Thí sinh đến nhận giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Sư Phạm TP.HCM sáng 2-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
>> >>
Bộ GD-ĐT “gác gôn” không kỹ
Tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT ngày 17-8 bàn về công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Bộ GD-ĐT “chưa thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Bởi lẽ từ tháng 4-2016, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo và ký quyết định về phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm khoảng 60.000 người. Tuy nhiên, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2016 tổng chỉ tiêu sư phạm đã xấp xỉ 60.000.
“Đã có quyết định của Thủ tướng, nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm. Nếu thực hiện đúng thì từ năm ngoái đã phải tuyển rất ít cho ngành sư phạm và năm nay sẽ không tuyển nữa, chỉ tập trung đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức... Bộ GD-ĐT giải thích chuyện này thế nào?” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.
Theo ông Đam, khi phê duyệt đề án về đào tạo đội ngũ giáo viên năm 2016, chủ trương không đào tạo mới sư phạm đã rất rõ, chỉ tập trung đào tạo mới với những học sinh giỏi ở một số trường trọng điểm, còn lại bồi dưỡng giáo viên hiện có.
“Nhưng các đồng chí “gác gôn” không kỹ, nên cứ cho chỉ tiêu tiếp tục như thế mới thành chuyện...” - Phó thủ tướng nói.
Chưa cắt chỉ tiêu vì sợ giảng viên... không có việc làm
Lý giải trước chất vấn của Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thực tế thời gian qua Bộ GD-ĐT đã có nhiều động thái để siết chỉ tiêu đào tạo sư phạm như dừng đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, cắt giảm đào tạo từ xa...
Tuy nhiên, vẫn dư thừa giáo viên chủ yếu ở bậc THPT, còn bậc mầm non và tiểu học lại thiếu. Ngoài ra, do nhu cầu bồi dưỡng giáo viên phải theo chương trình - sách giáo khoa mới mà chương trình mới lại chậm trễ, nên kéo theo tiến độ bồi dưỡng giáo viên cũng bị chậm lại.
Đó là lý do “chưa thể cắt ngay lập tức việc đào tạo cử nhân sư phạm” vì sẽ dẫn đến việc giảng viên các trường sư phạm không có việc làm.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe lý giải này, ông Đam khẳng định đã đến lúc Bộ GD-ĐT “phải hành động thật sự”, “phải xem lại chỉ tiêu các trường ngay”. Bởi nếu không thì sau này giải quyết thất nghiệp cho sinh viên sư phạm ra trường còn khó khăn hơn, lãng phí hơn cả lãng phí giảng viên trường sư phạm mà Bộ GD-ĐT đề cập.
Đặt hàng đào tạo sư phạm
Theo ông Đam, việc chủ động bồi dưỡng sư phạm để thực hiện chương trình mới đáng lẽ phải làm quyết liệt từ năm 2016, thậm chí phải bắt đầu từ năm 2014 khi bắt đầu xây dựng đề án.
Bộ GD-ĐT phải xem lại ngay chỉ tiêu các trường, thậm chí phải khuyên chuyển hướng đào tạo, liên kết trường sư phạm với các trường khác, chứ không thể để sinh viên sau này ra trường không có việc làm.
Ông Đam cũng thẳng thắn cho rằng Bộ GD-ĐT chưa lường hết hậu quả của việc dễ dãi đưa ra chỉ tiêu đào tạo sư phạm thời gian qua, và yêu cầu Bộ GD-ĐT phải giải quyết bằng được số tuyển sinh từ năm ngoái và sẽ tốt nghiệp đến năm 2019.
Theo ông Đam, cần khẩn trương thực hiện cơ chế đặt hàng trong đào tạo sư phạm. Theo đó, khi đã rà soát kỹ nhu cầu thực tế sẽ đặt hàng đào tạo cụ thể bao nhiêu sinh viên sư phạm, cho môn học gì, ở cấp học nào... Việc cấp kinh phí đào tạo cũng sẽ được thay đổi theo tính toán chi phí đủ để đào tạo từ các trường.
“Bộ cần làm việc lại với một số trường sư phạm có chất lượng, bàn và thực hiện. Với cơ chế này, tin tưởng mọi bất cập của điểm chuẩn đầu vào sẽ tự nhiên được giải quyết” - ông Đam nói.
Sẽ dừng tuyển sinh mới với trường CĐ sư phạm Tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận việc tổ chức thực hiện các giải pháp để phát triển đội ngũ giáo viên “có lúc, có nơi chưa làm căn cơ, chưa có tầm nhìn dài”. “Nếu quyết liệt, có sự chuẩn bị trước thì sẽ không tồn tại những vấn đề dư luận đặt ra với tuyển sinh sư phạm vừa qua. Trong tương lai, thống nhất trình độ cao, các trường sư phạm đào tạo trình độ chuẩn là cử nhân. Vì vậy, tiến tới việc các trường CĐ sẽ không tuyển sinh viên mới nữa” - ông Nhạ nói. Ông Nhạ cam kết ngành giáo dục sẽ quyết liệt hơn trong việc đánh giá nhu cầu thực tế của giáo viên đến từng môn học, bám sát vào yêu cầu chương trình và tính đến việc đổi mới giáo dục phổ thông. Bộ sẽ xác định rõ cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới, chỉ đào tạo số thiếu và quản lý rất chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc. Ngoài ra cần quan tâm đặc biệt đến việc giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư trong 1-2 năm tới đây, đó là “việc quan trọng nhất”. Để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong toàn hệ thống, ông Nhạ cũng kiến nghị những trường sư phạm yếu kém sẽ phải chấp nhận phương án sáp nhập hoặc làm vệ tinh, trở thành trung tâm đào tạo cho các trường mạnh, hoặc thậm chí có thể phải giải thể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận