Công việc nào cũng có thách thức riêng cần chinh phục - Ảnh: Pexels
Mọi công việc sẽ đều có sự đánh đổi. Mấu chốt là bạn cần tìm hiểu xem liệu các vấn đề tiêu cực chỉ là tạm thời hay thuộc về bản chất của mới này. Hầu hết các trường hợp thấy việc mới là sự lựa chọn sai lầm bởi họ vốn chưa tìm hiểu đầy đủ trước khi nhận việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ không thể tìm ra bất kỳ lợi ích nào trong tương lai nếu ở lại.
Hãy thực tế trong công việc
Không thể có công việc hoàn hảo 100% theo nguyện vọng của bạn. Nơi lương tốt thì căng thẳng, hoặc môi trường gò bó. Nơi bạn phải ở lại muộn hơn thì có thể hứa hẹn nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Hãy tự hỏi bản thân: "Mình muốn gì nhất từ công việc này và mình vẫn còn có được nó chứ?". Về cơ bản, một công việc tốt sẽ có nhiều điều tích cực và một vài điều khiến bạn bận tâm.
Khám phá khả năng giải quyết
Những buổi làm việc muộn sẽ không còn sau vài tháng nữa, khi dự án kết thúc chứ? Một đồng nghiệp đáng ghét trong nhóm bán hàng mới - liệu bạn có thể đề xuất chuyển sang làm với người khác không? Nếu bạn chưa biết câu trả lời, hãy hỏi thẳng mối băn khoăn đó với sếp của bạn. Không chừng sếp có thể điều chỉnh nhiệm vụ để giúp bạn thực hiện dễ dàng hơn. Sẽ là tệ với chính mình nếu bạn không thấy hài lòng với điều gì đó nhưng không kêu gọi sự giúp đỡ mà chỉ đơn giản là bỏ cuộc.
Tìm kiếm nguồn cảm hứng ở nơi khác
Kể cả khi bạn buộc phải gắn bó với công việc này, vì lý do tài chính hoặc cá nhân, thì bạn vẫn có thể phát triển niềm vui và cảm hứng bên ngoài văn phòng. Hãy thử tham gia các lớp học hoặc cộng đồng nghệ thuật, tình nguyện thú vị nào đó. Thứ gì mà công việc hiện tại không cung cấp được cho bạn, hãy thử tìm kiếm ở bên ngoài. Bạn vẫn có thể làm đời sống riêng hoặc kỹ năng trở nên phong phú hơn.
Xây dựng mạng lưới cơ hội
Nếu bạn tin rằng bạn đang ở đúng công ty nhưng sai công việc, phát triển mạng lưới quan hệ trong công ty là cách giúp bạn tìm ra cơ hội để ở lại trong vai trò mới. Bạn có thể dò hỏi mọi người ở các bộ phận khác xem liệu có vị trí nào tốt hơn, hoặc phù hợp với sở thích và kỹ năng của bạn.
Bạn bè trong công ty có thể chỉ cho bạn cơ hội mới - Ảnh: Pexels
Hiểu rủi ro
Bỏ việc luôn và ngay có thể mang lại cho bạn sự nhẹ nhõm, nhưng nếu cứ không ưng ý là dứt áo ra đi, thì đó chắc chắn là một dấu hiệu cảnh báo các nhà tuyển dụng về độ tin cậy của bạn. Bạn hãy đảm bảo rằng mình có đủ câu trả lời thuyết phục cho lý do nhảy việc trong những cuộc phỏng vấn trong tương lai.
Chơi đẹp
Lựa chọn sai là thiệt hại cho cả bạn và nhà tuyển dụng. Sếp cũ chắc chắn cũng thất vọng vì lần tuyển người không thành công, và phải tuyển dụng lại từ đầu. Nếu chuyện đã xảy ra không nghiêm trọng đến mức vi phạm pháp luật hay tổn hại danh dự, uy tín… đơn giản là bạn hãy cảm ơn vì thời gian mà công ty đã cho bạn thử sức.
Chẳng may rơi vào một môi trường độc hại với sếp ‘khó nhằn’? Hãy vượt qua sự cám dỗ của việc tung hê những điều đó trên mạng xã hội. Bởi vì bạn không bao giờ biết khi nào những mối quan hệ cũ sẽ có giá trị đối với bạn.
Rút kinh nghiệm với điểm đến tiếp theo
Đừng háo hức rời bỏ công việc sai lầm cũ để rồi lại rơi vào điểm dừng trì trệ mới. Hãy đánh giá xem bạn đã sai ở đâu ở công ty cũ và đừng ngại đặt những câu hỏi hóc búa cho các nhà tuyển dụng tiếp theo để tìm ra nơi phù hợp nhất. Chí ít, bạn phải hỏi những câu hỏi cốt yếu để hiểu rõ mình sẽ làm gì, cho ai, và như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận