Giáo dục STEM còn nhiều bất cập ở Việt Nam
Ngày 26-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học tại Việt Nam, đề xuất quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu đề dẫn của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - chủ tịch hội đồng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trưởng ban tổ chức hội thảo - nêu rõ trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM. Nhưng đa phần dư luận xã hội hiện nay lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo bậc đại học năm học 2022 - 2023 trên toàn quốc khoảng 1,7 triệu sinh viên, thì chỉ có hơn 254.000 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và công nghệ, chỉ chiếm 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Tại thời điển xây dựng chiến lược nhân lực (2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học - đào tạo nhân lực là 93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.
Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam xếp hạng 113/140 (Diễn đàn kinh tế thế giới 2018) và theo một báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp năm 2022, về chất lượng đào tạo, Việt Nam đứng thứ 102/141.
Theo số liệu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, thì với môn toán, số thí sinh có điểm dưới trung bình là thấp nhất trong các môn chuyên môn: chiếm đến 21,6% số bài thi; tiếp đó là môn vật lý 14,7%.
Đây là một trong hai môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỉ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình rất cao.
"Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tốt rất tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, và dẫu rằng chuẩn đầu ra bậc THPT trình độ chỉ A2 và phổ điểm đã có 2 hình yên ngựa nhưng môn tiếng Anh vẫn có tới 44,8% dưới điểm trung bình. Tiếng Anh vẫn là điểm đen trong giáo dục.
Với năng lực ngoại ngữ và các môn STEM như vậy, tuyển sinh vào đại học dễ dãi với những điểm văn và giáo dục công dân tràn lan điểm giỏi, thế hệ trẻ của chúng ta, đất nước chúng ta sẽ rất khó để vươn lên những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", báo cáo nêu.
Đẩy mạnh giáo dục STEM bậc đại học
Theo ông Đức, để không bị tụt hậu, hội nhập với quốc tế, Việt Nam cần nắm bắt những cơ hội để đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc THPT, cũng như ở giáo dục bậc đại học.
Theo đó, hội thảo như một tiếng chuông thức tỉnh - điều trước tiên là để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM.
Hai là, từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam ở bậc đại học: từ khung lý thuyết, nội dung giảng dạy, chuẩn đầu ra.
Ba là, song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư và phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp.
Bốn là, đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.
Năm là, có thể thấy, lĩnh vực STEM phù hợp với xu thế thời đại và chính là yếu tố đảm bảo cho phát triển bền vững của các trường trong bối cảnh tự chủ đại học.
Sáu là, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực STEM còn góp phần trực tiếp thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và ranking của nhà trường.
Và cuối cùng, một vấn đề đặt ra là phải xây dựng được các tiêu chí để đánh giá lĩnh vực STEM ở một trường đại học, hay trung tâm nghiên cứu.
Giáo dục STEM mang lại cơ hội công việc lớn cho người học
Ở Mỹ, người được đào tạo về STEM làm việc trong ngành máy tính có thu nhập trung bình cao nhất, đạt 105.300 USD/năm. Kỹ sư đứng thứ hai, thu nhập trung bình 102.200 USD/năm.
Ở Việt Nam, theo khảo sát sơ bộ, các sinh viên học về STEM cũng dễ xin được việc làm, dễ xin học bổng học sau đại học ở nước ngoài hơn so với các ngành học khác.
Bên cạnh đẩy mạnh giáo dục STEM, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam trong thời gian tới. Đây chính là những hành trang quan trọng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận