Vì sao Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng như Bệnh viện Nhân dân 115 không cho người bệnh thời hạn nhất định nào đó để chuyển đổi thẻ? Nếu người bệnh chưa có thẻ mã vạch, bệnh viện có nhận điều trị không?
Đào Danh Đức
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú (phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115):
- Ngày 31-12-2013, Bảo hiểm xã hội TP.HCM có công văn gửi bệnh viện, nội dung nói rõ “từ ngày 1-1-2014 Bảo hiểm xã hội TP phát hành thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hưu trí có mã vạch và mức hưởng dịch vụ chi phí cao, giá trị năm năm thay thế các thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu cũ còn giá trị sử dụng. Khi đối tượng này đi khám, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu cũ, cơ sở vẫn tiếp nhận, đồng thời ghi trực tiếp trên thẻ bảo hiểm y tế “đề nghị quay về phường, xã nơi đăng ký nhận lương hưu để nhận thẻ bảo hiểm y tế mới”. Thẻ có ghi như trên thì không sử dụng tiếp, sau đó phải dùng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới”.
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh hưu trí, bệnh viện có liên hệ Bảo hiểm xã hội TP đề nghị có hướng giải quyết nếu người bệnh chưa đổi được thẻ bảo hiểm y tế có mã vạch. Đồng thời bệnh viện hướng dẫn bộ phận tiếp nhận bệnh tiếp tục giải quyết khám, chữa bệnh cho người bệnh bảo hiểm y tế hưu trí đã ghi “đổi thẻ” trên thẻ bảo hiểm y tế.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
- TP.HCM có chủ trương thực hiện thẻ bảo hiểm y tế mã vạch để thuận lợi trong khám, chữa bệnh hơn cho người bệnh. Đối với thẻ bảo hiểm y tế diện hưu trí, TP.HCM cũng thực hiện in thẻ có mã vạch. Bảo hiểm xã hội TP thống nhất với các bệnh viện là khi các cụ hưu trí đi khám bệnh vẫn tiếp nhận khám, điều trị nhưng thông báo cho các cụ đầu năm về phường lãnh lương thì mang thẻ bảo hiểm y tế cũ đến đổi lấy thẻ có mã vạch luôn.
Hiện bảo hiểm xã hội một số quận chưa in xong thẻ có mã vạch nên chưa chuyển đến UBND phường để các cụ hưu trí đổi thẻ. Do đó nếu chưa có thẻ bảo hiểm y tế có mã vạch, người bệnh vẫn dùng thẻ cũ đi khám bệnh bình thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận