Dữ liệu: HỒNG VÂN - Đồ họa: N.KH
Theo báo Guardian (Anh), một số cho rằng bà đang "tại nhiệm mà không nắm quyền", một số muốn bà từ chức sớm, và một số dọa sẽ công khai kêu gọi bà từ chức do hậu quả từ kế hoạch cắt giảm thuế mà bà đưa ra.
Chính sách rung chuyển
Bà Truss nhận chức thủ tướng vào ngày 6-9, nhưng sự ủng hộ bà trong Nội các Anh đã "bốc hơi" nhanh chóng trong chưa đầy 40 ngày. Sóng gió bắt đầu với kế hoạch cắt giảm thuế bà đưa ra khi vận động tranh cử và bắt tay thực hiện sau khi nhậm chức.
Trước đó, ngày 23-9 Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng - người mới bị sa thải vào ngày 14-10 - đại diện cho chính phủ của bà Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỉ bảng Anh (50,4 tỉ USD) cho các tập đoàn và người có thu nhập cao (trên 150.000 bảng (167.000 USD) một năm). Ngoài ra là kế hoạch hỗ trợ tiền khí đốt và điện cho các gia đình và doanh nghiệp trong sáu tháng, bắt đầu từ tháng 10.
Ngay lập tức, đồng bảng Anh mất hơn 3% giá trị, rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1971. Tỉ giá thấp kỷ lục của bảng Anh so với USD được ghi nhận ở mức 1 bảng đổi 1,0697 USD vào ngày 26-9.
Thị trường lo ngại kế hoạch kinh tế của chính phủ mới sẽ làm tăng nợ công và đẩy giá năng lượng tăng cao hơn ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp và quyết định chi khẩn cấp 65 tỉ bảng (73 tỉ USD) mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn để "bình ổn thị trường", ngăn chặn khủng hoảng kinh tế lan rộng.
Ngày 3-10, Bộ trưởng Kwarteng muối mặt thông báo trên Twitter rằng sau khi lắng nghe dư luận, kế hoạch cắt giảm thuế cho người giàu sẽ bị xóa bỏ. Đồng bảng tăng lại mức 1 bảng = 1,12 USD (mức giá trước ngày 23-9).
Sao bà còn ở lại?
Ngày 14-10, bà Truss thông báo sa thải Bộ trưởng Kwasi Kwarteng và rút lại một phần trong gói hỗ trợ kinh tế gây tranh cãi.
Trong cuộc họp báo rất căng thẳng với các phóng viên sau đó, các nhà báo chất vấn vì sao bà vẫn còn ngồi ghế thủ tướng khi đã từ bỏ cam kết đưa ra lúc tranh cử. Một câu hỏi khác khó không kém nói rằng bà là tác giả của kế hoạch cắt giảm thuế, bà cùng cựu bộ trưởng tài chính của mình lên kế hoạch này nhưng tại sao bà có thể ngồi đây trong khi ông ấy bị sa thải. Với cả hai câu hỏi, bà Truss giải thích sự thay đổi về chính sách và việc mình ở lại là để giúp ổn định nền kinh tế đất nước vốn là ưu tiên lớn nhất lúc này.
Tuy nhiên, ngày 15-10 trang nhất của nhiều tờ báo Anh đặt vấn đề "đã hết thời gian" với vai trò lãnh đạo của bà Truss. Một cựu quan chức nội các nhận định "khả năng bà Truss nắm quyền đến Giáng sinh là 50 - 50".
Về cuộc họp dự kiến diễn ra hôm nay (17-10), theo báo Guardian, sẽ có từ 15 - 20 cựu bộ trưởng và các nghị sĩ cấp cao được mời. Cuộc họp do những người ủng hộ ông Rishi Sunak, đối thủ chạy đua ghế thủ tướng với bà Truss trước đây, tổ chức nhằm lên kế hoạch khi nào và làm thế nào để bà Truss mất ghế.
Tuy nhiên, không phải bà Truss không còn đồng minh nào. Những người thân cận còn lại của bà Truss trong nội các đang tìm cách bảo vệ bà. Họ cảnh báo Đảng Bảo thủ sẽ gặp rủi ro nếu thay lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.
Trong trường hợp có người tiếp cận để thuyết phục bà Truss rời ghế lãnh đạo, những người ủng hộ muốn bà chọn ra đi sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thay vì đồng ý từ chức.
Các cựu thủ tướng Theresa May và Boris Johnson đều đã được ông Graham Brady - chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ - thuyết phục từ chức.
Một số người cho rằng bà Truss có thể vẫn có cơ may lãnh đạo nước Anh tùy vào phản ứng của thị trường, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh ngừng can thiệp khẩn cấp để ổn định giá trái phiếu dài hạn và bảo vệ quỹ lương hưu từ ngày 14-10.
"Số phận của bà ấy giờ đây nằm trong tay thị trường. Dù có còn là thủ tướng hay không, toàn bộ chương trình nghị sự của bà ấy và khả năng theo đuổi các chương trình nghị sự này thực sự nằm ngoài tầm tay của bà ấy", bà Jill Rutter, thành viên cấp cao tại Viện Chính phủ - một tổ chức nghiên cứu chính sách tại London - nhận định.
Kế hoạch thắt lưng buộc bụng
Tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ phần lớn kế hoạch kinh tế của bà Truss và thay bằng kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Cụ thể, ông sẽ tăng một số loại thuế và cắt giảm chi tiêu công. Theo Đài BBC, ông Hunt cho biết "rất nhiều điều mà mọi người đang hy vọng sẽ không xảy ra", nhưng chính sách của ông sẽ "rất nhạy cảm với nhu cầu" của các gia đình nghèo nhất.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết để ổn định thị trường cần một "phản ứng mạnh mẽ hơn" mà cụ thể là tăng lãi suất do "áp lực lạm phát".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận