Theo News Medical, cậu bé Bertrand Might (12 tuổi, Mỹ) chưa bao giờ biết khóc từ khi được sinh ra. Vào năm 2012, bé Bertrand đã trở thành cậu bé đầu tiên trên thế giới được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn gen hiếm gặp - thiếu gen NGLY1 ảnh hưởng đến gần như mọi hệ thống bên trong cơ thể.
Đến tháng 4-2021, có 75 người trên thế giới mắc hội chứng thần kinh phức tạp hiếm gặp này. Thiếu gen NGLY1 làm mất khả năng tiết nước mắt, chậm phát triển hoặc khuyết tật trí tuệ ở các mức độ khác nhau, gây bệnh gan và rối loạn vận động phức tạp.
Ngoài ra, theo Healthline những người muốn khóc nhưng không thể khóc được thì có thể đang mắc một vài bệnh dưới đây:
1. Bệnh khô mắt: Làm giảm khả năng tiết nước mắt. Bệnh xuất hiện thường xuyên hơn do thay đổi hoóc-môn liên quan đến mang thai hoặc mãn kinh, bệnh tiểu đường, tuổi tác, các vấn đề về tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, sử dụng kính áp tròng, viêm hoặc rối loạn mi mắt.
2. Hội chứng Sjogren: Một rối loạn tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ và tuyến nước bọt, làm giảm tiết nước mắt và nước bọt. Bệnh do nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây nên. Bệnh cũng ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Phụ nữ trên 40 tuổi thường mắc bệnh này.
3. Trầm cảm do u sầu: Trầm cảm có nhiều loại, bao gồm các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Trong đó, bệnh nhân bị trầm cảm do u sầu đã mất niềm vui trong hầu hết các hoạt động hoặc không đáp ứng với kích thích thường cảm thấy.
4. Anhedonia (mất khả năng cảm nhận niềm vui) thường được xem là một triệu chứng được dùng để chẩn đoán các bệnh khác, như trầm cảm, tâm thần phân liệt, một số bệnh về rối loạn nhân cách, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Người bệnh không chỉ cảm thấy niềm vui bị giảm đi, mà còn giảm khả năng thể hiện cảm xúc, không còn có thể khóc một cách dễ dàng.
5. Kìm nén cảm xúc: Một vài người trải qua một thời gian khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc vì vậy họ tập gạt bỏ cảm xúc và lâu dần trở thành một thói quen tự động không phản ứng và thậm chí không khóc cho dù có rơi vào hoàn cảnh bi đát nào đó.
6. Thuốc: Một vài loại thuốc gây ảnh hưởng đến khả năng tiết nước mắt, như thuốc tránh thai, thuốc huyết áp, và thuốc kháng histamine.
7. Yếu tố môi trường: Nếu bạn sống trong một môi trường khô hoặc đầy gió thì bạn có thể để ý nước mắt được tiết ra ít hơn.
Lợi ích của khóc: Khóc rất quan trọng vì rất có ích cho cơ thể và tâm trí. Nước mắt có một số chức năng khác nhau. Ở cấp độ cơ bản nhất, khóc giúp làm sạch đôi mắt và khỏe mạnh bằng cách rửa sạch bụi bẩn. Nước mắt cũng giúp giảm đau thông qua việc giải phóng hoóc-môn hạnh phúc endorphin, giúp cải thiện tâm trạng khi đang buồn. Khóc cũng giúp giảm căng thẳng và áp lực. Khi khóc, chúng ta có thể đang muốn nói với mọi người xung quanh rằng chúng ta đang cần sự an ủi và hỗ trợ. Vì vậy, theo một cách nào đó, khóc có thể giúp củng cố mối quan hệ với những người xung quanh.
Những bài tập giúp chúng ta có thể khóc được:
- Dành thời gian để tìm hiểu những phản ứng tình cảm của chính mình. Tập thả lỏng và không cố gắng kìm nén hoặc tránh những cảm xúc căng thẳng hoặc mãnh liệt. Đừng cố gắng ép bản thân không khóc khi gặp một chuyện thật tồi tệ.
- Thoải mái hơn với cảm xúc: Thật khó để thể hiện cảm xúc khi chúng ta cảm thấy sợ hãi hoặc bối rối, và một điều chúng ta thường hay làm là kìm nén những cảm xúc này. Thay vì phủ nhận, chúng ta hãy chấp nhận cảm xúc thật và nói thành tiếng lên cảm xúc của chúng ta lúc đó. Hoặc, chúng ta có thể viết ra cảm xúc. Đây là cách giúp chúng ta thực tập nói lên cảm xúc thật.
- Tìm một nơi an toàn để bộc lộ cảm xúc: Chúng ta có thể cảm thấy không thoải mái khi thể hiện cảm xúc ở nơi công cộng. Lúc này, chúng ta cố gắng tìm một nơi riêng tư để có thể bộc lộ cảm xúc cũng như có thể khóc. Nơi đó có thể là phòng ngủ của chúng ta hay một nơi yên tĩnh nào đó.
- Nói chuyện với người bạn tin tưởng: Hãy kiếm một người bạn tin tưởng để có thể thoải mái thổ lộ cảm xúc. Khi chúng ta chia sẻ cảm xúc với người bạn tốt thì chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn và thậm chí dễ dàng khóc.
- Xem những bộ phim tình cảm sâu sắc có thể giúp tăng sự đồng cảm, tình cảm, và nhiều lúc nước mắt tự chảy ra.
Nếu bạn đã làm hết tất cả những cách trên mà vẫn không thể khóc được thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận