Một người đàn ông vừa mang khẩu trang vừa hút thuốc và sử dụng điện thoại bên ngoài ga xe lửa Bắc Kinh ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30-1 - Ảnh: REUTERS
Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Weibo... có đông đảo người sử dụng với hàng trăm triệu cho tới hàng tỉ tài khoản. Đó vừa là nơi dễ tương tác, chia sẻ thông tin bổ ích cho nhau, nhưng cũng là nơi dễ "lây lan" những thông tin sai lệch.
Trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đã cướp đi sinh mạng của 170 người (số liệu cập nhật ngày 30-1), những thông sai cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và mạng xã hội là nơi dễ thấy nhất.
"Nhà chức trách ở châu Á đang nỗ lực xử lý các tin đồn và tin tức giả về vụ bùng phát chủng virus corona mới đang lan truyền trên mạng xã hội" - Đài NHK của Nhật Bản viết.
Sau đây là một số tin giả đáng chú ý được Hãng tin AFP của Pháp tổng hợp và kiểm chứng:
1. Thức ăn ở Sydney, Úc nhiễm chủng virus corona mới?
Tại Úc, nhiều bài đăng trên Facebook đưa ra danh sách các loại thức ăn và những địa điểm ở thành phố Syney bị nhiễm chủng virus corona mới. Hàng trăm người đã chia sẻ các bài đăng này. Chẳng hạn, một bài đăng hôm 27-1 đã xác định các loại gạo, bánh quy và nước uống được cho là nhiễm loại virus trên.
Bài đăng liệt kê những loại thức ăn, nước uống, và địa điểm được cho là nhiễm chủng virus corona mới - Ảnh chụp màn hình
Bài đăng này còn tuyên bố một cục phòng ngừa dịch bệnh có tên "Cục Paramatta" đã tiến hành kiểm tra và phát hiện sự xuất hiện của chủng virus corona mới ở các khu vực ngoại ô Sydney.
Tuy nhiên, cơ quan y tế địa phương khẳng định các địa điểm mà bài đăng trên đề cập không nguy hiểm cho du khách. Các loại thức ăn được liệt kê trong bài viết cũng không xuất hiện trong danh sách cấm của cơ quan y tế bang New South Wales.
2. Video quay ở chợ Vũ Hán?
Một video nhận hơn 88.000 lượt xem trên Facebook cho thấy một khu chợ được cho là ở thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch. Nhưng thật ra video này được quay lại tại một khu chợ ở Indonesia.
Video mà người dùng mạng tuyên bố là quay ở một khu chợ ở Vũ Hán - Nguồn: Facebook
Đoạn video này do một tài khoản ở Philippines đăng hôm 26-1. Video cho thấy dơi, chuột, rắn và nhiều loại thịt của các động vật khác được bày bán tại khu chợ tấp nập này. Qua kiểm tra, Hãng tin AFP cho biết đây là khu chợ Langowan ở tỉnh Bắc Sulawesi của Indonesia.
3. Nước muối có thể diệt chủng virus corona mới?
Nhiều bài đăng được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cũng như Facebook và Twitter trong tháng 1-2020 cho biết chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc là ông Chung Nam Sơn (Zhong Nan Shan) đã khuyên mọi người dùng nước muối súc miệng để ngăn nhiễm chủng virus corona mới.
Một bài đăng trên Facebook tuyên bố súc miệng bằng nước muối giúp ngăn nhiễm chủng virus corona mới - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, thông tin này không chính xác. Đội nghiên cứu của chuyên gia này cho biết nước muối không thể "diệt" loại virus mới, đồng thời kêu gọi mọi người không tin vào những lời đồn đại không chính xác được lan truyền trên mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy sử dụng nước muối giúp ngăn lây nhiễm chủng virus corona mới.
4. Chủng virus corona mới do Mỹ tạo ra?
Nhiều bài đăng trên Facebook và Twitter cho rằng chủng virus corona mới được tạo ra có chủ đích. Thậm chí có thuyết âm mưu cho rằng loại virus này do Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ tạo ra.
Bài đăng tuyên bố virus corona mới do Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) tạo ra - Ảnh chụp màn hình
Các bài đăng còn đính kèm bằng sáng chế để chứng minh tuyên bố của họ. Tuy nhiên, đây thật ra là những bằng sáng chế được đăng ký có liên quan tới cuộc chiến chống các chủng virus corona khác (không phải chủng virus corona phát hiện ở Vũ Hán), chẳng hạn phát triển các loại vắcxin phòng ngừa.
5. Tin giả ở Pháp
Tại Pháp, một số bài đăng trên mạng xã hội cho biết người dân đã bị nhiễm chủng virus corona mới ở các tỉnh Val d'Oise, Savoie, Lot-et-Garonne và Pyrenees-Orientales.
Đi kèm những báo cáo sai lệch này là những "ảnh chụp màn hình" cho thấy một vài nguồn tin của Pháp, gồm cả AFP.
Tuy nhiên, thật ra những hình ảnh này đã được tạo ra có mục đích, chứ không phải do chụp màn hình. Không có trường hợp nhiễm bệnh nào được ghi nhận ở những tỉnh trên vào thời điểm đó.
Tuần này, Malaysia đã bắt 5 người lan truyền tin giả về chủng virus corona mới, theo báo South China Morning Post. Trước đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo người dân nước này không lan truyền các thông tin sai lệch về loại virus chết người này.
Hãng tin Yonhap ngày 30-1 cho biết cảnh sát Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các tin giả liên quan tới chủng virus corona mới. Cảnh sát nước này đang điều tra vụ nhiều người nhận các tin nhắn, trong đó yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân để được tiếp cận các thông tin về những người đã nhiễm bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận