Phóng to |
Hình ảnh quen thuộc gắn với chúa Tiên Nguyễn Hoàng - Ảnh: L.Đ.D. |
Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 455 năm Nguyễn Hoàng từ đất Bắc vào dựng nghiệp, sau đó nối đời mở mang cõi bờ cương vực xứ Đàng Trong (1558-2013). Và năm 2013 cũng là lễ kỷ niệm 400 năm ngày mất của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1613-2013). Một hội thảo có tầm vóc quốc gia, diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Triệu Phong ở thị trấn huyện lỵ Ái Tử, ngay trên chính mảnh đất mà gần năm thế kỷ trước, khi Nguyễn Hoàng vào đây đã chọn làm lỵ sở. Rồi từ miền cát trắng này, với tầm nhìn chiến lược của mình, chúa Nguyễn Hoàng đã góp phần dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc để lại cho hậu thế hôm nay.
Giáo sư Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trong bài phát biểu khai mạc hội thảo đã nhắc lại cuộc hội thảo “450 năm chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn (1558-2008)” ở Thanh Hóa năm 2008 và nhấn mạnh: “Về triều Nguyễn có nhiều vấn đề thảo luận, có vấn đề tranh luận gay gắt, nhưng về các chúa Nguyễn thì hội thảo đạt sự nhất trí cao trong sự nhìn nhận và đánh giá cao sự nghiệp khai phá mở mang bờ cõi, tạo dựng nên một lãnh thổ quốc gia gần như lãnh thổ nước Việt Nam hiện tại”.
Công lao ấy của các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người “mang gươm đi mở cõi” - dù bao dâu bể đổi dời vẫn trung trinh giữa đời dân một niềm yêu kính. Nhưng dấu tích của chúa Tiên Nguyễn Hoàng với mảnh đất Quảng Trị này, bao binh lửa chiến tranh và cả những ngộ nhận một thời đã xóa sạch, nay không còn một dấu chứng nào để nương vào đó mà tái hiện. May vẫn còn một pho tượng đồng của thái phó Nguyễn Ư Dĩ, vốn là cậu ruột của chúa Nguyễn Hoàng được đúc từ thế kỷ nào không rõ, nay vẫn được dân vùng Trà Liên gìn giữ cẩn thận và được tôn là “bảo vật quốc gia”.
33 bản tham luận với gần 400 trang in trong kỷ yếu hội thảo có lẽ khắc họa phần nào công tích chúa Nguyễn Hoàng với miền đất Quảng Trị và cả xứ Đàng Trong từ thế kỷ 16 cho đến sau này. Nhưng hội thảo đâu chỉ để nhắc lại trăm năm công tích. Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: trước hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn tại Thanh Hóa, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra gợi ý là chọn một vị trí trung tâm nào đó trên đất Nam bộ dựng một tượng đài hoành tráng của chúa Tiên Nguyễn Hoàng để bày tỏ tấm lòng tri ân của hậu thế đối với sự nghiệp của ngài. Và giáo sư Phan Huy Lê cũng gợi ý: “Trên đất Quảng Trị - nơi gắn bó với công cuộc khởi nghiệp và dựng nghiệp của chúa Tiên, ngoài các di tích cần bảo tồn, tôn tạo cần nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và một lễ hội nào đó để ghi nhận, tôn vinh công lao của chúa Tiên. Đây là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa không chỉ đối với nhân dân Quảng Trị mà cho cả nước”.
Từ thanh gươm cắm xuống bãi cát chang chang miền Ái Tử 455 năm trước, nay cõi bờ nước Việt thênh thang đến Cà Mau, Hà Tiên, sự khởi đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng ngày ấy, sử sách dễ gì chép hết công lao? Vậy mà ở thị xã Quảng Trị, ngôi trường trung học đầu tiên được mang tên chúa Nguyễn Hoàng, sau hơn 40 năm, sau bao lần đề đạt, nay vẫn chưa được đặt lại tên xưa với niềm thành kính ngưỡng vọng.
Không xa hội trường Nhà văn hóa trung tâm huyện Triệu Phong ở thị trấn Ái Tử là sân bay quân sự Ái Tử (nay đã bỏ quy hoạch làm sân bay), chạy dài giữa một bên là sông Thạch Hãn, một bên là quốc lộ 1 thiên lý Bắc - Nam. Trong ước vọng của nhiều người, giá như trên khu đất là sân bay Ái Tử này, một khu lưu niệm chúa Tiên Nguyễn Hoàng được mọc lên, có một tượng đài Nguyễn Hoàng soi bóng xuống dòng Thạch Hãn và đền thờ của ngài, cho những khách ngược xuôi trên con đường thiên lý chạy suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau kia sẽ dừng lại nơi đây ít phút, ngẫm ngợi về công đức tiền nhân.
Điềm lành báo được Nước Trên tấm phông chính của cuộc hội thảo lần này là hình ảnh tái dựng câu chuyện khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm, các bô lão ở mảnh đất Ái Tử này đã mang dâng lên chúa bảy vò nước mát. Giữa xứ sở được mệnh danh là “Ô châu ác địa”, nổi tiếng khô khát nắng nôi, người dân dâng nước cho chúa Tiên là một hành động rất thực tế, những vò nước ấy không chỉ là nước uống. Sử cũ chép rằng quan thái phó Nguyễn Ư Dĩ, phò tá tổng trấn Nguyễn Hoàng nhân câu chuyện dân dâng bảy vò nước ấy đã nói rằng: “Trời ban cho tất cả là điềm báo, nay quan tổng trấn mới đến mà dân đem hiến nước, đó là điềm lành báo được Nước”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận