14/06/2019 08:35 GMT+7

Chưa đồng ý để phạm nhân lao động ngoài trại giam

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Với 91,53% ý kiến tán thành, sáng nay 14-6 Quốc hội đã chính thức thông qua Luật thi hành án hình sự sửa đổi. Quy định tổ chức lao động ngoài trại giam cho phạm nhân đã được đưa ra ngoài dự thảo luật.

Chưa đồng ý để phạm nhân lao động ngoài trại giam - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật thi hành án hình sự sửa đổi - Ảnh: B.D.

Lao động ngoài trại giam là "vấn đề mới"

Giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân theo hướng doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, đối với người bị phạt tù, lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân.

Để nâng cao hiệu quả công tác này, việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết. Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động lại là vấn đề mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức xin ý kiến đại biểu về vấn đề này và sự đồng ý chưa đạt 50% ý kiến nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định này vào dự thảo luật.

Chưa luật hóa quy định cho trẻ dưới 36 tháng tuổi vào trại giam cùng bố

Giải trình quy định tại Điều 51 về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết có một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo bố vào trại giam để giải quyết trường hợp phát sinh trong thực tiễn.

Chưa đồng ý để phạm nhân lao động ngoài trại giam - Ảnh 2.

Phạm nhân đọc sách tại thư viện trong giờ giải lao ở trại giam Long Hòa (Bến Lức, Long An) - Ảnh: KIÊN ĐỊNH

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc quy định cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam trong một số trường hợp được cân nhắc kỹ trên cơ sở thiên chức của phụ nữ và nhằm bảo đảm tốt nhất cho trẻ em (như việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ em mới sinh...). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như vậy, nếu phát sinh trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo bố vào trại giam thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

Về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy trên thực tế năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam, nên dự thảo luật quy định phạm nhân được hưởng một phần công lao động và giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.

TTO - Các đại biểu chiều nay 22-5 tranh luận với nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh quy định tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam tại dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên