Tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 7-9, phóng viên Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM về quan điểm, định hướng trong việc làm đường sắt xuyên tâm từ ga Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên được đề xuất trong báo cáo đầu kỳ về quy hoạch đường sắt đầu mối khu vực TP.HCM.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM phản hồi hiện chưa có thông báo kết luận chính thức về nội dung này.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu - Sài Gòn được định hướng chuyển thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đi theo hướng song hành với cao tốc TP.HCM - Long Thành về ga Thủ Thiêm, có hướng chuyển từ Đồng Nai về ga An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương).
Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2040 tầm nhìn 2060, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất với UBND TP.HCM cho chuyển luôn đoạn An Bình (Sóng Thần) - Bình Triệu - Sài Gòn thành đường sắt đô thị "sớm" để kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển TOD.
Đề xuất này cơ bản đã được chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật vào quy hoạch chung TP.
Ngày 18-8 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo UBND TP.HCM và các tỉnh liên quan đã họp nghe Cục Đường sắt Việt Nam về báo cáo đầu kỳ quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Tại cuộc họp này, quan điểm của Cục Đường sắt Việt Nam chưa thống nhất đề xuất này của Sở Giao thông vận tải và đề xuất phương án chạy tàu đường sắt quốc gia dạng "xuyên tâm".
"Hiện chưa có thông báo kết luận chính thức của các vị chủ trì cuộc họp về nội dung này. Sau cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ để gửi các địa phương, trong đó có TP.HCM để lấy ý kiến chính thức", Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.
Đã có 2 nhà đầu tư quan tâm 5 dự án giao thông BOT trên đường hiện hữu
Theo nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, HĐND TP sẽ ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo, trình UBND TP về cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT (trước mắt xác định 5 dự án).
Trong đó, sở này kiến nghị UBND TP trình HĐND TP xem xét, ban hành danh mục dự án tại kỳ họp chuyên đề dự kiến trong tháng 9-2023.
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải mời gọi đầu tư theo nghị quyết 98 chỉ đạo của UBND TP. Trong đó có 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT.
Hiện nay, có Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) và Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đang quan tâm, nghiên cứu các dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận