Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Từ đầu năm đến nay Đà Nẵng chưa đưa ai đi cai nghiện tập trung được - Ảnh: H.Điệp |
Điều 106 của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định TAND xem xét quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trại cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy.
Tuy nhiên, theo thống kê của TAND tối cao: trong bảy tháng đầu năm cả nước mới chỉ có 153 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp trên.
Bế tắc
Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã nói như vậy khi cho rằng do hàng loạt khó khăn nên trong chín tháng đầu năm 2014 tại TP.HCM dù có hàng ngàn vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm hành chính được phát hiện nhưng chưa có đối tượng nào được đưa đi chữa bệnh tập trung theo luật mới.
Trong khi đó, năm 2012 đưa đi cai nghiện bắt buộc hơn 1.000 người, năm 2013 là 767 trường hợp.
Theo ông Thuận, lý do chủ quan là Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực nhưng còn thiếu hàng loạt văn bản hướng dẫn của các bộ ngành như:
Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện ma túy (trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an); biểu mẫu lập hồ sơ đề nghị thi hành và quyết định thực hiện biện pháp giáo dục tại xã phường (Bộ Tư pháp); hướng dẫn thực hiện đưa người đủ 18 tuổi trở lên thuộc loại côn đồ hung hãn vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Bộ Công an); hướng dẫn kinh phí thực hiện biện pháp giáo dục tại xã phường (Bộ Tài chính)...
Bên cạnh đó, quy định về biện pháp cai nghiện tại cộng đồng còn nhiều bất cập, một số thời hiệu thời hạn chưa đồng bộ, phù hợp.
Việc giao người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định cho các tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện là khó thực hiện do chưa quy định được tổ chức nào có trách nhiệm này và biện pháp gì.
Các đối tượng đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 - Ảnh: Vũ Thủy |
Phá sản chủ trương 5 “không”
Chỉ đưa được một trường hợp vào trường giáo dưỡng là số liệu do ông Huỳnh Đức Thơ, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đưa ra trong buổi làm việc.
Theo ông Thơ, dù tất cả quy định, các văn bản nêu trên có được đồng bộ, đầy đủ công văn hướng dẫn, việc thực hiện cũng không khả quan.
Ông Thơ khẳng định: “Nếu cơ sở làm nhiệt tình và quyết liệt thì tình hình có cải thiện nhưng không thể tốt bằng trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực”.
Ông Thơ cũng nói Đà Nẵng bất lực và đã hoàn toàn phá sản với chủ trương 5 “không” khi người nghiện tràn vào cộng đồng mà không có biện pháp gì để khắc phục.
“Từ thời anh Nguyễn Bá Thanh còn làm lãnh đạo ở TP Đà Nẵng, chúng tôi đã xây dựng TP Đà Nẵng thành TP 5 “không” là: không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma túy, không giết người cướp của.
Nhưng đến nay thì phá sản chủ trương này bởi từ đầu năm đến nay Đà Nẵng mới chỉ đưa được một trường hợp vào trường giáo dưỡng, còn lại chưa đưa ai đi cai nghiện tập trung được.
Chúng ta tôn trọng quyền con người nhưng không thể vì quyền lợi của một nhóm người nghiện mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả cộng đồng”.
Đây cũng là khó khăn mà đại tá Lê Ngọc Hữu, phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, nói trong buổi làm việc này. Nhưng khó khăn mà ông Hữu đưa ra liên quan đến việc tỉnh Bình Dương có đến 50% dân số là người nhập cư.
“Chúng tôi khó khăn lắm, vì việc giáo dục tại phường xã thì tư pháp xã không biết thẩm định nội dung yêu cầu đúng không, sau khi công an lập hồ sơ chuyển sang phòng tư pháp của quận huyện rồi nghẽn luôn tại đó” - ông Hữu nói.
Phải tự hướng dẫn là cách mà Đà Nẵng đang triển khai thực hiện để khắc phục những khó khăn do quy định mới của luật, đồng thời “không để một gia đình phải tán gia bại sản vì có một người nghiện ma túy sống trong nhà”.
Bởi vậy theo ông Thơ, ngày 6-9-2014 UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định số 28 ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo quy chế phối hợp này, Đà Nẵng đã lồng ghép hình thức cai nghiện cộng đồng và gia đình làm một với một quy trình thống nhất.
Người nghiện được tập trung điều trị cắt cơn giải độc tại trung tâm y tế quận huyện hoặc bệnh viện tâm thần, sau đó giao về gia đình quản lý và tiếp tục hành trình cai nghiện, khi trở về gia đình thì có tổ công tác cai nghiện xã phường theo dõi.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chủ động rút thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn 3-6 tháng (trong khi luật quy định từ 6-12 tháng).
Tòa chưa làm hết mình? Đại diện ngành tòa án, ông Nguyễn Thanh Thiên (chánh án TAND TP Cần Thơ) cho rằng mọi hồ sơ do các cơ quan chức năng khác chuyển sang thì tòa xem xét hết. Còn đại diện TAND tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết tòa này đã triển khai đến các thẩm phán tòa hình sự giải quyết vụ việc. Nhưng đại diện tòa án Đắk Lắk cũng cho rằng không nhận được hồ sơ từ các đơn vị khác chuyển sang. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Hòa Bình, chánh án TAND tối cao, cho biết TAND tối cao sẽ gom hết những kiến nghị, vướng mắc được đưa ra trong buổi làm việc để báo cáo với Chính phủ và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng có thể TAND TP.HCM chưa làm hết mình với quy định này. Bởi thời gian qua TP.HCM có hàng ngàn hồ sơ mà tòa án không thụ lý giải quyết vụ nào, bởi vậy TAND TP.HCM cần phải rà soát đầu vào cùng công an để tìm cách giải quyết. Ngoài ra, ông Trương Hòa Bình cũng thừa nhận việc thiếu văn bản hướng dẫn của các bộ ngành liên quan là có nhưng không có nghĩa không thực hiện được luật, không có nghĩa điều khoản nào của luật hay nghị định cũng cần phải có văn bản, thông tư hướng dẫn. “Khoản nào quy định rõ ràng rồi thì thực hiện theo khoản đó, luật cụ thể rồi thì không thể nói chưa có văn bản hướng dẫn mà không làm được. Ngoài ra, địa phương còn có nghị quyết của HĐND, địa phương cứ ra văn bản, không trái với Hiến pháp là được” - ông Bình nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận