31/12/2014 07:58 GMT+7

​Chưa tăng giá điện đến Tết Nguyên đán

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tại buổi họp báo công bố giá thành điện vào ngày 30-12, ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ không tăng giá điện.

Công nhân EVN vận hành trạm biến áp để cung ứng điện cho Hà Nội - Ảnh: C.V.K.
Công nhân EVN vận hành trạm biến áp để cung ứng điện cho Hà Nội - Ảnh: C.V.K.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2013 lên tới 169.905 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu bán điện của EVN 2013 là 172.903 tỉ đồng.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 1.473 đồng/kWh, trong khi giá bán điện EVN đã thực hiện được đạt 1.499,82 đồng/kWh.

Kết quả kiểm tra của Bộ Công thương xác nhận tổng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các hoạt động liên quan đến điện của tập đoàn này năm 2013 đạt 4.938,44 tỉ đồng.

Giá dầu giảm, áp lực tăng giá giảm

Ông ĐINH QUANG TRI (phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN):

Năm 2015 sẽ giảm mua điện Trung Quốc

Việt Nam cũng đã tham gia chương trình liên kết lưới điện ASEAN, hiện đã liên kết với Lào, Campuchia, sắp tới sẽ là Thái Lan qua đường dây 500kV. Khi kết nối được, hệ thống sẽ tăng được dự phòng, giảm khả năng thiếu điện khi có sự cố hoặc do nhu cầu điện tăng quá nhanh... Còn việc mua điện của nước láng giềng là chuyện bình thường, giúp tăng công suất khả dụng, giảm sức ép đầu tư. Việc mua điện Trung Quốc là vì lợi ích cả hai nước. Tuy nhiên, năm 2015 dự kiến chỉ mua 1,8 tỉ kWh...

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương - cho rằng báo cáo kiểm tra giá thành điện sẽ là cơ sở để xem xét phương án giá điện EVN trình.

Ông Tuấn cho biết: nếu phương án tăng 7-10%, sau khi Bộ Công thương chấp thuận, EVN được tăng. Trên 10% hoặc nằm ngoài khung giá phát, bán lẻ đã được phê duyệt thì Bộ Công thương, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra và trình Thủ tướng quyết định.

* Giá dầu đang xuống rất thấp, tại sao EVN vẫn đề xuất tăng giá điện? EVN đang có lãi, tăng giá sẽ là lãi chồng lãi?

- Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có bốn yếu tố đầu vào sẽ được tính vào giá thành điện, trong đó có nhiên liệu. Giá dầu giảm thì giá nhiên liệu giảm theo, nhất là giá khí cho một số nhà máy điện sẽ giảm.

Theo quy định, chúng tôi sẽ tính bình quân giá nhiên liệu từ ngày tăng giá gần nhất đến ngày tính giá. Nên chắc chắn khi tính giá cho năm 2015 sẽ bao gồm toàn bộ chu kỳ giá dầu thời gian qua.

Trong cơ cấu giá thành, điện chạy dầu không nhiều, nhưng giá khí đúng là có tính theo giá dầu, trong khi VN có một số nhà máy chạy khí. Giá nhiên liệu giảm đương nhiên giá thành điện ở các nhà máy này cũng giảm. Các nhà máy điện chạy than tác động ít vì giá than không giảm. Thủy điện thì giá dầu giảm không ảnh hưởng.

* Giá dầu giảm sẽ được tính toán như thế nào vào giá điện?

- Giá cơ sở năm 2015 sẽ tính toán giá nhiên liệu cập nhật tới giá gần nhất. Chắc chắn mức tăng giá điện, nếu có, thì chi phí sẽ phản ánh giá dầu như thực tế đang xảy ra. Bên cạnh giá dầu còn giá than, giá khí trong bao tiêu tăng theo lộ trình, rồi tỉ giá thay đổi... Giá dầu quan trọng nhưng không phải duy nhất.

* VN đang mua điện từ Trung Quốc với giá cao hơn cả thủy điện trong nước. Bây giờ điện miền Bắc đã cung ứng đủ, EVN có tiếp tục mua từ Trung Quốc không?

- Mua điện Trung Quốc từ năm 2004. Đến năm 2012, khi các nguồn điện mới đi vào vận hành, hoặc khi các nhà máy thủy điện thuận lợi, lượng điện nhập khẩu đã giảm đáng kể. Năm 2012 VN chỉ mua 3,2 tỉ kWh, năm 2014 còn 2,29 tỉ kWh và năm 2015 sẽ thấp hơn.

Chưa tăng giá cho đến tết

Cũng tại buổi họp, ông Đinh Quang Tri khẳng định tổn thất điện năng năm 2013 là 8,87%, thấp hơn 0,45% so với chỉ tiêu Bộ Công thương giao. Ông Tri cho biết: đặc thù VN là có lưới điện truyền tải dài. Năm 2013 chúng ta phải truyền tải điện vào cung ứng cho miền Nam rất cao, lượng điện từ miền Bắc vào miền Trung tăng gần hai lần, từ miền Trung chuyển tiếp vào Nam cũng tăng 24% nên tổn thất cao.

* Lãnh đạo EVN từng công nhận năng suất lao động của EVN thấp. Việc nhân lực đông khiếntăng chi phí, giá thành điện?

- Quy mô lưới điện và năng suất lao động của EVN đứng thứ ba trong ASEAN. So với Thái Lan, Malaysia... thì đúng là năng suất lao động của EVN còn thua. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2020 sẽ đạt mức của các nước tiên tiến trong khu vực.

Năm 2014, EVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị không được tăng biên chế nhưng chỉ duy trì được sáu tháng đầu năm. Vì có hàng loạt trạm biến áp 220kV đưa vào hoạt động nên không thể không có người vận hành, buộc phải duyệt tăng biên chế. Còn tất cả khu vực phụ trợ không tăng thêm người.

Khi chúng ta áp dụng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, toàn bộ khâu bán lẻ sẽ phải tách khỏi EVN. Công việc từ ký hợp đồng với khách, ghi chỉ số sẽ do các công ty đa sở hữu làm, không phải các tổng công ty điện lực nữa.

Từ năm 2015, chúng tôi đã được yêu cầu hạch toán riêng khâu kinh doanh kể trên để sau này tổng công ty điện lực chủ yếu quản lý hệ thống, từ côngtơ trở vào hộ dân để các công ty đa sở hữu kinh doanh và cạnh tranh bán.

Hiện EVN làm lưới điện thông minh, sẽ phải đầu tư cả tỉ USD và việc tiết giảm lao động sẽ là chỉ tiêu đi kèm. Nếu không đầu tư mà cắt giảm lao động thì không an toàn, ảnh hưởng đến khách hàng.

* Từ nay đến tết có tăng giá điện hay không? Chi phí sản xuất điện có cái nào giảm không?

- Tôi xin nói từ nay đến tết không thay đổi giá điện. Tuy nhiên, trong năm 2014 hàng loạt chi phí đang phải “treo” do không tăng giá: do tăng giá than, chi phí của EVN tăng 2.271 tỉ đồng, tăng giá khí khiến tăng chi phí 1.414 tỉ đồng, biến động tỉ giá tăng 128 tỉ đồng, thuế tài nguyên tăng chi phí 1.504 tỉ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn 1.019 tỉ đồng...

Tuy nhiên, do phát được thủy điện nhiều đã giúp giảm chi phí trên 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, còn khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá vẫn bị treo từ trước trên 8.800 tỉ đồng. Tổng là trên 15.000 tỉ đồng

EVN có hai cách xử lý: thứ nhất là tăng giá điện; thứ hai, EVN đã kiến nghị khoản lỗ chênh lệch tỉ giá 8.800 tỉ đồng đúng ra phải đưa vào giá thành, trước Chính phủ nêu năm 2015 phải xong thì nay chắc phải báo cáo xin lui lại. Chênh lệch tỉ giá chưa phải trả ngay, Chính phủ có thể cho hoãn. Một số khoản chi phí thanh toán cho Tập đoàn Dầu khí cũng xin cho EVN thanh toán chậm...

Đến thời điểm này, hằng tháng chúng tôi phải trình xem giá thành là bao nhiêu. Các giải pháp chúng tôi đề xuất nếu làm được, Bộ Công thương chắc sẽ ủng hộ để không tăng giá. Nếu bộ chưa cho tăng thì cũng cần kèm giải pháp theo, bởi EVN không thể “bơi” một mình vì lỗ sẽ khiến các dự án đầu tư phải dừng...

Nếu giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng, áp lực với EVN sẽ nhẹ hơn. Nhưng nếu nhu cầu điện tại miền Nam tăng quá nhanh, phải đổ dầu đốt, sẽ là áp lực nên chúng tôi kêu gọi tiết kiệm, đặc biệt khu vực miền Nam.

* Giá thành điện 2013 đã tính đến hạ tầng xây dựng bể bơi, sân tennis chưa? Lương thưởng EVN năm nay sẽ như thế nào?

- Lương thưởng đến nay chính tôi cũng chưa biết, sau khi phải có quyết toán tài chính, có lợi nhuận thì mới đủ lương. Để EVN có lợi nhuận, chúng tôi phải xin Chính phủ cho một loạt cơ chế, như khoản lỗ chênh lệch tỉ giá còn treo trên 8800 tỉ phải phân bổ dần, nếu đưa vào ngay năm nay là lỗ, không còn đồng nào.

Còn bể bơi, sân tennis Bộ Tài chính đã có hướng dẫn. Nhà ở vận hành có hai dạng, nằm trong nhà máy phục vụ đi ca, cái đó phải tính vào giá thành. Nếu tách biệt, xây cho gia đình cán bộ ở thì sẽ phải cho thuê, người lao động phải lấy lương trả, không được hạch toán vào giá thành điện.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên