Cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm khai thác ở ba vùng biển mà Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo |
Kết thúc hội nghị nhưng các địa phương vẫn chưa chọn được phương án nào, trong khi công tác thống kê thiệt hại và xác định đối tượng bị thiệt hại còn nhiều vướng mắc.
Cho khai thác thủy sản bình thường?
Trong bốn phương án do Bộ NN&PTNT đưa ra, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh chọn phương án 3.
Theo đó, sẽ cho phép khai thác hải sản bình thường nhưng tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đánh bắt tại các cảng cá và bến cá, đồng thời cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại vùng ven biển của bốn địa phương bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chọn phương án 4, cho phép ngư dân khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.
“Cứ để cho người dân đánh bắt, khi các tàu thuyền cập bến, chúng ta kiểm nghiệm để cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn đưa đi tiêu thụ” - ông Hà Sỹ Đồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị.
Cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm khai thác ở ba vùng biển mà Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo - Dữ liệu: M.TỰ - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Riêng Quảng Bình không chọn phương án nào. Theo giải thích của ông Lê Minh Ngân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc lựa chọn này phải dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học chứ không thể dựa vào lựa chọn của các địa phương.
“Phương án nào thì phải do Bộ NN&PTNT phối hợp với các nhà khoa học để chọn ra, rồi công bố một cách khoa học, khách quan” - ông Ngân nói. Tuy nhiên, một số ý kiến của ban ngành các tỉnh cho rằng nếu vẫn chưa trả lời “hải sản ăn được chưa?”, sẽ rất khó chọn phương án “đánh bắt hải sản như thế nào?”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết có thể sẽ có phương án 5 kết hợp của phương án 2 (chỉ cấm khai thác ở ba vùng biển mà Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo, kết hợp với kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm) và phương án 3.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương và ngư dân chưa nên khai thác ở phạm vi ba vùng biển nước xoáy mà Bộ Tài nguyên và môi trường công bố là chưa an toàn nước biển, gồm vùng biển quanh đảo Sơn Dương (Hà Tĩnh), cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình) và đảo Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế), cũng như vùng tầng đáy ven biển. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát an toàn hải sản khai thác khi tàu vào bờ.
Phải sớm giải ngân tiền đền bù
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương tham gia hội nghị cho biết việc thống kê thiệt hại hiện đang gặp khó khăn do vướng mắc trong xác định đối tượng bị thiệt hại chưa đầy đủ, cần thận trọng để tránh đền bù sai và sót đối tượng. Một số địa phương đề nghị bổ sung các đối tượng thật sự bị thiệt hại nhưng quy định còn bỏ sót.
Đó là đối tượng làm nghề chế biến thủy sản và người lao động trong các cơ sở này, các hàng quán hải sản ven biển, các hộ nuôi tôm cá trên vùng cát ven biển; hỗ trợ các chủ tàu công suất trên 90 CV. Tuy nhiên, ưu tiên dành kinh phí đền bù cho đối tượng trực tiếp bị thiệt hại sớm nhất. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị cần nhanh chóng kiểm tra hải sản tồn đọng trong kho lạnh ở các địa phương này (khoảng 3.900 tấn), để giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương lấy tất cả các mẫu hải sản trong kho lạnh, phối hợp với Bộ Y tế kiểm nghiệm. “Bộ Y tế sẽ công bố lô hải sản nào an toàn để tiêu thụ, lô nào không an toàn thì tiêu hủy. Chính sách hỗ trợ tiêu thụ sẽ do Bộ Công thương phối hợp với các địa phương thực hiện” - ông Tám nói.
Ngoài ra, ông Tám đề nghị các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc thống kê thiệt hại, đưa ra định mức và đơn giá (của địa phương) đền bù thiệt hại cho ngư dân (từ nguồn đền bù của Formosa). Sau ngày 10-9, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ để áp định mức chung cho các địa phương. Sau đó, các địa phương lấy định mức chung đó áp vào các đối tượng thiệt hại rồi gửi ra Bộ NN&PTNT. Khoảng ngày 15-9, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ. Khoảng ngày 20-9, Chính phủ sẽ quyết định giải ngân.
Bốn phương án khai thác hải sản Theo ông Vũ Văn Tám, sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường công bố kết quả hiện trạng môi trường biển tại khu vực bị tác động bởi sự cố Formosa, Bộ NN&PTNT đã đưa ra bốn phương án để các địa phương cùng bàn thảo và chọn lựa: Phương án 1: Cấm khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ, từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến hết đảo Sơn Chà (gần núi Hải Vân, Thừa Thiên - Huế) và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. Phương án 2: Cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm khai thác ở ba vùng biển mà Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo (vùng cách bờ 1,5km thuộc đảo Sơn Dương - Hà Tĩnh với diện tích 300km2; vùng cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình với diện tích 330km2; vùng biển quanh đảo Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế với diện tích 160km2). Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. Phương án 3: Cho phép khai thác hải sản bình thường, nhưng tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác. Cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại vùng ven biển bốn tỉnh nói trên, đối với các nghề lưới rê, rê đáy, lăn, lồng bẫy. Phương án 4: Cho phép ngư dân khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ. Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đưa ra phương án khôi phục hoàn toàn hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ở vùng biển tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Với nghề muối, các địa phương hướng dẫn diêm dân trở lại sản xuất muối bình thường, nhưng phải lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm theo định kỳ ba tháng/lần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận