Sáng 3-2, tức mùng 6 tháng giêng, lễ khai hội chùa Hương năm 2025 với chủ đề Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt (Mỹ Đức, Hà Nội), diễn ra trong 3 tháng, kéo dài đến hết ngày 1-5, chính thức bắt đầu.
Tuổi Trẻ Online ghi nhận dòng người đi xuống các xuồng, đò tại bến Yến từ rất sớm. Lễ khai hội chùa Hương xuân Ất Tỵ diễn ra trong mưa xuân lất phất, hơi có sương sớm. Nhiều gia đình mang theo ô, áo mưa để tránh ướt.
Đường lên chùa Hương rất đông cụ già, em nhỏ, thanh niên và người lớn "tay xách nách mang" túi lớn, túi bé, đồ cúng lên chùa lễ Phật.
Theo ông Bùi Văn Triều - trưởng ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, năm 2025 ban tổ chức lễ hội chùa Hương đổi mới lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện.
Không gian cảnh quan từ suối Yến đến các khu vực hành lễ đã được trang hoàng sạch, đẹp, văn minh. Dự báo ngày khai hội sẽ thu hút khoảng 25.000 khách.
Năm nay, huyện Mỹ Đức đã phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò.
Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò bắt đầu từ 4h30 - 20h hằng ngày.
Chị Vũ Thị Hoa cùng nhóm bạn được hướng dẫn mua và giữ nguyên vé khứ hồi để đi đò và tham quan chùa Hương. "Tôi thấy đây là cách rất hay, vừa dễ dàng, thuận tiện, giá vé 230.000 đồng ghi rõ ràng, không sợ chặt chém", chị nói - Ảnh: HÀ QUÂN
Ông Đặng Văn Cảnh - phó chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 - cho biết gần 4.000 xuồng, đò sẵn sàng đảm bảo an toàn để đón du khách. Trên đò có ô che nắng, nước uống miễn phí, sọt đựng rác... Với số lượng đò như vậy, chùa Hương có thể đón được khoảng 50.000 - 60.000 khách/ngày.
Theo ông Cảnh, chùa Hương không chỉ là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh, đây còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, trung tâm văn hóa tín ngưỡng thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Điểm nhẩn của Lễ hội chùa Hương là điểm đến du lich văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện, là nét đẹp văn hóa truyền thống Việt. Hành hương về với chùa Hương là nét đẹp của mỗi Phật tử, du khách vốn có từ ngàn xưa trở về nơi miền đất Phật.
Lễ hội chùa Hương có mối quan hệ mật thiết, là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, là cầu nối giữa hiện tại, quá khứ và tương lai, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân, du khách, Phật tử thập phương", ông nhấn mạnh.
Đồng thời, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đề nghị nhân dân, du khách thể hiện nếp sống văn minh khi tham gia du lịch và các hoạt động lễ hội tâm linh. Giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội cũng như bảo vệ các bút tích, di vật liên quan đến di sản văn hóa chùa Hương...
Từ ngày 11 đến 18-3 (tức 12 đến 19-2 năm Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch với nhiều hoạt động như biểu diễn rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa), cồng chiêng người Mường (xã An Phú)…
Từ 1-1-2025, giá vé tích hợp phí tham quan và dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò tuyến Hương Tích đối với người lớn là 230.000 đồng, trẻ em là 65.000 đồng. Tuyến Long Vân - Tuyết Sơn: 85.000 đồng đối với người lớn và 50.000 đồng với trẻ em.
Nếu đi cáp treo từ chùa Thiên Trù tới động Hương Tích, vé khứ hồi là 260.000 đồng/người lớn, 180.000 đồng/trẻ em và đối tượng ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng/người lớn, 120.000 đồng/trẻ em và đối tượng ưu tiên. Vé xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận