Cứ nhìn, cứ nghe ra rả mỗi ngày với những ngôn từ như rót mật vào tai, khiến bạn khi “có chuyện” là nghĩ ngay đến “nó”.
“Mua giấc mơ” eo thon
Chị Nguyễn Thị K. (34 tuổi ở Bình Chánh TP HCM) thấy cái bụng mình hơi tròn, lại thấy cô người mẫu mi-nhon cứ ra rả dụ rằng sản phẩm của bổn hãng nhập khẩu từ bên kia đại dương, được nơi này chỗ nọ chứng minh là chả cần kiêng cử gì, uống một phát là mỡ bụng, mỡ đùi cắm cổ mà chạy hết. Chị nhín số tiền lương ít ỏi mua về uống. Một tháng rồi hai tháng trôi qua, bụng chẳng những không xẹp lại còn phình thêm. Gọi điện thoại hỏi “tư vấn”, bên kia đầu dây giọng em gái ngọt ngào trả lời: “Chắc mỡ bụng của chị bị chai rồi. Bây giờ chị uống tiếp 2 tháng nữa thì mỡ mới mềm được!”. Bốn tháng nuốt cái món đắt đỏ kia, bụng không xẹp cũng chả thấy mềm. Thôi khỏi gọi tư vấn làm gì cho tốn tiền điện thoại, thà cứ ăn ít và tập luyện coi bộ còn thấy vòng eo mỗi tháng giảm đi một chút.
Tổ chức Y tế thế giới đã đúc kết phác đồ “Giảm ăn, tập luyện và sản phẩm hỗ trợ” là bộ ba không thể tách rời nếu bạn muốn giảm cân. Tuy nhiên tâm lý người thừa cân, béo phì lại chờ có một sản phẩm không cần làm gì mà vẫn có vóc dáng đẹp. Chuyện của chị K. và nhiều người khác giống như “bỏ tiền mua giấc mơ” mà thôi. Từ đó mỗi lần xem phim, “nhà đài” dừng ở đoạn gay cấn nhất để quảng cáo là chị chuyển kênh cho bỏ tức.
Bỏ “thầy” theo quảng cáo
Anh Trần Thanh H. (41 tuổi ở quận 3 TP.HCM) là một doanh nhân thành đạt. Tối nào anh cũng phải nhậu với bạn hàng, khi khám sức khoẻ định kỳ, anh được bác sĩ thông báo là “gan nhiễm mỡ độ 3”. Hỏi chữa thế nào, vị bác sĩ lại bảo: “Chúng vô dễ nhưng đuổi đi khó lắm” rồi ghi toa vài loại thuốc bổ gan. Tối hôm đó anh mở tivi thấy hãng nọ quảng cáo thực phẩm chức năng chữa được gan nhiễm mỡ. Mừng húm, anh chạy xe ra tiệm thuốc mua liền. Một tháng uống sản phẩm đều đặn theo chỉ dẫn, đi siêu âm, bác sĩ vẫn ghi “gan nhiễm mỡ độ 3”, dù anh đã “cai” rượu, bia suốt thời gian qua để chờ phép mầu của sản phẩm.
Ông Lại Văn Đ. (54 tuổi) bị goute (thống phong), bác sĩ đang chỉ định dùng Allopurinol để ngăn hình thành acid uric, thấy quảng cáo sản phẩm chữa goute ngon lành, ông thầm nghĩ: “Thuốc Tây thế nào cũng bị tác dụng phụ, thôi mình dùng thuốc ta vừa “mát” gan vừa giải quyết được bệnh”. Sau một tuần bỏ Tây, uống ta; 3 giờ sáng chủ nhật ngón chân cái của ông sưng tướng lên, đau không chịu nổi. Cho rằng cái món họ quảng cáo hình như không thích hợp với mình, ông gọi vợ lấy chai thuốc Allopurinol cũ, và tự nhủ như một cách biện minh rằng lỗi này thuộc về phần số của ông, chứ không phải tại nhà bào chế.
Vậy có nên mua sản phẩm theo quảng cáo?
Bản thân quảng cáo không phải là xấu vì nó giúp người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm nhanh nhất. Tuy nhiên bạn nên chọn sản phẩm của những hãng uy tín, mà bạn đã từng dùng vài món hàng của họ. Có hãng mới ra đời, tung quảng cáo khắp nơi, dùng những chuyên gia uy tín, có học vị cao để nâng giá trị của sản phẩm cao hơn giá trị thực, khiến người tiêu dùng hiểu rằng những người đó đã nói như vậy tức là sản phẩm tốt. Cũng không hẳn như vậy bởi người khác đã lập luận rằng, sản phẩm nào quảng cáo ầm ĩ coi chừng đó là món hàng khó bán. Chỉ cần 1 triệu người bị dụ là họ thu bộn tiền rồi. Bởi vậy, mua một mặt hàng, nhất là mặt hàng bảo vệ sức khỏe, chúng ta rất cần tỉnh táo trước khi móc hầu bao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận