Một chiếc xe đậu sai quy định trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM bị cẩu về trụ sở quận - Ảnh: HỮU THUẬN |
Dư luận nhiều ý kiến đồng tình với hành động nghiêm khắc của cơ quan chức năng trong việc hành vi lấn chiếm lòng lề đường nhưng vẫn có ý kiến cho rằng không nên vận dụng pháp luật một cách cứng nhắc.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với các luật sư xung quanh quy định của pháp luật về việc tạm giữ phương tiện, cẩu xe vi phạm đưa đi.
Áp dụng biện pháp ngăn chặn là đúng quy định
Theo luật sư Võ Xuân Trung - Đoàn luật sư TP.HCM, việc tạm giữ ôtô vi phạm lấn chiếm lòng lề đường là một trong các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử lý vi phạm được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được thực hiện trong các trường hợp thật cần thiết, để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế khi phát hiện xe vi phạm, đậu lấn chiếm lòng lề đường mà không thấy chủ hay người điều khiển phương tiện xuất hiện thì cơ quan chức năng có quyền áp dụng ngay biện pháp tạm giữ xe (cẩu xe đưa về nơi tạm giữ để chờ xử lý). Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trên là đúng quy định.
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng việc cơ quan chức năng cho niêm phong, cẩu ôtô lấn chiếm lòng lề đường về phường để xử lý vi phạm là đúng với nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính mà Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định.
Theo luật: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.
Việc người điều khiển phương tiện đậu xe trên vỉa hè đã vi phạm và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 46/2016/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Nếu gắn vào hành vi đậu xe vi phạm trên vỉa hè thì có thể hiểu cơ quan chức năng đang vận dụng nguyên tắc “phát hiện, ngăn chặn kịp thời”, nghĩa là phát hiện ôtô đậu sai phạm trên vỉa hè, cản trở lối đi trong khi nhu cầu đi lại của người dân ở TP rất lớn thì cần phải ngăn chặn hành vi vi phạm này tiếp tục.
Không nên áp dụng cứng nhắc
Tuy nhiên, theo luật sư Đức, khái niệm để “ngăn chặn kịp thời” hành vi vi phạm là thế nào thì lại không có hướng dẫn cụ thể.
Chẳng hạn khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm mà người điều khiển xe vi phạm (hoặc chủ xe) không có mặt tại hiện trường trong một khoảng thời gian nhất định bao lâu thì mới được niêm phong, cẩu xe?
“Chính vì không có quy định cụ thể nên nếu cơ quan chức năng vận dụng một cách cứng nhắc, mọi trường hợp vi phạm mà chủ xe, người điều khiển phương tiện không có mặt ngay khi lực lượng kiểm tra lập biên bản đều bị tạm giữ xe, cẩu xe đưa về trụ sở sẽ dễ khiến người vi phạm phản ứng” - luật sư Đức cho biết.
Luật sư Võ Xuân Trung cũng đồng tình rằng tùy trường hợp cụ thể, nếu người vi phạm không có mặt hoặc cố tình lánh mặt khi lực lượng chức năng kiểm tra thì việc cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, cẩu xe vi phạm đi là phù hợp.
Còn trong trường hợp nếu người vi phạm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, có thái độ hợp tác, chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ trong việc xuất trình giấy tờ xe, ký biên bản vi phạm hành chính thì lực lượng chức năng cũng không nên quá cứng nhắc trong việc cẩu xe, tạm giữ xe vi phạm.
Theo luật sư Trung, cơ quan chức năng cần giải quyết linh động để đảm bảo đúng nguyên tắc “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật” theo điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Luật sư Đức cũng đồng tình: Nếu cứ cứng nhắc là niêm phong, điều xe cẩu xe về phường thì người vi phạm phải đến phường làm việc, xuất trình giấy tờ, chịu chi phí cẩu xe, nộp phạt. Cơ quan chức năng phải làm biên bản giải tỏa niêm phong, ra quyết định xử phạt...
Có thể thấy việc áp dụng biện pháp cẩu xe vi phạm đưa đi có nhiều việc cần phải làm từ phía người vi phạm cũng như cơ quan chức năng, chưa kể trong quá trình cẩu xe có thể xảy ra sự cố hư hỏng hay những phát sinh những tình huống phức tạp khác…
Theo các luật sư, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn chỉ nên áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết - như đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Có thể ngừng cẩu xe khi tài xế hợp tác
Đêm 26-10-2016, chúng tôi theo chân tổ công tác đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM) phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động ra quân xử phạt người lái xe vi phạm nồng độ cồn. Khoảng 21h30 cùng ngày, tổ công tác thổi phạt một tài xế ôtô say xỉn. Tuy nhiên tài xế dây dưa không hợp tác khiến CSGT mất rất nhiều thời gian thuyết phục. Khi tài xế cố tình giấu chìa khóa, ngủ gật trong xe, tổ công tác phải gọi công an phường ra chứng kiến và gọi xe cẩu đến đưa xe về phường. Khoảng 23h cùng ngày, khi xe cẩu đến hiện trường thì tài xế thay đổi thái độ, cho rằng mình biết lỗi vi phạm và xin tổ công tác đừng cẩu xe. Lúc này tổ công tác dừng việc cẩu xe và cho CSGT lái xe chở người vi phạm về phường xử lý. Tổ công tác giải thích trường hợp này cẩu xe là đúng quy định nhưng khi tài xế đã nhận lỗi thì nên xử lý đơn giản, hạn chế tốn kém và phức tạp hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận