Chị Trần Thị Chung, mẹ Phạm Đình Khánh đang điện thoại hỏi thăm tin tức con, bên phải ngoài cùng là chị Hà Thị Liêm, mẹ của Trần Đình Diệm cũng tới nghe ngóng tin con - Hồ Văn |
Trước đó, phía đối tác Đài Loan đã phối hợp nhờ phía Nhật Bản điều hai tàu cảnh sát biển và hai trực thăng huy động tìm kiếm.
Nhưng sau bốn ngày tìm kiếm kể từ khi sáu thuyền viên nhảy tàu vẫn chưa tìm thấy tung tích thuyền viên nên đã ngưng công việc tìm kiếm nói trên.
Còn theo Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, trước đó cảnh sát biển Nhật Bản đã tìm thấy một nạn nhân nhưng trên người mang theo chứng minh nhân dân không trùng với tên họ sáu thuyền viên nhảy tàu.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã yêu cầu phía Việt Nam gửi vân tay sáu thuyền viên nhảy tàu sang để giúp phía Nhật Bản đối chứng, điều tra tung tích.
Thông tin sáu thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan ờ biển Nhật Bản gây bàng hoàng cho thân nhân gia đình thuyền viên tại các địa phương.
Đến nay, sau bốn ngày ngày vẫn chưa gia đình nào nhận được tin con em mình mất tích hay vào bờ. Họ chỉ biết nóng long chờ đợi và chờ đợi.
Nóng ruột chờ tin con
Chúng tôi tìm về thôn Bắc Hải 1, xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh tìm gặp gia đình của hai trong sáu thuyền viên nhảy khỏi tàu Đài Loan xuống biển Nhật Bản.
Tại gia đình của thuyền viên Phạm Lương Khánh (SN 1994), chị Trần Thị Chung, mẹ của Khánh cùng hai người em nóng lòng hỏi dồn thông tin khi tưởng chúng tôi là người báo tin của công ty.
“Mới hôm qua ông Khiêm (người môi giới Khánh cho công ty TTLC) điện thoại thông báo cháu Khánh nhảy khỏi tàu mất tích chưa có tin tức. Vừa báo tin, ông Khiêm nói gia đình phải chịu trách nhiệm về vụ việc này và có khi còn phải chịu tiền phạt hàng ngàn USD”, chị Chung cho biết.
Cũng theo chị Chung, Phạm Lương Khánh nộp cho công ty TTLC qua môi giới 16 triệu đồng để bay đi Đài Loan làm thuyền viên mới được hai tháng. Trong hai tháng gia đình chưa nhận được đồng lương nào vì theo hợp đồng công ty sẽ giữ lại ba tháng lương xem như là tiền đặt cọc.
Chị Hà Thị Liêm, mẹ của thuyền viên Trần Đình Diệm lo âu. “Nhận được tin báo cả gia đình lòng như lửa đốt. Không biết cháu nó có bơi được vào bờ hay còn trôi dạt ngoài biển….”, nói chưa hết lời chị Liêm đã nghẹn lòng.
Tại thôn Quãng Ích, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) gặp ông Thiều Đức Linh, cha của thuyền viên Thiều Sinh Song (18 tuổi) – nhảy khỏi tàu đánh cá Đài Loan, hiện đang mất tích trên vùng biển Nhật Bản. Ông Linh cho biết, hôm qua (14-10) gia đình mới nhận được tin báo từ anh Luận (cò môi giới việc làm).
Từ khi nhận tin con nhảy xuống biển khiến ông Linh không bận tâm gì đến công việc đồng áng. Ông Linh có ba đứa con trai thì đều đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm nghề đánh cá, câu mực.
Song là con út trong nhà, thương con ông Linh đã vay nóng hơn 20 triệu đồng vào Kỳ Anh, gặp “cò” Luận để đăng ký, làm thủ tục giấy tờ để đi xuất khẩu lao động. Hơn hai tháng làm thuê trên tàu đánh cá Đài Loan, Song chưa thể gửi tiền về cho ông Linh trả nợ.
Ông Linh lo lắng nói: “Tin con nhảy xuống biển trốn khỏi tàu làm tôi không nuốt nổi một hạt cơm vào bụng. Đêm nằm ngủ lo không biết hiện giờ thẳng Song chết hay là sống”.
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hạp nóng ruột, nóng gan ngồi tựa cửa hết lại ra đường ngóng tin con. Khi nào nhớ con quá, bà Hạp lại lấy những tấm hình của con ra xem rồi rơm rớm nước mắt.
Mấy ngày nay người thân của thuyên viên Nguyễn Tiến Tình, 23 tuổi, ở xóm Phú Hải, xã Kỳ Phú (Kỳ Anh) ăn ngủ không ngon vì ngóng tin về anh.
Than nhân và gia đình hai thuyền viên Khánh và Diệm lo lằng tin tức về con cháu mình khi gặp nhà báo - Hồ Văn |
Sẽ yêu cầu chủ tàu trả lương cho thuyền viên
Ông Nguyễn Hữu Phong, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), ông cho biết sáu thuyền viên nhảy khỏi tàu không cùng lúc.
“Trưởng ca trên tàu cho biết tầm khoảng 8 giờ 50 tối ngày 11-10 thì phát hiện hai thuyền viên nhảy khỏi tàu nhưng không can thiệp kịp. Sau đó phát hiện trên tàu bốn thuyền viên khác không có mặt. Khi đó, tàu cập cảng cách bờ khoảng 18-20km” – ông phong cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phong, việc báo tin cho gia đình của người môi giới còn đề cập đến tiền phạt là không nên. Việc trước mắt bây giờ là cầu mong các thuyền viên vào bờ an toàn.
Trước mắt, công ty vẫn làm các thủ tục yêu cầu chủ tàu trả tiền lương cho khoảng thời gian làm việc trên tàu. Riêng chuyện phạt hay không thì tính sau, còn chuyện hai tháng chưa trả lương là do đối tác Đài Loan trả lương theo quý.
“Đã nhiều trường hợp tương tự xảy ra, nhưng chưa bao giờ công ty chúng tôi hay các đối tác nước ngoài xử phạt thuyền viên” – ông Phong khẳng định.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước cho biết đã chỉ đạo công ty báo cáo vụ việc.
Danh sách sáu thuyền viên nhảy khỏi tàu: 1/ Nguyễn Tiến Tình, 23 tuổi tại Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh ngày 25-01-2014. 2/ Phạm Lương Khánh, 21 tuổi tại Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh ngày 05-08-2014. 3/ Trần Đình Diệm, 19 tuổitại Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh ngày 05-08-2014. 4/ Thiều Sinh Song, 20 tuổi tại Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh ngày 05-08-2014. 5/ Nguyễn Văn Tứ, 23 tuổi tại Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xuất cảnh ngày 05-08-2014. 6/ Nguyễn Văn Quốc, 19 tuổi tại Quảng Thọ, Quảng Trạch, Quảng Bình, xuất cảnh ngày 05-08-2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận