Phóng to |
Bá Nhỡ (NSND Hoàng Dũng) có thể chết nhưng tiếng đàn của ông làm hồi sinh những cuộc đời - Ảnh: Đức Triết |
Ngoài Nhà hát Kịch Hà Nội, đầu năm nay Nhà hát chèo Quân đội cũng dựng vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo (do cùng PGS Tất Thắng viết kịch bản, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng) và sẽ đem vở chèo này đi dự Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 trong tháng 10. |
Hơn mười năm trước, tác phẩm văn học nổi tiếng này đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam chuyển thể thành vở Tiếng đàn huyền thoại và Hãng phim Giải Phóng chuyển thể thành bộ phim Mê Thảo - thời vang bóng. Cả hai tác phẩm đã gây được những dấu ấn trong đời sống nghệ thuật Việt Nam.
Dẫu vậy, Chùa Đàn lên sân khấu kịch nói thì đây là lần đầu tiên. NSND Hoàng Dũng - giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - chia sẻ: “Đã “đụng” đến những tác phẩm của Nguyễn Tuân là khó, đặc biệt với Chùa Đàn. Nhưng, đây là vở kịch viết về người nghệ sĩ mà chính người nghệ sĩ không dám làm thì còn ai dám làm nữa?”. Còn với PGS Tất Thắng - tác giả kịch bản - thì: “Sao sân khấu lâu nay cứ quanh quẩn với tiền, nhà, đất... mà không nghĩ đến những điều gì đó xa hơn như bi kịch của những người đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật? Những điều “xa hơn” ấy tôi thấy luôn ăm ắp trong kho tàng văn học Việt Nam và những tác phẩm của Nguyễn Tuân là một ví dụ”.
Vở kịch được mở ra bằng sự lưu lạc của cô Tơ - người có giọng hát mê đắm, có đôi tay pha những chén trà không ai sánh kịp - đến ấp Mê Thảo. Rồi trong đúng ngày cậu chủ ấp Mê Thảo làm hôn lễ và tổ chức chọn người thi hội đàn ca, cô Tơ rời Mê Thảo theo chồng về quê. Sự ra đi này khiến ấp Mê Thảo chìm trong tang tóc. Mợ chủ chết. Cậu chủ chìm trong rượu với những mộng tưởng: chỉ cần được nghe thấy cô Tơ hát một lần. Bá Nhỡ - người quản gia trung thành của ấp Mê Thảo - vì mang ơn cậu chủ mà lên đường đi tìm giọng ca đẹp...
Vào vai Bá Nhỡ, NSND Hoàng Dũng đã có những giây phút hóa thân đầy ấn tượng trong cảnh chơi đàn lần cuối, nức nở tiếng tơ tiếng trúc... Khi đèn đã bật sáng, ra chào khán giả mà người ta vẫn thấy ông đứng trân trân. Giây phút ấy NSND Hoàng Dũng bảo: “Xót xa lắm cuộc đời nghệ sĩ chân chính. Nếu vì một thiên tuyệt phẩm thì dù có đánh đổi cái chết, nghệ sĩ chẳng sá chi...”.
Dù là kịch nói (cũng như điện ảnh) nhưng ở vở kịch này không thể “dứt” được tiếng đàn đáy và giọng ca ả đào. Những âm thanh xao xuyến ấy luôn len lách trong cả vở diễn và được dụng công trong ba lớp kịch: Bá Nhỡ và Chánh Đàn đọ đàn, vợ chồng Thị Tơ đàn hát để cứu một Sơn quán và cuộc đàn ca của Bá Nhỡ, Thị Tơ để cứu sinh mạng cậu chủ. Nhưng, để phù hợp hơn với tính thoại của kịch nói, tiếng đàn, giọng ca dù vẫn réo rắt, não nùng nhưng tiết tấu nhanh hơn và giọng hát được cất lên mạnh mẽ hơn với sự thể hiện của các ca sĩ Ngọc Dung, Thu Hà và Tiến Minh.
Tiếng đàn vùng Mê Thảo không dễ cuốn hút người xem. Nhưng với những ai đã biết đến Nguyễn Tuân, biết đến Chùa Đàn thì sẽ cảm ngay được từ đây những “tiếng lòng” của nghệ sĩ với nghệ sĩ, rồi thì ngẫm và nhớ đến Chùa Đàn, nhớ Nguyễn Tuân tài hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận