Ngày 17-11, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023.
Trong một năm kinh tế nhiều biến động, bảng xếp hạng VNR500 không chỉ ghi nhận nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp mà còn góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy ngành công nghiệp - xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế. Trong khi hoạt động nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước. Ngược lại, nhóm xây dựng, thép và cơ khí chưa đạt được mức hồi phục như kỳ vọng.
Đáng chú ý, trong top 10 doanh nghiệp ở bảng xếp hạng, ngành khoáng sản, xăng dầu có đến 3 đại diện có tổng doanh thu lớn nhất. Năm ngoái, vị trí này thuộc về ngành tài chính.
Năm 2023, những thách thức dai dẳng và sự chậm lại của nền kinh tế đã tạo ra áp lực nặng nề cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỉ lệ doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút trong doanh thu, lợi nhuận và số lượng đơn hàng đều gia tăng rõ rệt so với kết quả khảo sát cách đây một năm.
Ở chiều ngược lại, trong số các doanh nghiệp cho biết có sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đa số ở mức tăng nhẹ. Tỉ lệ doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lên đáng kể về doanh thu và lợi nhuận chiếm chưa đầy 5%.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong 12 tháng tới từ góc nhìn doanh nghiệp VNR500, gồm: ngành công nghệ thông tin - viễn thông, ngành điện - năng lượng và tài chính - ngân hàng.
Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỉ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng.
Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.
Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực nhà nước và tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận