TTCT - Trong vài năm gần đây, y học thế giới đã có những đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Một số bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn... Phóng to Timothy Brown Thomas, một bệnh nhân mang trong mình virút HIV suốt 23 năm qua, giờ chỉ phải uống ba viên thuốc mỗi ngày thay vì 20 viên như trước đây. Không phải bệnh nhân HIV nào cũng may mắn như vậy. 1% quan trọng Theo các chuyên gia Pháp, khoảng 15% bệnh nhân HIV được chữa trị từ sớm có khả năng tự kiềm chế virút gây bệnh AIDS mà không cần phải uống thuốc suốt đời. Với 85% còn lại và các bệnh nhân bắt đầu chữa trị khi quá muộn, các chuyên gia đang tìm cách “lừa” ADN của HIV ra khỏi chỗ ẩn nấp của nó. Thuốc kháng virút có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và đau tim, gây rối loạn men gan và suy giảm mật độ xương. Dù vậy, người nhiễm HIV được điều trị sớm có thể sống một cuộc sống bình thường và dài lâu. “Các biện pháp điều trị HIV hiện tại rất khác biệt so với trước” - chuyên gia chống HIV/AIDS, bác sĩ Stefan Fenske tại Hamburg (Đức), nhấn mạnh. Nhưng các loại thuốc kháng virút không chữa trị được HIV/AIDS. Chúng chỉ ngăn chặn HIV lây lan rộng trong cơ thể người bệnh. Chưa đầy 1% người nhiễm HIV may mắn sở hữu một loại gen đặc biệt có khả năng ức chế virút tử thần này. Với tất cả những người còn lại, chỉ cần ngừng uống thuốc là HIV lập tức quay trở lại tàn phá cơ thể họ. Nhưng hiện tại các chuyên gia chống HIV/AIDS bắt đầu đề cập tới viễn cảnh chữa khỏi hẳn HIV/AIDS. Mới đây, hàng loạt nhà nghiên cứu HIV/AIDS hàng đầu thế giới đã tập trung ở Viện Karolinska tại Stockholm (Thụy Điển) để dự cuộc hội thảo có chủ đề “Hướng tới khả năng chữa khỏi HIV”. Hôm 5-9, giáo sư Françoise Barré-Sinoussi, một trong những nhà nghiên cứu phát hiện virút và đoạt giải Nobel y học năm 2008, đã trình bày các phương hướng phát triển liệu pháp chữa khỏi HIV/AIDS tại Viện Heinrich Pette ở Hamburg. Đột phá và giấc mơ… Hồi tháng 3, trường hợp “bé sơ sinh Mississippi” khiến giới y học quốc tế chấn động. Bé bị nhiễm HIV từ trong bụng mẹ, được các chuyên gia Trung tâm Y tế ĐH Mississippi (Mỹ) điều trị bằng thuốc kháng virút liều cao từ ngày thứ hai sau khi ra đời. Các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhi này tới 15 tháng tuổi, nhưng sau đó mất liên lạc với người mẹ và đứa trẻ ngừng dùng thuốc chống HIV. Hai mẹ con xuất hiện trở lại khi bé đã 23 tháng tuổi và các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi vẫn không phát hiện thấy virút HIV trong cơ thể bé. Tương tự, các nhà nghiên cứu Pháp mới đây cho biết họ chữa trị cho 14 bệnh nhân HIV ngay từ khi mới nhiễm bệnh, sau đó ngừng dùng thuốc trong một thời gian dài và virút HIV đã không quay trở lại. Năm 2009, các bác sĩ tại Bệnh viện Charite ở Berlin (Đức) thông báo bệnh nhân nhiễm HIV Timothy Ray Brown đã bình phục hoàn toàn. “Bệnh nhân Berlin” này bị bệnh máu trắng, phải trải qua cuộc phẫu thuật ghép tủy. Người hiến tặng tủy có gen chống HIV và cơ thể ông Ray Brown đã tiếp nhận gen này. Sau cuộc phẫu thuật ghép tủy, Timothy Brown (ảnh) không còn cần phải uống thuốc kháng virút nữa. Năm 2013, các bác sĩ thuộc Trường Y tế Harvard công bố những trường hợp tương tự. Jan van Lunzen, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế ĐH Hamburg, nhận định: “Giờ đây chúng ta đã có thể mơ về một giải pháp chữa trị dứt điểm HIV/AIDS”. Bằng việc cho “bé sơ sinh Mississippi” dùng thuốc kháng virút liều cao khoảng 30 giờ sau khi bé ra đời, bác sĩ Hannah Gay đã ngăn chặn sự hình thành “hồ chứa tiềm tàng”, một mảnh nhỏ ADN của HIV, ẩn giấu trong gen người. Hệ miễn dịch của cơ thể người không thể phát hiện và đụng đến nó. Không liệu pháp chữa trị nào có thể tấn công được “hồ chứa tiềm tàng” này. Đó chính là nguyên nhân khiến virút HIV trở nên đặc biệt bất trị và luôn quay trở lại cơ thể người bệnh khi họ ngừng uống thuốc. Theo nghiên cứu của hai nhà khoa học Janet và Robert Siliciano thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), ADN của virút HIV đã tìm ra chỗ trú ẩn lý tưởng. Đó là các “tế bào nhớ” trong hệ miễn dịch, một “cơ chế hoàn hảo để lưu trữ thông tin gen virút”. Hai chuyên gia cho biết các “tế bào nhớ” này không bao giờ chết, chúng tồn tại trong suốt cuộc đời của con người. Và khi ADN của HIV xâm nhập các tế bào này, không gì có thể trục xuất chúng ra khỏi đó. Các “hồ chứa tiềm tàng” này hình thành từ rất sớm, trong 1-2 tuần sau khi người bệnh nhiễm HIV. Do đó, phải cho bệnh nhân uống thuốc ngay từ khi bị nhiễm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu là ở thời điểm nào thì xác định rằng các bệnh nhân nhiễm HIV đã khỏi và có thể ngừng dùng thuốc chống virút. Một nghiên cứu đang được thực hiện để tìm hiểu xem lúc nào thì nên cho trẻ em nhiễm HIV ngừng dùng thuốc mà không lo nguy cơ virút quay trở lại. (Theo Der Spiegel) Tags: VirútĐiều trịHIVAIDSTimothy BrownChữa HIVAIDS
Tin tức thế giới 13-11: Ông Trump chọn được lãnh đạo CIA; Mỹ: lính Triều Tiên đang cầm súng ở Kursk THANH HIỀN 13/11/2024 Mỹ lên tiếng: Lính Triều Tiên đã tham chiến cùng Nga; Ông Trump đề cử nhân vật bảo thủ, ủng hộ Israel làm đại sứ.
Cô gái quận 6 không còn cha mẹ, 18 năm ở trọ: 'Trường đại học đẹp quá, muốn ở đó mãi' PHẠM VŨ 13/11/2024 Linh chỉ còn bà ngoại để nương tựa, dằng dặc tháng năm ở trọ vì không có nhà. Lần đầu được đến trường đại học nằm trong khu phần mềm Quang Trung, cô gái choáng ngợp vì trường đẹp quá, mát quá, muốn được ở mãi trong trường.
Hám lợi rồi sa chân vào những chuyến 'hàng cấm', khóc cũng muộn rồi ĐOÀN CƯỜNG 13/11/2024 TAND cấp cao tại Đà Nẵng vừa xét xử vụ một thanh niên người dân tộc thiểu số vì nghe theo lời rủ rê của bạn mà chở "hàng cấm" với mức án nghiêm khắc.
Thời tiết hôm nay 13-11: Bão số 8 đi lên bắc Biển Đông, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa LÊ PHAN 13/11/2024 Hôm nay 13-11, thời tiết mưa to kết thúc tại miền Trung. Miền Bắc sáng có sương mù, còn miền Nam ngày nắng, chiều tối có mưa.