Quang cảnh Hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH Y dược VN - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Ông Nguyễn Đức Hinh - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - thông tin với ngành “hot” nhất của trường là y đa khoa, trong 500 thí sinh trúng tuyển năm 2017 ngoài 27 em được tuyển thẳng chỉ có 21 em được tuyển từ “điểm thật”. Còn lại, có đến hơn 450/500 thí sinh trúng tuyển có điểm cộng ưu tiên.
Ưu tiên, thưởng đến 5 điểm
Ông Hinh cho biết có trường hợp khi cộng dồn các loại ưu tiên và điểm thưởng, mức điểm cộng khi xét tuyển lên đến…. 5 điểm.
Bất ngờ hơn nữa, trong danh sách trúng tuyển y đa khoa hoàn toàn vắng bóng học sinh chuyên sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, một điều hiếm thấy trong lịch sử tuyển sinh nhà trường. “Đây là cú sốc lớn đối với học sinh và giáo viên lớp chuyên sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam” - ông Hinh nhấn mạnh.
Tương tự, nhiều năm nay, tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, số thí sinh trúng tuyển có kèm điểm ưu tiên thường chiếm đến trên 90% thí sinh trúng tuyển. Còn ông Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng để hạn chế mức điểm cộng, thì với thí sinh được cộng nhiều loại điểm ưu tiên chỉ nên cho thí sinh lựa chọn mức ưu tiên cao nhất, chứ không nên cộng dồn.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa - ĐH Thái Nguyên, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh cần thiết được duy trì. Tuy nhiên, hiện có tình trạng bác sĩ ở thành phố thì dư thừa, nhiều người cứ loanh quanh ở các bệnh viện tư.
Trong khi ở địa phương - đặc biệt vùng sâu vùng xa - có tỉnh lại không tuyển được bác sĩ, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bị hạn chế. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát đầu ra, để người hưởng ưu tiên “đầu vào” sẽ phải có trách nhiệm trở về công tác tại địa phương mà nhờ đó các em được cộng điểm.
Đề xuất có điểm sàn riêng cho các trường y
Đây là ý tưởng của một số hiệu trưởng các trường ĐH y dược. Ông Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng nếu không có chính sách điểm sàn cho ngành đào tạo y thì bên cạnh những trường lấy điểm cao, hút thí sinh giỏi thì sẽ vẫn có những trường bất chấp chất lượng đầu vào tuyển cả thí sinh dưới 20 điểm.
Điểm bất hợp lý là với mặt bằng chất lượng nguồn tuyển rất khác nhau, nhưng khi ra trường thì tất cả cùng cầm tấm bằng bác sĩ như nhau. Đầu vào kém, các trường lấy điểm chuẩn thấp đó lại có nguồn lực giảng viên không mạnh, điều kiện thực hành hạn chế, thì rất khó để nâng cao chất lượng đầu ra.
Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng đề xuất này là ngoài tầm với của hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược vì hội đồng hiện mới chỉ tập hợp các trường ĐH y dược công lập, trong khi hiện tại có nhiều trường ngoài công lập cũng tham gia đào tạo nhóm ngành y, dược.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Phú - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh - phân tích điều kiện kinh tế đất nước đã có nhiều thay đổi, sự chênh lệch vùng miền không còn quá lớn như trước nên cần nghiên cứu để rút bớt khoảng cách điểm cộng hai khu vực kế tiếp, có thể rút từ mức 0,5 điểm hiện tại xuống còn 0,3 điểm.
Tuy nhiên, trái ngược với các quan điểm này, GS Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y - khẳng định không thể ràng buộc “đầu ra” với thí sinh được hưởng điểm ưu tiên “đầu vào” vì đó là “vi phạm nhân quyền”.
Ông Quyết cũng không đồng tình với việc thí sinh chỉ được lựa chọn hưởng một mức ưu tiên vì “thí sinh vừa con thương binh lại vừa sống ở vùng xa xôi chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn những thí sinh chỉ ở trong một trong hai hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, chỉ nên giới hạn tối đa mức ưu tiên là 2 điểm, chứ không thể lên đến 3,5 điểm như hiện nay”.
Sẽ tổ chức hội nghị về điểm ưu tiên Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GDĐT cho biết chính sách ưu tiên đã có từ lâu, trước đây điểm cộng tối đa là 6 điểm, nhưng nay đã rút xuống còn 3,5 điểm. Dự kiến sắp tới Bộ GD- ĐT sẽ tổ chức hội nghị để cùng với các tỉnh, thành bàn sâu hơn về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận