Các xe được gắn logo để không bị kiểm tra, xử phạt - Ảnh: TT
Ngày 13-4, TAND TP.HCM cho biết sẽ đưa 10 bị cáo trong đường dây mua bán logo xe vua ra xét xử vào ngày 19-4.
10 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân, Mai Văn Thái Em, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Thiên, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Mai Hữu Nhân.
Trong đó, 9 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ. Riêng bị cáo Nguyễn Cảnh Chân - nguyên cán bộ đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai - bị truy tố về tội môi giới hối lộ.
Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 20-4.
Bán logo xe vua thu hơn 23 tỉ
Theo cáo trạng, từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân cùng một số đồng phạm đã móc nối với các lái xe, chủ xe tải thường lưu thông trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM bỏ tiền hối lộ lực lượng thanh tra giao thông, CSGT để không bị kiểm tra, xử phạt về vi phạm chở hàng quá tải.
Để thực hiện hành vi này, Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái đã in logo có số "68" và chữ "Garage Thành Đô", Lê Thị Cẩm Vân in logo chữ "Xe chở hàng" bán cho các chủ xe, lái xe để dán vào đầu xe làm ký hiệu cho những người nhận hối lộ nhận biết khi kiểm tra.
Từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2015, Nguyễn Văn Thới thu được số tiền gần 23 tỉ đồng. Thới đã dùng gần 5 tỉ đồng để đưa hối lộ, trong đó lần đưa hối lộ ít nhất là 9 triệu đồng, lần đưa nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Đồng thời Thới nhờ Nguyễn Hữu Nghĩa chuyển 110 triệu đồng để đưa cho một cán bộ tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai và chuyển cho Nguyễn Cảnh Chân gần 1,3 tỉ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai.
Nguyễn Cảnh Chân đã 12 lần đưa số tiền 959,9 triệu đồng cho lãnh đạo phòng, đội CSGT Công an tỉnh Đồng Nai và giữ lại sử dụng cá nhân 300 triệu đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái còn đưa cho các đội, trạm 27 lần, với tổng số tiền là 1,36 tỉ đồng. Riêng Trần Quốc Thái đưa 39 lần với tổng số tiền là 2,24 tỉ đồng, hưởng lợi 360 triệu đồng.
Số tiền còn lại Thới sử dụng để nộp phạt cho các xe mua logo vẫn bị xử phạt, trả tiền thuê người canh tổ tham mưu đặc biệt và hưởng lợi 1,3 tỉ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, Lê Thị Cẩm Vân thông qua Mai Văn Thái Em, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Mai Hữu Nhân, Huỳnh Tấn Thắng, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Minh Thiên bán logo thu được 7,9 tỉ đồng.
Trong đó, nhóm này sử dụng để đưa hối lộ 16 lần, lần đưa hối lộ ít nhất là 3 triệu đồng, lần đưa hối lộ nhiều nhất là 150 triệu đồng.
Cụ thể, Huỳnh Tấn Thắng đưa hối lộ 4 lần với số tiền 308 triệu đồng, Trần Trọng Nhân đưa hối lộ 11 lần với số tiền 169 triệu đồng.
Ngoài ra, Vân còn nhờ một người xe ôm không rõ lai lịch đưa hối lộ giúp Vân 1 lần với số tiền 150 triệu đồng. Số tiền 7,2 tỉ còn lại Vân sử dụng để trả tiền thuê người đi theo dõi tổ tham mưu đặc biệt, trả tiền nộp phạt cho các chủ xe bị lập biên bản và hưởng lợi 1,5 tỉ đồng.
Các đối tượng còn lại bán logo cho Vân và cũng tham gia đưa hối lộ nhiều lần số tiền hàng trăm triệu đồng.
62 CSGT đã nhận tiền bảo kê "xe vua"?
Quá trình điều tra Vân, Thới, Thái khai nhận đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của các đội, trạm trong lực lượng CSGT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.
Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 62 cán bộ được cho là nhận hối lộ nhưng những người này khai không nhận tiền từ các đối tượng trên.
Đối với các cán bộ trong lực lượng thanh tra giao thông, cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai của 18 người, kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Vân, Thới để không xử phạt các xe chở hàng quá tải.
Cho rằng ngoài lời khai của Vân, Thới, Thái thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh những cán bộ này có hành vi nhận hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ nên cơ quan điều tra không khởi tố để xử lý đối với những người này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận