26/11/2018 10:51 GMT+7

Chữa bệnh kiểu kỳ dị

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Bệnh nhân nữ 67 tuổi bị đái tháo đường type 2, gần đây phải vào Bệnh viện E do hóc dị vật có hình tròn, đường kính gần 2cm, tương tự đồng xu màu nâu, được gọi là "đá nano".

Chữa bệnh kiểu kỳ dị - Ảnh 1.

Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện. Viên hình tròn và lục giác bệnh nhân đã uống để “điều trị” đái tháo đường, tăng huyết áp (ảnh nhỏ) - Ảnh: BVCC

Dị vật đá nano mắc ở đường tiêu hóa, gây tình trạng khó nuốt, ho và gây nguy hiểm cho bệnh nhân vì tình trạng bệnh đái tháo đường của bệnh nhân tăng nặng. Bệnh nhân dùng đá nano vì tin tưởng pha đồng xu nâu này vào nước uống là trị được bệnh đái tháo đường.

“Người già, mắc bệnh mãn tính như cơ xương khớp, đái tháo đường, huyết áp cao... tự ý dừng thuốc đặc trị thì có nguy cơ bệnh nặng lên, nguy hiểm tính mạng, chưa kể do dùng thuốc chưa biết nguồn gốc, có thể sử dụng phải sản phẩm độc hại.

Bác sĩ Đỗ Nguyệt Ánh (phó trưởng khoa thăm dò chức năng - nội soi Bệnh viện E)

Chớ tin thuốc nhảm nhí

Theo bác sĩ Đỗ Nguyệt Ánh - phó trưởng khoa thăm dò chức năng - nội soi Bệnh viện E, người trực tiếp điều trị, bệnh nhân được tặng dị vật kể trên sau khi tham gia nghe tư vấn sức khỏe và nằm giường massage vài tháng gần đây tại nơi bệnh nhân sinh sống. Bệnh nhân được tư vấn loại đá này có thể chữa bách bệnh, từ đau xương khớp (chỉ cần dán vào chỗ đau), viêm họng (ngậm), đái tháo đường (pha vào nước uống)... 

Điều nguy hiểm là bệnh nhân được tư vấn khi dùng loại đá này thì không cần dùng thuốc đặc trị, nên bệnh nhân dù mắc đái tháo đường type 2 vẫn phải bỏ thuốc hai tháng không uống, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.

Gần đây Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận ba bệnh nhân uống phải loại thuốc không rõ nguồn gốc, có màu xanh và vàng, thành phần thuốc chứa fenformin - chất đã bị cấm trên toàn thế giới từ 1978. Một trong số ba bệnh nhân này đã tử vong.

Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân uống phải thuốc chứa fenformin vào viện rải rác từ tháng 10 vừa qua, người gần nhất vào viện hôm 25-10 trong tình trạng sốt lơ mơ, mệt mỏi tăng dần, ý thức chậm chạp, dần dần thêm tình trạng nói nhảm rồi hôn mê do hạ đường huyết, đột quỵ não... 

Qua hỏi tiền sử bệnh nhân, người nhà đã mang đến loại thuốc tễ màu xanh và vàng, trong đó viên màu xanh có chứa fenformin, và cho biết bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 hơn 10 năm nay, kèm thêm đột quỵ 2 lần. Gần đây do nghe nói thuốc màu xanh và vàng này là đông y, ít tác dụng phụ nên đã ngưng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để uống thuốc tễ, không ngờ thuốc có thành phần nguy hiểm với sức khỏe. 

Điều đáng chú ý là nhiều bệnh nhân có học vấn, có kinh tế vững vàng, nổi tiếng... cũng bỏ thuốc bác sĩ kê để uống thuốc không rõ nguồn gốc và phải vào viện trong tình trạng nguy kịch.

Phương pháp điều trị kỳ dị vẫn tồn tại, vì sao?

Bệnh nhân Nguyễn Thị C., 40 tuổi ở Thanh Ba, Phú Thọ, đã mắc bướu cổ 19 năm nay, nhưng nghe lời người quen, chị C. không dùng thuốc theo đơn bác sĩ mà mua thuốc nam chữa bướu cổ tại Sơn Tây và Ba Vì (Hà Nội). 

Thời gian đầu chị được thầy lang dùng miếng ngải cứu chườm nóng châm cho loét ở cổ, sau đó đắp thuốc vào hai bên. Vết thương bỏng rát khiến chị thường phải bật quạt hướng thẳng vào cổ, dù đang trời đông giá lạnh. 

Sau một năm liên tục điều trị bằng phương pháp này, chị thấy hai bên cổ có mùi tanh, da cổ bong từng mảng lớn, người chữa trị cho chị khẳng định chị đã khỏi bệnh và đưa chị thuốc liền sẹo về bôi tại nhà.

Năm tháng sau khi điều trị tại nhà, chị bị run tay chân, tim đập nhanh, chị được phẫu thuật tại Bệnh viện 103.

Theo Bệnh viện Nội tiết T.Ư, nhiều người dân vẫn tin rằng bướu cổ có thể chữa hoàn toàn bằng thuốc nam thông qua uống, đắp, bôi lên vùng cổ. Thực tế việc sử dụng tùy tiện thuốc như trên gây lở loét và rơi từng mảng thịt hoại tử từ cổ bệnh nhân. Sau quá trình chữa bệnh dai dẳng, thứ mà người bệnh nhận được là những vết sẹo loang lổ ở vùng cổ. Từ đó họ phải tạm biệt nhiều kiểu thời trang, trở nên tự ti, ảnh hưởng tâm lý.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao những phương pháp điều trị kỳ dị vẫn tồn tại? Từng có thời điểm có đến hàng trăm bệnh nhi phải vào viện do dùng thuốc nam chữa kém ăn hoặc loét miệng, trong khi thuốc này chứa chì khiến trẻ bị ngộ độc chì. Hoặc rất nhiều người ngay ở Hà Nội sẵn sàng đi chữa bệnh bằng phương pháp để "thầy" giẫm lên lưng, hay bán cho loại nước nano vàng (thực tế dung dịch màu tím) giá tới 15 triệu đồng/chai để chữa bệnh. 

Theo một chuyên gia, có hai nguyên nhân: một là do bệnh viện chật chội, bác sĩ ít tư vấn cho bệnh nhân, lâu dần khiến họ ngại đi bệnh viện. Và hai là do chính hiểu biết của bệnh nhân.

Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, đi khám sàng lọc sớm để phát hiện bệnh, đồng thời có chế độ rèn luyện sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý chính là chìa khóa cho sức khỏe. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên uống, bôi, xoa các loại thuốc không rõ nguồn gốc.

Tự dùng thuốc, coi chừng sản phẩm độc hại

Gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết T.Ư phải tiến hành cắt lọc phần hoại tử bàn chân cho nam bệnh nhân 41 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân mắc đái tháo đường đã 17 năm nay, thường tự mua thuốc uống tại nhà.

Trước khi vào viện vài tuần, bệnh nhân có mụn nước ở ngón chân cái, 2-3 ngày sau mụn nước vỡ ra, ngón chân trở nên sưng nề, tụ máu tím bầm. Bệnh nhân sốt mê man, nhập viện trong tình trạng bàn chân bị tấy đỏ, loét hoại tử, cân nặng giảm, thị lực giảm sút và bị biến chứng ở thận...

Theo các bác sĩ, bệnh nhân thường tự uống thuốc tại nhà (không được điều chỉnh liều phù hợp), lại hay bỏ điều trị khiến bệnh tăng nặng. Những loại bệnh này rất cần được khám sức khỏe, xét nghiệm thường xuyên để can thiệp kịp thời tình trạng bệnh.

Cảnh báo tai nạn vì

TTO - Đã có hai bệnh nhân nuốt phải loại dị vật có hình tròn hoặc lục giác có cạnh sắc nhọn, được quảng cáo là "đá nano chữa bách bệnh" phải vào Bệnh viện E để gắp loại đá nguy hiểm này.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên