Mới 9h sáng đã nắng nóng hầm hập
Ghi nhận tại Quảng Nam ngày 7-5, mặc dù mới hơn 9h sáng nhưng thời tiết nắng như thiêu đốt, nhiệt độ ở nhiều khu vực tại TP Tam Kỳ hơn 40°C.
Trên các cánh đồng trồng hoa màu, nông dân phải gồng mình dưới nắng nóng để làm việc.
Ông Nguyễn Tấn Sơn (45 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Tam Kỳ) nói mấy ngày nay nắng nóng đỉnh điểm, dù mới buổi sáng mà nắng nóng khủng khiếp, nông dân làm việc dưới cái nắng rất mệt mỏi. Nhiều người chống chọi với cái nắng bằng cách đem hẳn một cây dù lớn đặt giữa đồng để làm việc.
Tại một dự án đường ở khu vực huyện Thăng Bình, nhiều công nhân uể oải dưới cái nắng dù chưa đến 10h sáng, họ kiếm chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi, uống nước.
Nhiều đồng ruộng đang bước vào giai đoạn cày ải đất để gieo sạ vụ hè thu nhưng dưới cái nắng nóng hầm hập, nhiều người phải bỏ ruộng về nhà.
Tương tự tại Quảng Nam, từ hai hôm nay, mỗi sáng sớm ra đồng, chị Nguyễn Thị Bé (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) phải mang theo máy bơm để tưới rau.
Chị Bé cho biết bình thường có khi 2-3 ngày ruộng rau mới cần tưới nước. Nhưng do trời quá nóng những ngày gần đây nên mỗi ngày vào sáng sớm, chiều muộn phải tưới nước cho rau.
Nông dân lo thiếu nước tưới
Còn khoảng hơn mười ngày nữa đến kỳ gieo sạ cho vụ hè thu, thế nhưng đoạn sông Câu Lâu qua trạm bơm 19-5 xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nguy cơ thiếu nước tưới cho lúa trong thời gian tới.
Cách đây vài ngày, tại vị trí bể hút trạm bơm, độ mặn đo được là 14,7‰ (phần nghìn), tại vị trí cách trạm bơm 1km, độ mặn đo được 16‰.
Theo ông Lê Trung Nam - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Duy Phước, nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài đến ngày 20-5 và không có nước qua vận hành thủy điện ở thượng nguồn về trạm bơm thì không thể sản xuất vụ hè thu sắp đến, bởi trạm bơm cung cấp nước cho 377ha lúa ở đây.
Tại thị xã Điện Bàn, địa phương này đã thi công đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để lấy nước tưới cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu trong thời gian tới.
Theo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Quảng Nam, vụ hè thu tới hàng nghìn ha lúa phía bắc tỉnh này có nguy cơ thiếu nước do mực nước các hồ thủy điện thượng nguồn đang thấp hơn quy trình vận hành liên hồ.
Theo ông Trương Xuân Tý - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, sở đang tham mưu cho tỉnh một số giải pháp để đối phó với tình hình hạn mặn, thiếu nước tưới sản xuất vụ này.
Cụ thể cơ cấu lại giống, đề nghị các địa phương nạo vét kênh mương, đánh giá nguồn nước để bố trí cây trồng cho phù hợp. Trường hợp những nơi nào thiếu nước nghiêm trọng thì sẽ chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng phù hợp.
Hiện nay các hồ chứa thủy điện đang thiếu hụt so với các năm với cao trình các hồ từ 2-10m. Do vậy tùy tình hình thực tế, tỉnh sẽ điều hành sử dụng hiệu quả nguồn nước còn lại.
"Còn việc nhiễm mặn thì các nhà máy nước sẽ cố gắng vận hành "lách triều" để phục vụ người dân, sau này vận hành các thủy điện thượng nguồn thì có khả năng khống chế mặn không xâm nhập sâu" - ông Tý nói.
Cả Quảng Nam, Đà Nẵng đều lo thiếu nước
Cả tỉnh Quảng Nam lẫn phía Đà Nẵng cũng có văn bản yêu cầu công ty thủy điện Sông Bung, A Vương, Sông Tranh tổ chức vận hành nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận