​Chưa có thống kê về rối loạn chuyên biệt

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Có 5-15% trẻ em trong độ tuổi đi học gặp phải các rối loạn về đọc, viết hoặc tính toán nhưng ở Việt Nam điều đó lại được đánh đồng với hạnh kiểm, thái độ, hành vi học tập của học sinh.

Các nhà quản lý giáo dục cần nhìn đúng vào thực tế này để sớm có giải pháp hỗ trợ học sinh.

Đó là khuyến cáo được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Nhận biết, chẩn đoán, can thiệp các rối loạn chuyên biệt học tập ở học sinh” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) tổ chức ngày 8-11.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù được theo dõi sát sao tại nhà hay có động lực phấn đấu đến đâu, một số học sinh vẫn có thể biểu hiện những rối loạn học tập gây cản trở quá trình theo học tại trường.

Các học sinh này có thể gặp khó khăn chồng chất trong quá trình học tập và trong công việc sau này.

Không giống với các dạng khuyết tật khác, học sinh khuyết tật học tập ít được nhận diện và chấp nhận hơn. Nên rất nhiều học sinh khuyết tật học tập bị cho là lười biếng, mải chơi, chống đối người dạy.

ThS Lê Thị Mai Liên (giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM) cho biết ở Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức nào về rối loạn chuyên biệt học tập ở học sinh.

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu nhỏ lẻ cho biết có nhiều trẻ mắc chứng khó đọc. Những dạng rối loạn khác như tính toán, viết, ngôn ngữ... hầu như chưa được phát hiện. 

Đáng nói là những rối loạn chuyên biệt học tập của học sinh ở ta hiện nay thường được giáo viên đánh đồng với hạnh kiểm, thái độ, hành vi học tập, phẩm chất của học sinh.

Và khi thiếu đi sự hỗ trợ, thông cảm từ người xung quanh (thầy cô, bạn bè, bố mẹ...) sẽ vô tình làm trầm trọng thêm những khó khăn trong học tập và tâm lý của học sinh.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên