16/09/2014 06:00 GMT+7

​Chưa có đột phá trong chống tham nhũng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là nhận xét của ông Đỗ Văn Đương, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tại phiên họp của ủy ban ngày 15-9 về việc thẩm tra báo cáo của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: Việt Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện - Ảnh: Việt Dũng

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời...

Dân chưa tin

"Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo có trường hợp được giám định là tâm thần nhưng khi đối tượng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường. Dân rất quan tâm vấn đề này. Ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?"

Chủ nhiệm Ủy ban Tư phápNGUYỄN VĂN HIỆN

“Qua báo cáo thì tôi thấy tình hình tham nhũng tương đối ổn định, thể hiện qua con số báo cáo tăng, giảm không đáng kể. Nhưng rõ ràng dư luận cho thấy tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng” - ông Đương bày tỏ.

Ông cho rằng nếu cứ đánh giá, phân tích, nhận xét, kiến nghị chung chung thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ không có đột phá. Các vụ án lớn về tham nhũng được đưa ra xét xử là các vụ được phát hiện từ trước chứ không phải phát hiện trong năm 2014.

Còn ông Lượng khẳng định: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cá nhân tôi thấy công tác phòng chống tham nhũng có bước tiến. Các tổ chức quốc tế khi làm việc với chúng tôi cũng có những đánh giá như vậy”.

Bà Đào Thị Xuân Lan - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp - nói bà cảm thấy buồn khi thấy báo cáo Chính phủ nhận xét là người dân chưa tin vào việc xử lý tham nhũng của các cơ quan chức năng.

“Chính phủ nhận định các biện pháp chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chỉ đạt kết quả trung bình. Nếu chỉ đạt trung bình thì tại sao không kiến nghị là thôi, không thực hiện các biện pháp này nữa? Thậm chí có dư luận cho rằng có tiêu cực ngay cả trong công tác luân chuyển cán bộ” - bà Lan nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm Trần Đăng Yến lý giải: “Lòng tin của nhân dân bị giảm nhiều là do tham nhũng vặt, từ những chuyện giao thông, y tế...”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền thì nhận định biện pháp kê khai tài sản - thu nhập không có tác dụng gì nhiều, gần 1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng chỉ có năm người phải xác minh, một người bị kỷ luật vì kê khai không trung thực.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng

“Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 10%. Cần chỉ rõ nguyên nhân vì sao, cách thức và biện pháp để thu hồi triệt để” - ông Đương nhấn mạnh. Đây cũng là câu hỏi chung của nhiều đại biểu Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập: “Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp rất lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp”.

Giải thích thực tế này, ông Trần Đức Lượng cho rằng trước hết là do khâu quản lý tài sản, thu nhập của toàn xã hội và đặc biệt của người có chức vụ, quyền hạn là rất khó khăn. “Người ta tẩu tán rất dễ, nếu một người tham nhũng rồi đẩy tài sản cho con cái đã thành niên thì cũng rất khó kiểm soát” - ông Lượng nói.

Còn theo ông Trần Đăng Yến: “Nguyên nhân chính là khi người tham nhũng bị phát hiện thì người ta đã chia chác, tiêu xài, đem ra nước ngoài rồi”.

“Sao tham nhũng bị tâm thần nhiều thế?”

Vẫn theo ông Đỗ Văn Đương, theo dõi một số vụ án tham nhũng, dư luận đặt nghi vấn là tại sao có vụ bị can tham nhũng được giám định bị tâm thần, sau đó được miễn trách nhiệm hình sự.

Không nêu tên tuổi cụ thể, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt câu hỏi: “Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế? Người ta bảo có trường hợp được giám định là tâm thần nhưng khi đối tượng giải quyết việc gia đình, trao đổi với vợ con, bạn bè lại rất bình thường. Dân rất quan tâm vấn đề này. Ngành y tế nghĩ gì về công tác giám định?” - ông Hiện nói.

Ngay trong báo cáo của Chính phủ, giám định tư pháp vẫn bị coi là “nút thắt” cản trở tiến độ và chất lượng xử lý các vụ án.

“Công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn, kết luận giám định không thật sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế...”, báo cáo Chính phủ nêu rõ.

Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng vướng nhất trong công tác giám định hiện nay là các giám định viên không chuyên trách, tổ chức không chuyên nghiệp. Ông Trần Đăng Yến kiến nghị cần phải thay đổi trong hoạt động giám định tư pháp.

“Chứ cứ mỗi vụ chúng tôi lại phải đi trưng cầu giám định ở chính cái bộ, ngành ấy thì rất khó” - ông Yến nói.

Kết luận phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng khó có thể đánh giá công tác phòng chống đạt kết quả tốt khi số lượng các vụ việc được phát hiện chỉ ở mức độ khiêm tốn.

Ông Hiện đề nghị cơ quan điều tra cần tập trung lực lượng, xử lý nhanh đối với những vụ án nghiêm trọng được đông đảo dư luận quan tâm, không nên kéo dài thời gian để vụ án “nguội” mất. Ông Hiện nêu ra nghi án quan chức ngành đường sắt nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản trong dự án ODA và nói: “Dân đang rất mong chờ kết quả”.

Báo cáo chính thức của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 và báo cáo thẩm tra sẽ được trình bày tại Quốc hội vào kỳ họp cuối tháng 10.

Không thể có chuyện “nhà nhà làm điều tra”

Chiều cùng ngày, Ủy ban Tư pháp góp ý nội dung báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, Quốc hội cần sửa đổi Bộ luật hình sự, Luật tố tụng hình sự để tăng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan kiểm lâm, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, đồng thời trao quyền điều tra cho các cơ quan thuế, kiểm ngư, kiểm toán. Kiến nghị này nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị hết sức cân nhắc, bởi bản chất của các cơ quan được kiến nghị tăng thẩm quyền điều tra là cơ quan hành chính, không có lực lượng điều tra chuyên nghiệp và đặc biệt là việc điều tra đụng chạm đến quyền tự do của công dân, nên không thể để “nhà nhà làm điều tra” được.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên