21/05/2012 05:06 GMT+7

Chùa Ông Núi ở Bình Định

ĐẶNG THIÊN SƠN (Quy Nhơn)
ĐẶNG THIÊN SƠN (Quy Nhơn)

AT - Danh thắng Linh Phong Thiền Tự được người dân địa phương gọi với cái tên quen thuộc là chùa Ông Núi - một ngôi chùa cổ danh tiếng ở Bình Định, tọa lạc trên sườn phía đông nam núi Bà, thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.

R1PVxHDk.jpgPhóng to
Cổng chùa Ông Núi ở Bình Định

Con đường đất dẫn đến chân núi Bà có những cây duối cổ thụ trồng ở hai bên thẳng tắp. Mỗi cây cách nhau chừng 5m, tán rộng, lá xanh mơn mởn. Lúc chúng tôi đến đã tầm 10 giờ trưa, những tia nắng tháng 4 đang nhảy nhót trên tán lá, tiếng ve vọng ra từ những hốc cây khiến khung cảnh càng trở nên quyến rũ. Đi hết con đường có những cây duối hai bên là đến chân núi Bà, nơi có cổng chào - cửa ngõ để lên chùa Ông Núi.

Đường lên chùa cao hàng ngàn bậc đá. Những bậc đá được hình thành từ những khối đá lớn xếp chồng lên nhau. Để lên được tới chùa thật sự vất vả với những người không quen leo núi, nhưng cảnh đẹp hai bên đường đã thôi thúc chúng tôi: những bảng chỉ dẫn được khắc vào vách đá tự nhiên; những bông lau nghiêng mình trong nắng, thi thoảng có những tán cây lá vàng ươm hoặc đỏ chót trông rất thích thú; những chú dê núi nép mình trong hang đá đứng nhìn du khách...

Vượt qua những bậc đá xếp chồng lên nhau, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chùa. Dừng nghỉ ở mảnh đất trước cổng chùa, nơi có những tán phượng, xà cừ đan kín vào nhau mát rượi. Đứng ở khoảng không này phóng mắt về phía đông là biển xanh tít tắp, nhìn thấy những đợt sóng duềnh lên trắng xóa nơi ghềnh đá gần bờ. Thu tầm mắt lại gần hơn, chúng tôi được ngắm một bức tranh nông thôn từ trên cao xuống, với lô nhô những nóc nhà, những cánh đồng vàng ươm, những con đường ngang dọc... Quay lưng về phía tây là cổng chùa Ông Núi mới được trùng tu, đứng trang nghiêm giữa núi rừng.

Jc2fQPcH.jpgPhóng to
Cảnh bên trong chùa Ông Núi

Thật ấn tượng khi vừa bước qua cổng chùa đã bắt gặp ngay đài sen với làn nước trong vắt và trên mặt là những bông sen trắng điểm xuyết vài khóm súng tím... Kiến trúc chùa đã được trùng tu trở nên rộng rãi và rất quy mô. Những điện thờ được thiết kế khang trang hơn nhưng vẫn giữ được thần khí; những mái ngói đỏ au, nhấp nhô dưới tán cây cổ thụ, những hàng cột thẳng tắp bên hiên chùa và lối đi tạo nên sự trang nghiêm cổ kính. Mùi nhang trầm phảng phất giữa chốn thiền môn khiến lòng người trầm lặng hơn. Điểm đặc biệt là xuyên qua khuôn viên chùa còn có một dòng suối quanh năm nước chảy róc rách, trong vắt, mát lành.

Hồi hộp nhất trong chuyến thăm chùa Ông Núi là khi lên viếng hang Tổ. Con đường từ chùa chính lên hang Tổ vẫn còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên như đã vốn có hàng trăm năm nay. Hang Tổ là một vách sâu do các hòn đá lớn chồng lên nhau tạo nên, nơi đây là chốn mà ngày xưa Lê Ban, tức thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì - người đã sáng lập ra chùa Ông Núi chọn làm nơi tu hành từ năm 1702. Tương truyền ban ngày ông ở trong rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi mang xuống chân núi, để ở ngã ba đường rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đệ tử xuống núi lấy thực phẩm, nhiều ít không cần biết đưa lên núi để dùng. Người xưa còn kể mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì có một nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi ông đi ngay, không nhận bất cứ một sự trả công nào. Nhà sư đó mặc áo quần làm bằng vỏ cây nên được gọi là Mộc Y Sơn Ông. Bây giờ trong hang Tổ nhân dân trong vùng và các đệ tử của Lê Ban đã lập bàn thờ và có đặt tượng Mộc Y Sơn Ông, xem đây là chốn linh thiêng nhất của quần thể chùa Ông Núi.

Qua lời kể của một vị sư già thì chùa Ông Núi được chúa Nguyễn Phước Chu lệnh cho quan địa phương xây dựng chùa bằng ngói năm 1733 và đổi tên là Linh Phong Thiền Tự. Năm 1965 ngôi chùa cổ bị bom đạn cháy và chùa mới được xây dựng lại. Hằng năm, vào ngày 24 và 25 tháng giêng âm lịch, người dân ở huyện Phù Cát và khách thập phương lại nô nức trẩy hội chùa Ông Núi. Cũng theo nhà sư này thì vào mỗi mùa thi, học sinh trong vùng thường đem sách vở lên chùa để học. Vì không gian nơi đây yên tịnh. Đặc biệt nơi này ngày xưa Ðào Tấn - một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã đến cư trú một thời gian để dùi mài kinh sử...

Chúng tôi hạ sơn khi chiều xế bóng, tiếng chuông chùa vọng theo khiến lòng miên man, trầm lặng. Tôi lẩm bẩm những câu phú của Đào Tấn mà tôi đã đọc được ở chùa: “Một cảnh khói hoa trời tự tại/ Mười năm hồ hải giấc quy lai/ Ðây học trò lành âu cũng Phật/ Chùa tên Ông Núi ngỡ chốn Tiên...”.

rAIk39ex.jpgPhóng toÁo Trắngsố 9 ra ngày 15/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

ĐẶNG THIÊN SƠN (Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên