rập khuôn áp vào nên gây khó cho doanh nghiệp, không đảm bảo hoạt động ổn định được" - ông Hải nói và cho biết đã phải từ chối nhiều đề nghị thuê kho chứa hàng của các doanh nghiệp vì tạm thời chưa đáp ứng được quy định phòng cháy chữa cháy.
Một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tại Đồng Nai cho rằng việc quy định khoang cháy cũng chung chung và yêu cầu quá cao dẫn đến phải xây dựng khá nhiều vách hoặc tường ngăn cháy, tường và vách ngăn cháy phải xây cao tới mái.
Trong khi đó, nhà xưởng sản xuất thường có độ cao lớn nên sẽ làm gia tăng chi phí kết cấu và tăng nguy cơ mất an toàn.
"Các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy về nhà xưởng, nhà kho... vẫn còn khá nhiều điểm chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng và hiểu không thống nhất, hồ sơ phải được điều chỉnh nhiều lần, mất nhiều thời gian và công sức", vị này nói.
Theo một số doanh nghiệp, trong năm 2023, việc áp dụng quy chuẩn 06-2022 có sự điều chỉnh giảm yêu cầu kỹ thuật đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc về việc thống nhất hướng dẫn nên việc lập hồ sơ thiết kế đáp ứng yêu cầu của cơ quan thẩm duyệt vẫn còn khó khăn, phải sửa chữa, điều chỉnh nhiều lần.
Chẳng hạn, với quy chuẩn 06-2021, dầm và cột có thể bọc bằng cách phun vữa hoặc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định. Nhưng quy chuẩn 06-2022 không đề cập đến những điều này, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nào phải chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của phương án đó.
"Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó về kỹ thuật, chi phí phát sinh đội lên cao trong khi cần nhất quán về thẩm định theo quy chuẩn cũ hay hiện hành mới tháo gỡ được vướng mắc" - ông N.Th.Hùng, giám đốc một doanh nghiệp nông sản, nói.
Thời gian kéo dài, chi phí tăng mạnh
Trao đổi với chúng tôi, ông D.H., chủ tịch của một công ty chuyên đầu tư vào các lĩnh vực y tế, cho biết doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục phòng cháy chữa cháy khiến chi phí bị đội lên và thời gian kéo dài.
Chẳng hạn, tại phụ lục D điểm 14.5 của QCVN 06:2022/BXD, yêu cầu có thêm hệ thống cấp bù khí cho công trình, làm tăng thêm kinh phí gấp hai lần so với trước. Các hệ thống quạt thông gió phải được đặt trong phòng có giới hạn chịu lửa, làm tốn không gian diện tích sử dụng, tăng chi phí.
Các công trình cải tạo xin thẩm duyệt một phần diện tích, với yêu cầu các vật liệu chống cháy cho công trình như hiện nay, vô hình trung tồn tại hai hệ thống thông gió với các vật liệu có giới hạn chịu lửa khác nhau, dẫn đến không đồng bộ và khó khăn cho công tác thẩm duyệt nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, nhiều vật liệu chống cháy, như sơn chống cháy, dù doanh nghiệp đã tìm kiếm trên thị trường Việt Nam nhưng chưa đáp ứng được.
"Các thủ tục để đưa công trình vào sử dụng đều phụ thuộc vào việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, thời gian thực hiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy bị kéo dài, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp", ông D.H. nhấn mạnh.
B.MAI
Nhiều công trình chuyển tiếp gặp khó
Theo các doanh nghiệp, những quy định về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy đã phát sinh hàng loạt vấn đề rắc rối khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí phải ngưng sản xuất. Do các quy định liên quan được bổ sung, thay thế, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nghiệm thu vì chưa có hướng dẫn chuyển tiếp.
Doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian xin thẩm duyệt giấy phép và nghiệm thu phòng cháy chữa cháy do thủ tục này đã được chuyển ra Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thực hiện, thay vì địa phương.
"Việc chuyển hồ sơ và nộp online trực tuyến, sử dụng các chữ ký số điện tử làm kéo dài thời gian, do không được hướng dẫn chi tiết và đầy đủ", một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng chia sẻ.
Kho xưởng ngàn tỉ nằm chờ thủ tục
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại VN (JCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) đã có kiến nghị gửi lãnh đạo Bộ Công an than phiền về các quy chuẩn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, sau khi "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình" có hiệu lực (từ ngày 1-7-2020), và nghị định số 136 "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy" có hiệu lực (từ ngày 10-1-2021), nhiều hội viên của JCCI và JCCH không thể đưa nhà máy và nhà kho vào hoạt động vì không thể xin được giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Bởi theo các quy định, để đánh giá tính năng chịu lửa của các kết cấu thép như cột, dầm công nghiệp và các cấu kiện, kết cấu chống cháy như cửa chống cháy EI (chống cháy, cách nhiệt) cần phải được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, do các phòng thí nghiệm còn chưa hoàn thiện, việc cấp giấy chứng nhận kiểm định gần như đã bị dừng lại. Không được cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu, doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Theo khảo sát của JCCI và JCCH, có ít nhất 18 dự án với tổng giá trị 3.097 tỉ đồng đã bị ảnh hưởng. Không chỉ các doanh nghiệp xây dựng không thể bàn giao công trình đã hoàn thiện mà các nhà máy, kho hàng của chủ đầu tư là các doanh nghiệp sản xuất và vận tải của Nhật Bản cũng không thể đi vào hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thiết kế cơ sở của nhà và thiết bị phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan chức năng phê duyệt theo các quy định tại thời điểm thiết kế, doanh nghiệp khởi công xây dựng sau khi được cấp giấy phép xây dựng.
Vì thế, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu thay đổi lớn đối với công trình. Hơn nữa, nghị định số 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành chỉ sau một tháng rưỡi, các nhà xưởng, nhà kho đang thi công khó có thể áp dụng theo được các tiêu chuẩn mới.
Theo JCCI, việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho các công trình nhà là ưu tiên số 1, nhưng đối với các công trình nhà sản xuất và nhà kho đã khởi công xây dựng từ trước khi các quy định mới có hiệu lực, đề nghị có biện pháp đặc biệt để có thể đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy.
SƠN ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận