Tâm lý "tự thấy nhiễm" từ môi trường ảo?
Một giảng viên đại học kể với chúng tôi trong lớp cô ấy chủ nhiệm đại học có một số sinh viên dù xuất thân từ gia đình khó khăn, mới ra thành phố học được 3 năm nhưng thường hay than vãn, rồi còn tham dự tích cực các lớp chữa lành.
Than vãn mệt mỏi nhưng đi liền với đó là cảnh đăng ảnh thụ hưởng an yên gắn liền với đồng quê thanh bình là một biểu hiện của tư duy sống ảo, không phản ánh tâm lý thật của người đang gặp bế tắc về tinh thần, chất lượng sống.
Một cậu em của tôi từ lúc ra trường rồi đi làm tới nay cuối tuần nào cũng rủ mấy nhóm bạn chạy xe lên đèo Hải Vân, chọn một vị trí đẹp để "chill".
Ngay sau đó, trên Facebook lập tức sẽ có cảnh "mỏi mệt quá thì chạy trốn khỏi thành phố để tìm chốn an yên".
Có hôm tôi ngồi với anh chàng và hỏi rằng có thấy mệt quá không thì cậu trả lời rằng "đó chỉ là trên Facebook thôi. Đăng vậy cho vui, nhìn cho sang chảnh tí thôi, chứ đã làm gì ra trò trống mà mệt".
Một người bạn của tôi kể cách đây mấy năm anh có người bạn con nhà có điều kiện. Bạn giỏi, kinh doanh thừa hưởng nền tảng gia đình rồi làm ăn rất khá giả. Bỗng một ngày thấy bạn đem cả gia đình với 3 đứa con khôi ngô tuấn tú lên một vùng rừng núi dựng nhà tranh để ở.
Chừng 4 năm sau, khi thấm cuộc sống "về quê an yên rồi", bạn dẫn vợ con quay lại thành phố và tìm cách gửi con vào trường học để đi học trở lại. Bạn nói tưởng về quê an yên, hóa ra chỉ là cảnh trên phim, trên Facebook. Ai không tin cứ thử về quê sẽ thấy đủ thứ, chứ không giống trên mạng.
Người trẻ đang thiếu công cụ quản lý cảm xúc
Gần đây trên mạng và ngoài đời lại xuất hiện các khóa học chữa lành. Người nước ngoài, người có tâm bệnh, người lớn tuổi thì không nói làm gì. Nhưng tôi lại thấy có không ít người trẻ rất tích cực tham dự các khóa này.
Nhưng đáng nói là không phải học miễn phí, chi phí một chương trình như vậy không hề nhỏ. Trong khi có những người trẻ chẳng bệnh tật hay mỏi mệt gì, thậm chí còn thất nghiệp, nhưng lại tự thấy mình tổn thương và tìm tới các khóa học chữa lành.
Hiệu quả chữa lành tới đâu thì chưa rõ, nhưng có thể thấy rằng đây là một biểu hiện của việc thích sống theo xu hướng, tự nhận thấy mình bệnh tật, tổn thương mà thực tế không hề có.
Trong khi người trẻ cái thường thấy nhất là nhiệt huyết, là tinh thần phấn đấu vượt lên, sáng tạo tìm tòi và khao khát lập thân lập nghiệp ngút ngời, thì lại có những người trẻ tự cho mình mỏi mệt rồi có tâm lý muốn rút lui. Rồi tự thấy mình có tâm bệnh cần được chữa lành.
Theo tôi, đây không chỉ là một xu hướng tiêu cực, mà cho thấy một lối sống thụ động, kém ý chí, thích hưởng thụ và quá ảo, hoàn toàn không phản ánh đời sống thật của phần lớn người trẻ tích cực, đặc biệt ở những người trẻ có ý chí khát khao vượt lên hoàn cảnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Lê Thị Lâm - giảng viên khoa tâm lý, giáo dục Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng - cho rằng trước áp lực về học tập, cuộc sống, công việc, một số bạn trẻ hiện nay thay vì can đảm vượt qua thì lại có xu hướng chọn cách buông bỏ, trốn tránh. Những trào lưu như bỏ phố về quê, home shool, chữa lành… đang ngày càng được nhiều người theo đuổi.
Rõ ràng giữa việc chọn đối diện với thử thách để vượt qua bằng bản lĩnh, ý chí thì việc buông bỏ dễ dàng hơn nhiều.
Theo chị Lâm, các xu hướng mới đa phần đến từ mạng xã hội, nhưng sự trải nghiệm không đủ nên người trẻ dễ bắt chước và cho rằng làm như vậy sẽ tìm được sự cân bằng tinh thần.
Đây cũng như cơ chế phòng vệ tâm lý, trốn tránh thử thách, mà không nghĩ sâu xa tới giá trị căn bản của cuộc sống: đó là mọi thành công đều không đến dễ dàng. Và cái dễ dàng thường sẽ không tạo ra kết quả tích cực.
Ở góc độ nào đó, những hiện tượng vừa qua cũng cho thấy sức khỏe tâm thần của người trẻ hiện nay là vấn đề, cần được quan tâm.
Chính vì vậy, tiến sĩ Lâm nhấn mạnh rằng việc cung cấp cho họ các công cụ để phát triển, tạo ra những hình mẫu người trẻ vượt lên thử thách, tôn vinh lối sống lành mạnh, các kỹ năng quản lý stress để người trẻ biết cách duy trì các mối quan hệ xã hội là rất cần thiết.
Nên được tham vấn tâm lý
Theo bác sĩ tâm lý trị liệu Nguyễn Hồng Bách, xu hướng tự "chữa lành" của các bạn trẻ hiện nay cũng được coi là chiều hướng tích cực khi mọi người đang ngày càng quan tâm đến vấn đề tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận đúng vấn đề tâm lý mà chúng ta đang gặp phải.
Trong quãng đời của mỗi con người, có những thời điểm dễ xảy ra sang chấn tâm lý.
Thứ nhất là khi gặp sang chấn tâm lý từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi vị thành niên không giải quyết được vấn đề, đó là những sang chấn cực nặng.
Thứ hai là sang chấn tuổi vị thành niên khi bắt đầu vào công việc, bị áp lực bởi gia đình, cuộc sống...
Thứ ba là tuổi trung niên, sang chấn trước tuổi về hưu khi chuẩn bị chia xa công việc, đồng nghiệp, môi trường quen thuộc.
Thứ tư là sang chấn do tuổi già, khi chuẩn bị sang thế giới bên kia.
"Ở những bạn trẻ, bản thân các bạn phải cảm nhận được vấn đề mình đang gặp phải. Khi thấy tâm trạng mình khác lạ đã cần phải nghĩ đến việc "chữa lành".
Trong trường hợp các bạn hiểu rõ được vấn đề mình đang gặp phải, ví dụ chỉ là stress trong công việc, lo lắng về các mối quan hệ,… nhưng vẫn kiểm soát được thì có thể lựa chọn nghỉ ngơi, tạm thời buông bỏ những áp lực để tự "chữa lành", chiến thắng bản thân.
Thế nhưng, khi các bạn gặp vấn đề như mất ngủ triền miên, buông xuôi, chán nản, không còn mục đích sống,… đây là những biểu hiện đầu tiên của trầm cảm, cần được "chữa lành".
Lúc này, các bạn trẻ cần được sự tham vấn của bác sĩ tâm lý, tâm thần để có hiểu rõ được mức độ sang chấn mà các bạn đang gặp phải. Việc can thiệp càng sớm sẽ càng khiến các bạn trở sớm trở lại với cuộc sống thường ngày", bác sĩ Bách chia sẻ.
Đặc biệt, bác sĩ Bách khuyến cáo các bạn trẻ không nên tự đi tìm các thông tin trên mạng để tự áp dụng cho bản thân, bởi với những thông tin không được kiểm chứng có thể khiến bạn rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý cao hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận