Những màn chào mời với tân sinh viên vào các dự án kinh doanh - Ảnh: HOÀNG THI
Hãy nhớ nếu có khó khăn nào, nhất là áp lực về tài chính, các em nên liên hệ đầu tiên là nhà trường.
ThS Võ Văn Trọng, trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đóng chục triệu, sinh lời trăm triệu?
Cách đây vài ngày, N.T. (18 tuổi), tân sinh viên của Trường CĐ Kinh tế - đối ngoại TP.HCM, nhận được tin nhắn chào hỏi qua Facebook từ một người xưng là sinh viên đang học tại trường. Sau vài câu làm quen, người này giới thiệu hiện mình đang quản lý một dự án khởi nghiệp bán mỹ phẩm, muốn mời T. tham gia.
Trong buổi gặp mặt qua Zoom sau đó, T. được rủ "góp vốn" đầu vào 10 triệu đồng và mỗi tháng có thể kiếm lời ít nhất 3 triệu đồng từ tháng thứ 2, đủ lo chi phí sinh hoạt khi học tập tại TP.HCM. Số tiền kiếm được mỗi tháng sẽ từ 10 - 20 triệu đồng nếu kêu gọi được thêm bạn bè tham gia vào cùng xây dựng hệ thống.
Thấy nghi ngờ, T. hỏi thăm một số bạn bè thì được cảnh báo đây là một trong những cách thức chào mời của một vài tổ chức kinh doanh đa cấp biến tướng. Đặc biệt, nhiều bạn của T. cũng nhận được những tin nhắn rủ rê tương tự, có người từ giữa tháng 9 đến nay nhận hơn 10 tin nhắn mời chào.
N.M. (18 tuổi), tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dù hiện đang ở quê nhà Tiền Giang, chưa lên TP.HCM nhập học nhưng cũng đã được nhiều người tự nhận là anh chị khóa trên kết nối qua Facebook để "hỏi thăm".
Những người này cho biết mình thường giúp đỡ các bạn trẻ mới nhập học xây dựng các đội nhóm vừa có thể rèn luyện kỹ năng sống, phát triển bản thân và có thêm thu nhập. Tất cả sẽ có được thông qua một dự án "kinh tế chia sẻ" được kỳ vọng giúp các bạn trở thành một người thành đạt, tài khoản rủng rỉnh vài trăm triệu sau 4 năm đại học.
"Họ nói rằng trước đây ai muốn tham gia sẽ phải đóng khoảng 22 triệu, bao gồm tiền tập huấn, mua sắm trang thiết bị... Thu nhập sẽ tăng theo tỉ lệ đóng góp cho công ty và khả năng lan tỏa được dự án đến nhiều người", M. nói.
Thận trọng trước lời mật ngọt
Rất nhiều sinh viên đã bị dẫn dụ vào các mô hình đa cấp trái phép - Ảnh: N.H.
Hằng năm, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đều cảnh báo tân sinh viên đề phòng những cạm bẫy tiềm ẩn từ các mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.
Kẻ xấu có xu hướng lợi dụng những sinh viên năm nhất chưa có nhiều kỹ năng hoặc các bạn muốn kiếm thêm thu nhập ngoài giờ học. Một số đối tượng thậm chí còn giả danh trường gửi thư cấp học bổng du học cho sinh viên nhưng sau đó bắt phải đóng một phí chênh lệch để nhận tiền.
ThS Trần Mạnh Thái, giám đốc Trung tâm chăm sóc người học và tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh tế nhiều gia đình như hiện nay, nhiều người có thể nắm bắt tâm lý này để gửi những lời chào mời ngọt ngào đến tân sinh viên với những công việc làm thêm, dự án kinh doanh… Không ít trong số đó thực chất là hoạt động đa cấp biến tướng.
Ông Thái cho rằng khi nhận được những tin nhắn như thế, tân sinh viên trước tiên cần kiểm tra xem thông tin này có phải đến từ các đơn vị uy tín như các phòng ban, trung tâm của các trường hoặc từ Thành đoàn, Hội sinh viên… Nếu người liên hệ xưng là nhân viên của doanh nghiệp, cần tra cứu thông tin về những công ty này xem dấu hiệu gì đáng ngờ hay không.
Sinh viên có thể nhờ các anh chị, thầy cô hoặc các trung tâm quan hệ doanh nghiệp của các trường để kiểm tra thêm. Đặc biệt, cần cẩn trọng với những yêu cầu chuyển tiền để nhận việc hay để gia nhập các hội nhóm kinh doanh, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
ThS Võ Văn Trọng, trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ trong tuần lễ sinh hoạt đầu năm, các trường thường thông tin nhiều về cạm bẫy hay dấu hiệu lừa đảo thời sinh viên. Từ đó, sinh viên có thể rút ra một số kinh nghiệm cho mình trước các tổ chức đa cấp bất hợp pháp.
Theo ông Trọng, hiện nay các trường cũng có rất nhiều học bổng cho tân sinh viên. Vì vậy, nếu gặp những khó khăn về tài chính, sinh viên trước hết nên liên hệ với trường để được hỗ trợ bước đầu, hơn là nghe theo những lời chào mời việc làm hay đầu tư trên mạng.
"Hãy nhớ nếu có khó khăn nào, nhất là áp lực về tài chính, các em nên liên hệ đầu tiên là nhà trường trước tiên", ThS Võ Văn Trọng khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận