30/07/2013 07:27 GMT+7

Chưa làm sáng tỏ bún có độc tố

LÊ THANH HÀ - DŨNG TUẤN
LÊ THANH HÀ - DŨNG TUẤN

TT - Trái với mong đợi của báo chí và dư luận về việc xử lý thông tin bún, bánh hỏi, bánh ướt có chứa độc tố trên thị trường hiện nay, tại buổi họp chiều 29-7, đại diện Sở Y tế và Sở Công thương TP.HCM - cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và làm sáng tỏ.

AfFMei5x.jpgPhóng to
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời chất vấn của báo chí xung quanh chuyện bún độc vào chiều 29-7 - Ảnh: T.T.D.
QsLLPqXE.jpgPhóng to
Bà Đặng Thùy Sinh (bìa trái), chủ một cơ sở sản xuất bún tại Củ Chi, trao đổi với phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Ngọc Đào về chất lượng và mẫu mã sản phẩm bún tươi của mình để có thể đưa vào siêu thị - Ảnh: T.T.D.

Điều đáng nói đây là hội nghị hướng dẫn hoạt động kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất và phân phối bún, bánh tươi trên địa bàn do Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Sở Công thương tổ chức, chứ không phải buổi họp có sự tham dự của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (CESCON), đơn vị lấy mẫu vừa qua, nhằm có kết luận chính xác như phát ngôn trước đó.

Sẽ kiểm tra toàn bộ

Trả lời các cơ quan truyền thông sau hội nghị về việc vì sao trước đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã lấy mẫu giám sát và phát hiện 100% mẫu bún có tinopal, có mẫu còn chứa cả axit oxalic nhưng không công bố, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phó chủ tịch thường trực Ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP - nói việc công bố phải theo quy trình. “Quy trình như thế nào thì hôm nay PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - đã trả lời trên Tuổi Trẻ rất đầy đủ” - ông Bỉnh nói.

Về kết quả khảo sát của CESCON, ông Bỉnh cho biết rất hoan nghênh và trân trọng việc CESCON lấy mẫu giám sát các loại bún, bánh canh, bánh phở... để kiểm tra tinopal. “Tuy nhiên, nếu kết quả này được gửi đến cơ quan có trách nhiệm quản lý để làm thêm các bước kiểm tra, thanh tra, lấy mẫu cho đúng quy trình trước khi công bố rộng rãi thì việc cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở vi phạm sẽ mang tính hiệu quả cao hơn” - ông Bỉnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, trước câu hỏi về việc xử lý kết quả mẫu khảo sát của CESCON, bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, chỉ nói ngắn gọn: không nhận xét gì thêm về kết quả của tổ chức đó. “Giải quyết thì tôi nghĩ cũng không phải giải quyết gì, vì đó là thông tin của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chúng tôi luôn làm đúng trách nhiệm, công việc của mình” - bà Đào cho hay. Theo bà Đào cho biết, đây là tổ chức hội nghề nghiệp nên có quyền đi khảo sát và thông tin về khảo sát đó. “Tuy nhiên, thông tin khảo sát là ghi nhận, còn muốn kết luận phải kiểm tra lại nhiều lần. Phải thật sự chính xác thì mới công bố” - bà Đào nói.

Theo bà Đào, trong trường hợp nếu có đơn vị độc lập tương tự cung cấp cho sở thông tin về chất lượng sản phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, sở sẽ thực hiện kiểm tra lại nếu đúng quy trình, sẽ báo Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm. Lúc đó Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm sẽ có quyết định chính thức và hướng xử lý về kết quả đó.

Phát biểu tại hội nghị hướng dẫn hoạt động kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm, bà Lê Ngọc Đào cho hay theo Luật an toàn thực phẩm thì hiện nay Sở Công thương được giao phụ trách tám ngành nghề cụ thể bao gồm: bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo, bao gói chứa đựng các sản phẩm kể trên. Và thực hiện theo luật này, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là ba đơn vị được phân công trách nhiệm chung với sự chỉ đạo của thường trực Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm TP.

Hiện trên địa bàn TP có 201 cơ sở sản xuất bún và bánh tươi. Từ nay tới ngày 10-8 sẽ phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế, UBND quận huyện tiến hành kiểm tra tất cả các đơn vị phân phối trên địa bàn TP cũng như các cơ sở sản xuất bún, bánh tươi. “Chúng tôi sẽ lấy mẫu, phân tích, đánh giá sau đó trình kết quả cho ban chỉ đạo và công bố từng trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị tất cả cơ sở sản xuất bún, bánh tươi ký cam kết không sử dụng các phụ gia, chất độc hại trong thực phẩm. Đối với hệ thống phân phối cũng sẽ kiểm tra 100% các sản phẩm đầu vào” - bà Đào nhấn mạnh.

QrIYFiOB.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp sản xuất bún ký cam kết sản xuất và cung cấp bún sạch có bao gói với đại diện siêu thị Co.op Mart tại hội nghị - Ảnh: T.T.D.

Bị cấm như dioxin

Tại hội nghị này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận có thực trạng một số cơ sở sản xuất bún tươi trên địa bàn sử dụng các hóa chất độc hại, cũng như lạm dụng các chất phụ gia thực phẩm vượt mức cho phép trong quá trình sản xuất một số sản phẩm từ bột khác như bánh canh, bánh cuốn, bánh ướt... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định tinopal là hóa chất công nghiệp, không có trong danh mục các chất phụ gia được dùng trong thực phẩm. Trên thị trường hiện có hai loại tinopal là tinopal CBS và tinopal DMS. Tinopal là chất mà cả cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ và Luật kiểm soát chất độc xếp vào danh mục bị cấm như dioxin. Đây là chất tạo sáng quang học, được dùng phổ biến trong công nghiệp sản xuất giấy với mục đích làm cho giấy trắng, sáng hơn... Về độc tính, tinopal CBS gây ra cái chết của thai nhi trong động vật thí nghiệm, còn tinopal DMS gây ra vấn đề về thận ở động vật trong phòng thí nghiệm. Còn axit oxalic là hóa chất công nghiệp (tìm thấy trong mẫu bún giám sát do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM lấy mẫu, kiểm nghiệm - PV), bản chất là một axit hữu cơ tương đối mạnh, được sử dụng trong công nghệ tẩy trắng và xử lý gỗ, trong công nghệ nhuộm. Với liều lượng 5g, axit oxalic đủ độc tính gây tử vong cho người lớn trọng lượng 70kg.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh bức xúc nói việc sử dụng các hóa chất công nghiệp độc hại như tinopal, axit oxalic nhằm mục đích làm trắng, làm óng ánh sản phẩm trong sản xuất thực phẩm nói chung và các sản phẩm từ bột như bún tươi, bánh canh... nói riêng không thể chấp nhận. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bị xã hội lên án và lương tâm của người sản xuất không đạo đức này cũng phải bị giày vò, cắn rứt vì có thể một trong những nạn nhân do họ gây ra lại chính là những người thân trong gia đình họ. Riêng đối với các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm như natri sulfite, natri benzoat thì hàm lượng trong từng loại thực phẩm phải nằm trong định mức cho phép của Bộ Y tế mới an toàn cho người sử dụng.

Không nước nào bỏ tinopal vào bún như VN

Báo cáo về quy trình kỹ thuật, phương pháp phân tích tìm tinopal trong các sản phẩm bún tươi, bánh canh, bánh phở... tại hội nghị, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn - chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM - cho biết từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7-2013, Công ty CP dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng (gọi tắt Công ty Hải Đăng) tiếp nhận khoảng 100 mẫu bún tươi, bánh canh, bánh phở... yêu cầu tìm tinopal. Tuy không trả lời cụ thể tỉ lệ mẫu dương tính với tinopal là bao nhiêu phần trăm nhưng trao đổi bên lề hội nghị với PV Tuổi Trẻ, giáo sư Ngọc Sơn nói thời gian đầu rất nhiều mẫu có tinopal nhưng gần đây đã giảm nhiều.

Theo giáo sư Ngọc Sơn, ở các nước trên thế giới không nhà sản xuất nào lại bỏ tinopal vào trong quá trình sản xuất bún, bánh canh... như ở VN. Vì thế Công ty Hải Đăng phải rất khó khăn mới tìm kiếm ra phương pháp phân tích tinopal có trong các sản phẩm bún, bánh phở, bánh ướt...

Bằng phương pháp phân tích hiện đại, công ty có thể phát hiện tinopal trong bún, bánh canh ở hàm lượng rất nhỏ là 14 microgam/kg. Tuy nhiên, thực tế kết quả phân tích các mẫu tại trung tâm cho thấy đa số mẫu có hàm lượng tinopal (loại CBS) ở mức 2.000-3.000 microgam/kg, chỉ có 2-3 mẫu có hàm lượng cao hơn. Do vậy, kết quả phân tích tìm tinopal là đảm bảo hoàn toàn chính xác.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

LÊ THANH HÀ - DŨNG TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên