19/04/2025 22:00 GMT+7

Chùa Đậu và câu chuyện ‘toàn thân xá lợi’ của thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường

Việt Nam hiện ghi nhận có 4 tượng nhục thân bất hoại (toàn thân xá lợi) từ thế kỷ 17 và 18, thì riêng chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) có hai tượng nhục thân của hai thiền sư họ Vũ là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.

xá lợi - Ảnh 1.

Toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Trường tại nhà Tổ chùa Đậu - Ảnh: T.ĐIỂU

Tính đến nay, hai toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu là còn nguyên vẹn nhất.

Thông tin được các nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc, do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và chùa Đậu tổ chức ngày 19-4 tại chính ngôi chùa này.

Ngôi chùa hoàng gia

Theo TS Đinh Đức Tiến (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), chùa Đậu (Thành Đạo tự) thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, là một ngôi “danh lam, cổ tự” có bề dày lịch sử và nổi tiếng ở trấn Sơn Nam.

ThS Nguyễn Ngọc Phúc khẳng định ngôi chùa đặc biệt, không chỉ trong hệ thống chùa thờ Tứ pháp, mà còn ở chỗ nó nhận được sự quan tâm của triều đình, nên còn được coi là ngôi chùa của hoàng gia.

Các văn bia chùa Đậu cho thấy chúa Trịnh rất quan tâm đến chùa Đậu và các võ tướng cao cấp nhà Trịnh cũng xuất hiện nhiều trong văn bia chùa Đậu.

Theo ThS Dương Văn Hoàn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), chùa Đậu (Pháp Vũ tự) vốn sẵn là chốn danh lam cổ tích linh thiêng hiển ứng, cùng với sự tích cực khuyến hóa của các thiền sư trụ trì, trong đó có hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, nên chùa luôn được triều đình quan tâm, đặc biệt là các cung tần, vương thân trong phủ chúa Trịnh.

Các văn bia chùa Đậu cho thấy thế kỷ 17, chùa Đậu đã được vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng, và hàng loạt các cung tần, vương thân trong phủ chúa tham gia công đức xây dựng, tái thiết, trùng tu, khiến cho ngôi chùa càng thêm nguy nga, tráng lệ, có quy mô lớn nhất vào thời điểm lúc bấy giờ.

Điều này góp phần làm cho các thiền sư như Vũ Khắc Minh (Đạo Chân), Vũ Khắc Trường (Đạo Tâm) có điều kiện thuận lợi để hoằng dương Phật pháp, góp phần hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc.

Sau khi hai thiền sư họ Vũ viên tịch, các ngài đã để lại “nhục thân” (thân xác bằng thịt vẫn còn nguyên vẹn) hay còn gọi là “toàn thân xá lợi” hay “nhục thân Bồ Tát”. Điều này càng làm tăng thêm danh tiếng cho chùa Đậu.

xá lợi - Ảnh 2.

Hội thảo được tổ chức ngay tại chùa Đậu - Ảnh: T.ĐIỂU

Hai nhục thân ở một ngôi chùa

Khác với kỹ thuật ướp xác nhân tạo, nhục thân bất hoại hoàn toàn xảy ra một cách tự nhiên, không cần can thiệp hóa chất hay loại bỏ nội tạng, vậy mà thân thể vẫn không thối rữa qua thời gian.

Đây là hiện tượng siêu thường của thân thể con người, khoa học cũng khó giải thích, khiến người đời không khỏi tò mò và kính ngưỡng.

xá lợi - Ảnh 3.

Tượng toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh - Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Theo ThS Nguyễn Sử (Viện Dân tộc học và Tôn giáo), hiện chỉ có bốn trường hợp nhục thân thiền sư được bảo tồn. Cả bốn vị đều thuộc giai đoạn từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, thời kỳ Phật giáo phát triển hưng thịnh trong dân gian.

Đó là thiền sư Chuyết Chuyết (1590 - 1644) ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh, thiền sư Vũ Khắc Minh (? - 1639) và thiền sư Vũ Khắc Trường (? - 1689) ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) và thiền sư Như Trí (mất khoảng đầu thế kỷ 18) ở chùa Tiêu (Tiêu Sơn) tỉnh Bắc Ninh.

Theo truyền thuyết dân gian, hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường chùa Đậu là hai thầy trò (có thông tin nói họ còn là chú cháu) nối tiếp nhau trụ trì chùa.

Cả hai pho tượng nhục thân tự nhiên của hai thiền sư đã được hậu thế bảo tồn qua nhiều biến cố thời gian.

Năm 1983, chuyên gia đã đưa hai tượng nhục thân về bệnh viện chụp X-quang, kết quả cho thấy không hề có vết đục đẽo nào trên sọ và thân, không rút mất ruột hay não, các khớp xương liền khít ở trạng thái tự nhiên, mỗi nhục thân nặng khoảng 7kg.

Điều này khẳng định hai vị thiền sư hoàn toàn lưu giữ được nhục thân mà không cần thủ thuật ướp xác nào. Sau đó, nhục thân hai thiền sư đã được các chuyên gia tu bổ, gia cố nhẹ bằng sơn ta và chất độn.

Hiện cả hai pho tượng nhục thân đều ngồi kiết già trên bệ sơn son thếp vàng, đặt trong nhà Tổ chùa Đậu và được bảo quản trong tủ kính đặc biệt có bơm khí nitơ. Nhục thân hai vị thiền sư được coi là một biểu tượng cho sự mầu nhiệm của Phật pháp Việt Nam.

'Ngôi chùa của Hoàng gia' ở Hà Nội có tới hai ‘toàn thân xá lợi’   - Ảnh 4.Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được tôn trí gần 20 ngày ở Việt Nam dịp Đại lễ Phật đản Vesak

Theo ban tổ chức, xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni (bảo vật quốc gia Ấn Độ) sẽ tôn trí tại TP.HCM, Tây Ninh, Hà Nội, Hà Nam nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025, để người dân chiêm bái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên