Các Phật tử vừa phóng sinh liền bị đối tượng đi ghe máy canh sẵn chích điện - Ảnh: MINH HÒA
Thầy hi vọng tâm tốt của Phật tử sẽ không bị làm sai cách. Mình có tâm đi phóng sinh mà không ngờ lại là làm giàu cho những hộ buôn bán kinh doanh trên thân xác động vật...
Đại đức Thích Nguyên Bình - chùa Diệu Pháp
Đáng nói, cứ mỗi dịp lễ lớn tình trạng trên trở nên nhếch nhác, việc phóng sinh rồi chích điện bắt lại buôn bán "quay vòng" trước cửa Phật.
Đại đức Thích Nguyên Bình, phó trụ trì chùa Diệu Pháp, cho biết 10 năm nay tình trạng buôn bán kinh doanh động vật diễn ra trước cửa chùa. 5 năm trở lại đây tình trạng diễn ra phức tạp hơn. Ban đầu chỉ có một hộ giờ kéo theo hàng loạt người.
Đáp ứng mong muốn của Phật tử về việc phóng sinh cầu an, nhà chùa chuẩn bị một chiếc ghe để Phật tử có thể ra giữa sông thả cá phóng sinh tránh việc bị chích điện. Thế nhưng "đội quân" chích điện cũng truy đuổi theo ra giữa sông.
Các hộ kinh doanh cá chim rùa trước cổng chùa liên kết với những người chuyên đánh bắt cá bằng vợt, chích điện sau khi phóng sinh để bán lại.
Câu chuyện thả rồi bắt, phóng sinh rồi chích điện bán lại diễn ra thường xuyên. Hình ảnh này khiến cho các sư thầy rất đau lòng khi "cá dưới nước, chim trên trời" đều không thoát được những người trên.
Các hộ kinh doanh cá, chim, rùa... trước chùa Diệu Pháp - Ảnh: MINH HÒA
Nạn chích điện tận diệt thủy sản trong đó có cá phóng sinh trên sông Sài Gòn - Video: TVO
Theo đại đức Thích Nguyên Bình, Phật tử đến chùa cầu an, phóng sinh mong cho gia đình, người thân được phước lành, cũng như là cầu siêu cho người mất. Nhưng giờ đây việc phóng sinh có phần biến tướng, nhiều người đã lạm dụng việc Phật tử đến chùa phóng sinh để mưu cầu chuyện buôn bán kiếm lời.
Giữa các hộ buôn bán này cũng không hiếm lần xảy ra mâu thuẫn, tranh giành khách đến mức thậm chí là ẩu đả trước cổng chùa khiến chính quyền phải ra tay xử lý. Tuy nhiên cứ sau một đợt truy quét thì mọi việc trở lại như thường.
Nhà chùa để bảng thông báo không mua cá, chim trước chùa cho các Phật tử biết - Ảnh: MINH HÒA
Chùa Diệu Pháp còn là cơ sở bảo trợ xã hội, nơi nương náu của gần 40 người già (từ 65 đến 103 tuổi) có hoàn cảnh khó khăn. Nên việc buôn bán động vật gây tanh hôi, ồn ào trước cửa Phật như trên đã làm ảnh hưởng thêm rất nhiều người.
Chùa Diệu Pháp đã nhiều lần làm đơn cầu cứu. Lá đơn đầu tiên của nhà chùa gửi đến UBND phường 13, quận Bình Thạnh vào năm 2014. Sau đó, nhiều đơn thư được nhà chùa tiếp tục gửi đến UBND quận và cả UBND TP.HCM.
Nhà chùa cũng đã nhận được công văn hồi đáp chỉ đạo phải xử lý triệt để vấn đề trên từ chánh Văn phòng UBND TP.HCM. Nhưng đến nay tình trạng bát nháo trước cửa chùa vẫn tiếp diễn.
Trách nhiệm thuộc về phường
Vừa qua, Văn phòng UBND TP.HCM đã có công văn về việc xử lý đối tượng dùng điện đánh bắt cá và cấm kinh doanh cá, chim, rùa trước cổng chùa Diệu Pháp, chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng theo nội dung kiến nghị của chùa Diệu Pháp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Minh Nguyên, chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh, cho biết quận đã thường xuyên chỉ đạo UBND phường 13 xử lý tình trạng buôn bán cá, chim, rùa... phóng sinh trước cửa chùa Diệu Pháp và chích điện ở sông Sài Gòn đoạn phía sau chùa.
Hiện nay quận đã giao thẩm quyền cho phường thường xuyên kiểm tra, xử lý.
Trước thực trạng chích điện cá phóng sinh tại khu vực chùa Diệu Pháp, công an phường thường xuyên phối hợp cùng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tuần tra, kiểm tra xử phạt, thu giữ nhiều phương tiện xuồng máy mà các đối tượng sử dụng để chích điện, bắt cá.
Bên cạnh đó, phường đã nhiều lần xử lý hành chính các hộ kinh doanh buôn bán trước chùa trong lĩnh vực giao thông đường bộ và cam kết chấm dứt hành vi buôn bán lấn chiếm lòng lề đường và xả thải bừa bãi. UBND phường 13 cũng vận động các hộ dân tìm một địa điểm mới để buôn bán và không tiếp tay cho các cá nhân có hành vi đánh bắt cá phóng sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận