Hai ca COVID-19 mới ở Hà Nội là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Mở đầu cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thông tin về 2 ca dương tính COVID-19 mới là công nhân Nhà máy Panasonic và Nhà máy Vico (Khu công nghiệp Thăng Long). Hai người này đã tiếp xúc với bệnh nhân N.V.K. (bệnh nhân 2911) tại Đông Anh vào ngày 26-4.
Ngày 22-4, bệnh nhân 2911 ăn tối cùng bệnh nhân 2899 (bệnh nhân đầu tiên của chùm ca bệnh ở Hà Nam), sau đó K. có kết quả dương tính tối 29-4.
Như vậy chưa đầy 1 ngày, Hà Nội xuất hiện 3 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 2 trường hợp F2 chuyển thành F0.
Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trường hợp công nhân N.Đ.Đ. (27 tuổi, Nhà máy Vico) là F1 của bệnh nhân 2911, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 30-4 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều tra sơ bộ cho thấy có 17 trường hợp tại công ty tiếp xúc gần với bệnh nhân Đ..
Với trường hợp N.H.N. (25 tuổi, Nhà máy Panasonic) là F1 của bệnh nhân 2911, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 30-4 và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều tra sơ bộ có 33 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân N. (gia đình và công nhân nơi bệnh nhân làm việc).
UBND thành phố Hà Nội họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều nay 30-4 - Ảnh: G.Đ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Linh, chủ tịch UBND huyện Đông Anh, thông tin liên quan đến bệnh nhân 2911 trước đó trên địa bàn, đã truy vết 25 trường hợp F1.
"Đến thời điểm hiện tại, có 2 ca đã thành F0 liên quan trực tiếp đến Khu công nghiệp Thăng Long. Còn lại 22 ca đang âm tính lần 1 và đang chờ kết quả khẳng định lần 2", ông Linh thông tin.
Với hai ca bệnh mới, ông Linh cho biết chỉ có 10 trường hợp F1 cư trú trên địa bàn huyện (8 trường hợp F1 của bệnh nhân N. và 2 trường hợp F1 của bệnh nhân Đ.), còn lại cư trú ở các địa bàn huyện, tỉnh khác. Ông cho biết đang phối hợp với hai đơn vị nhà máy để lấy tên, địa chỉ cung cấp về cho các địa phương.
Hiện nay địa phương đang tập trung "thần tốc điều tra, truy vết" để kịp thời ứng phó với dịch bệnh; triển khai các tổ phòng chống dịch COVID-19; lập chốt cách ly ở xã Việt Hùng, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, xử lý vệ sinh môi trường, đảm bảo cho người dân an tâm cách ly ở vùng dịch.
Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề nghị thành phố cho tạm dừng mọi hoạt động sản xuất của nhà máy, phân xưởng của nhà máy có 2 trường hợp công nhân nhiễm COVID-19 để đảm bảo phòng chống dịch.
"Khi nào đảm bảo công tác phòng chống dịch thì lúc đó tiếp tục quay lại làm việc", đại diện ban quản lý đề nghị.
Đồng thời, yêu cầu phun khử khuẩn, xét nghiệm công nhân khu công nghiệp, đặc biệt ưu tiên xét nghiệm cho công nhân ở các công ty có 2 trường hợp F0.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương - cục trưởng Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế - cũng đề nghị thành phố thông tin rõ ràng với các địa phương khác về danh sách người lao động có nguy cơ, các khu vực có dịch để tránh tình trạng ngăn cấm, cản trở người lao động trở lại Hà Nội làm việc.
'Nếu chưa điều tra dịch tễ đầy đủ, có thể phong tỏa diện rộng'
Tại cuộc họp, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chỉ đạo phong tỏa cục bộ, một bộ phận hay toàn bộ công ty, địa phương tùy thuộc vào mức độ đánh giá. Nếu ban đầu chưa điều tra dịch tễ được một cách đầy đủ, có thể phong tỏa diện rộng.
"Xảy ra ở khu công nghiệp thì rất lo lắng. Các khu công nghiệp số lượng người tham gia rất đông, Panasonic có khoảng 2.800 công nhân, Vico hơn 400 người.
Toàn bộ khu công nghiệp ở Đông Anh có khoảng 70.000 công nhân là số lượng rất lớn", ông Dũng cho biết.
Do đó, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần tập trung bằng nhiều biện pháp để sớm dập dịch, không để dịch lây lan.
"Đề nghị chúng ta tập trung truy vết, nếu chậm giờ nào, ngày nào thì việc đuổi, bắt kịp mức độ lây lan càng khó khăn. Truy vết F1, F2 và thực hiện nghiêm cách ly tập trung F1; F2 thông tin về các cơ sở, địa phương để cách ly y tế tại nhà có sự giám sát của tổ dân phố, cộng đồng một cách nghiêm ngặt", ông Dũng yêu cầu.
Cùng với đó, yêu cầu hai nhà máy Panasonic và Vico phối hợp truy vết hết trường hợp F1; có giải pháp phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để tập trung khử khuẩn, vệ sinh các khu làm việc có 2 ca dương tính; có đề xuất cụ thể về phong tỏa, tạm dừng hoạt động của các phân xưởng, khu vực liên quan đến các ca dương tính đảm bảo "phòng chống dịch đi đôi với sản xuất kinh doanh".
"Phong tỏa tiến hành cục bộ, phong tỏa một bộ phận hay toàn bộ công ty tùy thuộc vào mức độ đánh giá. Nếu ban đầu chưa điều tra dịch tễ được một cách đầy đủ, chúng ta có thể phong tỏa diện rộng. Sau đó, từng bước nới lỏng dần và cuối cùng phong tỏa hẹp nhất mà vẫn đảm bảo an toàn. Cũng như vậy với các xã của huyện Đông Anh", ông Chử Xuân Dũng nói.
Công bố F0, 10 giờ sau phải trả kết quả F1
Trước tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, công tác xét nghiệm phải nhanh.
"Trong vòng 10 giờ đồng hồ sau khi F0 được công bố, các trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm. Đơn vị nào làm sai công thức đó, sau này để dịch lây lan thì đơn vị, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm", ông Dũng đề nghị.
Cùng với đó, đảm bảo không lây chéo trong khu cách ly, không để lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.
Đối với trường hợp công dân ở nước ngoài về nước cách ly tập trung 14 ngày, sau khi về địa phương phải tự giám sát cách ly y tế 14 ngày ở địa phương; tăng cường xử lý nghiêm trường hợp không thực hiện đúng quy định về công tác phòng chống dịch, bắt buộc người dân đi ra khỏi nhà là đeo khẩu trang.
UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương, sở ban ngành kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch của đơn vị mình từ tổ COVID-19 cộng đồng đến ban chỉ đạo trực 24/7; tổ chức các đoàn kiểm tra trong dịp này, kể cả trong ngày nghỉ; tăng cường công tác giám sát, nhắc nhở đến người dân.
"Lúc nước sôi lửa bỏng gọi các đồng chí không được"
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhắc nhở lãnh đạo CDC Hà Nội cần tham dự đầy đủ các buổi họp phòng chống dịch COVID-19.
"Chúng tôi thấy gần đây, lãnh đạo CDC tham gia các buổi họp không đầy đủ và liên hệ rất khó. Việc này nếu không có báo cáo đầy đủ chúng tôi sẽ có ý kiến.
"Lúc "nước sôi lửa bỏng" gọi các đồng chí không được, thấy cuộc gọi nhỡ không gọi lại, rất là lạ", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận