09/01/2014 08:26 GMT+7

Chùa Hương đau đầu vì 1.200 bao tiền lẻ 22 tỉ đồng

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Tiền lẻ của khách hành hương mùa lễ hội là vấn đề đau đầu mà thượng tọa Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương) chia sẻ tại cuộc giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 7-1.

0KdWSCYx.jpgPhóng to
Người dân đi hội chùa Hương chen nhau bôi tiền, nhét tiền vào miệng sư tử đá trước chùa Thiên Trù - Ảnh: Tiến Thành

Thượng tọa Thích Minh Hiền cho biết con số 1.200 bao tải tiền lẻ là số tiền suốt mùa lễ hội gửi Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức. Số tiền này được ngân hàng huyện chở lên gửi Ngân hàng Nhà nước. Trụ trì chùa Hương cũng khẳng định toàn bộ số tiền công đức của người dân cho nhà chùa đều được sử dụng để tu bổ, tôn tạo các công trình trong khu vực chùa Hương.

Trước đó, việc Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức phải gửi 1.200 bao tải tiền lẻ cho Ngân hàng Nhà nước được ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 25-12-2013 (Tuổi Trẻ ngày 26-12-2013). Theo ông Tú, 1.200 bao tải tiền trị giá khoảng 22 tỉ đồng, nếu như vận chuyển bằng xe của Ngân hàng Nhà nước phải cần đến 12 xe. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết 1.200 bao tải tiền lẻ chỉ là tập hợp của riêng Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức - nơi có chùa Hương, còn các ngân hàng khác nơi có các đền chùa như đền Hùng (Phú Thọ), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) nếu tổng hợp lại thì lượng tiền lẻ vô cùng lớn.

Liên quan đến việc tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2014, ông Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội) khẳng định việc tổ chức lễ hội vừa tạo điều kiện cho người dân thoải mái du xuân nhưng cũng phải góp phần làm tăng trưởng kinh tế địa phương, người dân ở khu vực lễ hội phải bán được hàng. “Phải hài hòa lợi ích như vậy thì công tác tổ chức lễ hội chùa Hương mới đạt yêu cầu” - ông Hậu nói. Mặt khác, ông Hậu cho biết với lượng khách trung bình trong mùa lễ hội lên tới 3 vạn/ngày, rất nhiều người sau khi du xuân cũng có nhu cầu ăn uống. Do vậy, việc cho rằng các hàng quán treo thịt sống là phản cảm, nhưng không cho treo thì địa phương cũng rất khó thực hiện triệt để. “Chúng tôi sẽ đảm bảo không có biển hàng quán nào ghi là bán động vật hoang dã, sẽ nói rõ là nhím nuôi, hươu nuôi, đà điểu nuôi...”.

Về lượng đò phục vụ khách trong mùa lễ hội, số liệu cập nhật của huyện Mỹ Đức đến thời điểm này là 4.300 phương tiện. Trong số đó sẽ loại trừ những phương tiện không đảm bảo an toàn. Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết sẽ không trang bị phao cứu hộ đủ cho mỗi người một áo phao trên đò mà các loại phao gối sẽ được để trên bốn chiếc đò chuyên đi vớt rác trên suối Yến. Ở những chỗ sâu cũng sẽ cắm cọc và treo áo phao. Vé tham quan và vé đò không thay đổi, nhưng giá vé cáp treo lên động Hương Tích sẽ tăng từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng. Theo ông Hậu, việc này huyện cũng chỉ được thông báo lại, còn việc nâng giá vé là do công ty quản lý cáp treo làm việc với Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở Tài chính.

Ngoài các lối vào truyền thống, năm nay huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam cũng phối hợp mở đường đi thẳng từ Hà Nam lên khu vực đền Trình. Hai công trình mới là hội xá Hương Tích Môn và Phổ Độ Môn với vốn đầu tư lên tới 18 tỉ đồng đã hoàn thành để đón mùa lễ hội 2014. Một nhà xử lý rác thải cũng đã được xây dựng trong khu vực chùa Hương để xử lý rác trong toàn bộ chùa Hương. Theo thống kê, trong mùa lễ hội mỗi ngày chùa Hương phải thu gom hơn 10 tấn rác.

Lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai hội vào mồng 6 tháng giêng hằng năm. Mùa đi lễ chùa Hương thường kéo dài đến tháng 3 âm lịch.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên