Đó là bệnh nhân L.K.S, 61 tuổi, ở Tam Nông, Đồng Tháp, có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp và nữ công nhân L.T.C.V., 24 tuổi, từng làm việc tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM, đã sinh con trước khi nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy một ngày. Tháng 5-2013, một ông cụ 72 tuổi, ở Q.11, TP.HCM mắc cúm A/H1N1 cũng đã tử vong.
Trước thông tin có nhiều ca mắc cúm A/H1N1 tử vong thời gian gần đây đã khiến nhiều người dân lo lắng có phải virút cúm A/H1N1 đã có sự biến đổi chủng, bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khẳng định các kết quả nghiên cứu và giám sát gần đây cho thấy chủng virút cúm A/H1N1 vẫn chưa biến đổi đặc tính di truyền làm thay đổi độc lực.
Theo bác sĩ Minh Quang, cúm A/H1N1 gây đại dịch trên thế giới vào năm 2009-2010 giờ đã được xem như một dạng cúm mùa. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Người mắc cúm A/H1N1 có các triệu chứng giống bệnh nhiễm siêu vi đường hô hấp chung như sốt (sốt trên 38oC), đau nhức cơ toàn thân, có thể có một hay nhiều biểu hiện về đường hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở. Khi khai thác yếu tố dịch tễ có thể phát hiện người bệnh đang sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm.
Bệnh cúm A/H1N1 diễn tiến lành tính, người bệnh sẽ khỏi bệnh trong vòng 7-10 ngày. Trong một nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới về đợt dịch cúm A/H1N1 năm 2009-2010 cho thấy dấu hiệu sốt sẽ hết trước tiên sau 3-5 ngày, sau đó là chảy nước mũi, triệu chứng ho (thường ho khan) kéo dài hơn. Một số bệnh nhân diễn tiến nặng có thể có triệu chứng của viêm phổi nặng, suy hô hấp, trụy tim mạch.
Các biện pháp phòng bệnh chung bao gồm đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, vệ sinh hô hấp khi ho khạc (như che miệng), tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Người có triệu chứng nghi ngờ cúm phải tự cách ly, không nên đến nơi tụ tập đông người như trường học, cơ quan...
Do bệnh cúm mùa thường tiến triển lành tính nên hầu hết bệnh nhân được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân có thể có biến chứng nặng như viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Những đối tượng nguy cơ dễ xảy ra biến chứng là những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận