08/06/2017 15:44 GMT+7

Chưa có lối tháo gỡ căng thẳng vùng Vịnh

HOÀNG NAM - TÚ ANH
HOÀNG NAM - TÚ ANH

TTO - Nhiều lãnh đạo đã lên tiếng kêu gọi tháo gỡ khủng hoảng ngoại giao đang ngày một trầm trọng giữa Qatar và các nước khác thuộc khối Ả Rập.

Tamim bin Hamad al-Thani
Quốc trưởng Qatar Tamim bin Hamad al-Thani (trái) trong cuộc gặp tổng thống Mỹ Donald Trump tại Riyadh (Saudi Arabia) ngày 21-5 - Ảnh: Reuters

Ở lần thứ hai liên tiếp can thiệp vào sự vụ này trong những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với quốc trưởng Qatar Tamim Bin Hamad al-Thani thúc giục nước này nhanh chóng có hành động với khủng bố.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Nhà Trắng: “Tổng thống muốn đề nghị giúp đỡ các bên tháo gỡ những khác biệt, thông qua một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng nếu cần thiết”.

Một quan chức Qatar nói rằng trong cuộc gọi ông Trump “thể hiện việc sẵn sàng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh, và ông nhấn mạnh mong muốn được thấy vùng Vịnh ổn định”.

Không chỉ tổng thống Trump vào cuộc, nhiều lãnh đạo các cường quốc cũng đã nhanh chóng lên tiếng trong thời gian qua bởi lo sợ những hậu quả khó lường của cuộc khủng hoảng này mà một trong nguy cơ hiển hiện là cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng và thậm chí nổ ra chiến tranh.

Theo Văn phòng tổng thống Pháp, ngày 7-6 tổng thống Emmanuel Macron đã thảo luận riêng rẽ với Quốc trưởng Al-Thani, Quốc vương Saudi Arabia Salman và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, và đã mời tất cả các bên tham gia đối thoại. 

Tổng thống Macron bày tỏ với các nhà lãnh đạo vùng Vịnh mong muốn của mình về việc "duy trì sự ổn định trong khu vực" cũng như tiếp tục "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và tài trợ cho khủng bố". 

Trước đó, Tổng thống Pháp cũng đã thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (người chủ trương lên án cô lập và khẳng định ủng hộ Doha) và Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al-Nahyan về cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Theo người phát ngôn tổng thống Pháp, ông Macron sẽ tiếp tục vai trò trung gian trong những ngày tới. 

Trong khi đó, phát biểu trên nhật báo Handelsblatt, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã chỉ trích quyết định của một số nước Ả rập cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc leo thang căng thẳng cũng như hậu quả của việc này với toàn khu vực.

Ngoại trưởng Gabriel cũng đã gặp người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdul Rahman và người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhằm tìm kiếm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao và kinh tế đang diễn ra.

Mối quan hệ giữa Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập và Bahrain với Qatar đã bị đoạn tuyệt từ ngày 5-6 sau những bất đồng kéo dài.

Các nước trên cáo buộc Doha vẫn duy trì quan hệ ngoại giao mật thiết với Iran - quốc gia mà hầu hết các nước trong khu vực đều xem là mối hiểm họa hàng đầu, và ủng hộ các tổ chức thánh chiến Hồi giáo.

Một trong những thiệt hại về kinh tế từ mối bất hòa này chính là giá trị tiền tệ của Qatar đã xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua giữa những dấu hiệu cho thấy nguồn vốn đầu tư đang được chuyển đi nơi khác do những căng thẳng vừa qua.

Qatar tìm nguồn cung ứng lương thực

Các quan chức Qatar đang xúc tiến các cuộc thảo luận với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề đảm bảo lương thực và cung cấp nước sạch. 

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ quan chức Qatar cho biết ngoài hai nước nói trên, Doha cũng có các làm việc tương tự với một số nước khác. Dự kiến, hãng hàng không Qatar Airways sẽ đảm nhiệm công tác vận chuyển những hàng hóa thiết yếu này.

Hiện tại, lượng lương thực cung cấp trong nước đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 4 tuần và Chính phủ Qatar cũng có các kho dự trữ lương thực - thực phẩm chiến lược tại thủ đô Doha. 

Trong khi đó, nhóm các nước đứng ra "xử" Qatar chưa có dấu hiệu dừng tay.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash khẳng định với hãng tin Reuters rằng sẽ còn có thêm nhiều hạn chế về kinh tế với Qatar nếu cần thiết nếu Doha không đưa ra một cam kết thay đổi chính sách ủng hộ các nhóm Hồi giáo vũ trang.

Trong một tuyên bố được hãng thông tấn WAM của UAE trích dẫn, Ngoại trưởng Gargash cho rằng Quốc vương Qatar đã đưa ra cam kết thực hiện các bước đi, song không thực thi đầy đủ cam kết. Do đó, trung gian hòa giải vào thời điểm này sẽ không mang lại kết quả, và kết quả chỉ có thể đạt được khi bắt đầu thực thi các điều kiện.

Mặc dù Ngoại trưởng Gargash hoan nghênh nỗ lực làm trung gian hòa giải của Kuwait song cho biết Saudi Arabia và UAE "không có gì phải đàm phán" với Qatar. Giới chức Qatar từ chối bình luận về những tuyên bố này của Ngoại trưởng Gargash. 

Báo Al Sharq Al Awsat của Saudi Arabia còn đăng tải thông tin cho biết, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL) đang thảo luận về khả năng đình chỉ tư cách thành viên của Qatar. Ngoài ra, Doha cũng đối mặt với nguy cơ tương tự tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

HOÀNG NAM - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên