Ngày 28-7, trụ trì chùa Ba Vàng là đại đức Thích Trúc Thái Minh đã ký văn bản báo cáo về quản lý, thu chi tiền công đức tới UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) theo đề nghị trước đó của UBND TP Uông Bí, một lần nữa khẳng định trước đó nhà chùa chưa báo cáo vì không nhận được yêu cầu báo cáo.
"Tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam"
Báo cáo dành nhiều thời lượng cho việc phân tích để đi đến kết luận là chùa Ba Vàng chỉ báo cáo việc quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội, không báo cáo tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành.
Chùa Ba Vàng dẫn các quy định trong các văn bản của Bộ Tài chính lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam để cho thấy việc không báo cáo tiền công đức cho hoạt động tôn giáo, cho nhà tu hành là hợp lý.
Chùa Ba Vàng báo cáo ra sao về quản lý, thu chi tiền công đức?
Cụ thể, chùa Bà Vàng dẫn điểm b, khoản 3, điều 1 thông tư 04 của Bộ Tài chính hồi tháng 1-2023 về quản lý thu chi tiền công đức có quy định: "Thông tư này không điều chỉnh quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo".
Tiếp theo, công văn của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa hướng dẫn việc thực hiện thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có ghi: "Thông tin cung cấp khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu là thông tin về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động của lễ hội, không phải là thông tin về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho nhà tu hành".
Chùa Ba Vàng cũng dẫn quyết định về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Bộ Tài chính hồi tháng 4 có quy định: nội dung kiểm tra là "việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội".
Vì vậy chùa chỉ báo cáo tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, còn "tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của giáo hội".
Chỉ báo cáo hơn một tháng
Về thời gian báo cáo thu chi tiền công đức, chùa Ba Vàng cũng có cách làm riêng.
Trong khi các di tích tại Quảng Ninh đều báo cáo trong thời gian theo yêu cầu của Bộ Tài chính là cả năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, thì chùa Ba Vàng chỉ báo cáo hơn một tháng, kể từ khi thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có hiệu lực vào ngày 19-3 đến 30-4-2023.
Lý do theo chùa Ba Vàng là trước khi thông tư này có hiệu lực thì nhà chùa chưa tách riêng tiền công đức cho di tích, lễ hội với tiền công đức cho hoạt động tôn giáo của các thầy.
Kết quả, tổng số thu công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội là 4.164.500.000 đồng (hơn 4,1 tỉ đồng).
Đồng thời, số chi đúng bằng tổng số thu và tiền này được liệt kê là chi cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Bộ Tài chính nên làm rõ khái niệm "tiền công đức cho di tích"
Từ báo cáo của chùa Ba Vàng, có thể thấy khái niệm "tiền công đức cho di tích" trong thông tư của Bộ Tài chính nên được bộ giải thích rõ ràng hơn, liệu nó có loại trừ tiền công đức cho hoạt động tôn giáo, cho nhà tu hành như chùa Ba Vàng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hiểu.
Vì không rõ khái niệm, nên việc chỉ báo cáo hơn một tháng và không báo cáo tiền công đức cho hoạt động tôn giáo, cho các nhà tu hành như chùa Ba Vàng đang làm dường như hợp lý.
Thực tế, đợt báo cáo vừa qua, Yên Tử cũng chỉ báo cáo được số tiền ở hòm công đức, tiền người dân ghi công đức với ban quản lý chứ không báo cáo được số tiền công đức đặt trên ban thờ và tiền công đức trực tiếp cho các nhà tu hành, theo chia sẻ của một đại diện ban quản lý danh thắng Yên Tử với Tuổi Trẻ Online.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận