Thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn nhóm ngành trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
8g sáng 28-2, chúng tôi gặp K.N.L., học sinh lớp 12 ở quận 4, đang đi lơ ngơ trong ngày hội. L. bảo đến thời điểm này bạn vẫn chưa xác định được mình sẽ thi vào ngành nào, bởi “mình chưa thấy thích hoặc đam mê một nghề nào cả. Mình đến ngày hội để đi tìm câu trả lời cho việc này đây”.
Chúng tôi rủ L. vào khu vực tư vấn tâm lý, sức khỏe, gỡ rối lựa chọn ngành nghề... Thật không ngờ, ngay tại khu vực này, một học sinh trường THPT chuyên tại TP.HCM đã đặt câu hỏi trực tiếp với ban tư vấn: “Các môn học của em có điểm ngang nhau. Em không biết mình thích môn gì và cũng chưa biết sẽ phải chọn trường nào để thi”!
Không chỉ vậy, tại khu vực tư vấn này, rất nhiều thí sinh đã đặt câu hỏi tương tự: “Em chưa biết mình phù hợp với ngành nghề nào...”; “Em đang phân vân giữa ngành sư phạm toán, lý, y dược và tâm lý học”; “Em không biết mình nên chọn học CNTT hay sư phạm toán”...
Chỉ còn vài tháng nữa các học sinh khối 12 sẽ phải trải qua kỳ thi quan trọng nhất của đời người: kỳ thi THPT quốc gia. Thế nhưng, các bạn trẻ 18 tuổi - lứa tuổi sắp vào đời - vẫn chưa xác định được hướng đi của cuộc đời mình.
Tại sao như vậy? Vì chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa thật sự đạt hiệu quả? Vì giới trẻ ngày nay thiếu sự hoạch định tương lai? Nhưng nếu có bạn muốn hoạch định tương lai của mình thì người lớn (cha mẹ, thầy cô...) có hướng dẫn cặn kẽ cho các em không? Tại sao ở các nước tiên tiến học sinh được hướng nghiệp ngay từ bậc THCS, còn ở Việt Nam học sinh lớp 12 vẫn chưa biết phải chọn ngành nghề nào cho bản thân?
Vậy làm sao thực hiện được công tác phân luồng sau THCS? Có lẽ vì lý do này mà Việt Nam đang thiếu thợ, người người, nhà nhà đua nhau cho con em mình vào học đại học bằng bất cứ giá nào, trong khi thị trường lao động đang khát nguồn nhân lực công nhân kỹ thuật lành nghề.
Hỏi mà biết ngay câu trả lời: cần lắm những chương trình hướng nghiệp thiết thực và hiệu quả trong trường phổ thông. Cần lắm những giáo viên có chuyên môn, có tâm huyết để làm công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông.
...Tại buổi tư vấn trong ngày hội, TS tâm lý Võ Thị Tường Vy, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã đưa ra lời khuyên với các học sinh đang phân vân chưa biết chọn hướng đi tương lai của mình:
“Trước hết, em nên đi trắc nghiệm về tính cách, lý tưởng, nhu cầu của bản thân... để xác định xem năng lực của mình phù hợp với những ngành nghề nào.
Sau đó, em có thể hỏi cha mẹ, bạn bè, những người thân xung quanh mình để họ nhận xét em có năng khiếu gì, điểm nào nổi trội, có thể làm được những công việc nào...
Tiếp theo, em cần đưa mình vào các hoạt động tập thể, hoạt động đội, nhóm... để từ từ nhận biết sở thích, năng khiếu của bản thân.
Cuối cùng, em nên đến tư vấn, để các chuyên gia phân tích điểm mạnh, điểm yếu, giúp em chọn một ngành nghề phù hợp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận