07/12/2014 13:34 GMT+7

​Chu Vĩnh Khang chính thức bị hạ bệ

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Sau những tháng ngày đồn đoán, cuối cùng Chu Vĩnh Khang - cựu ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc - đã bị bắt giữ, bị khai trừ.

Chu Vĩnh Khang trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2007 - Ảnh: Reuters
Chu Vĩnh Khang trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2007 - Ảnh: Reuters

Ngày 5-12, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc công bố Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi Đảng, hồ sơ được chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để chuẩn bị khởi tố.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã chấp thuận lệnh bắt giữ Chu, 72 tuổi, bị cáo buộc hàng loạt tội gồm “tiết lộ bí mật quốc gia và vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, tổ chức” và “trao đổi quyền lực cũng như tiền lấy tình dục”.

Bị soi từ một năm trước

Tôi nghĩ không giống như Bạc Hi Lai, Chu Vĩnh Khang sẽ hợp tác với các nhà điều tra để bảo vệ người thân vì gia đình ông ta có liên quan nhiều
Nhà phân tích WILLIAM LAM bình luận

Là một trong các chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua, Chu Vĩnh Khang dính vào bê bối tham nhũng được xem là lớn nhất từ năm 1949 đến nay. 

Tân Hoa xã cho biết ngày 1-12-2013, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trung ương Trung Quốc triệu tập hội nghị để nghe Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Đảng trình việc phát hiện Chu Vĩnh Khang có dấu hiệu “vi phạm kỷ luật Đảng nghiêm trọng”. Đến ngày 29-7-2014, Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định chính thức mở cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang.

Qua quá trình điều tra, cơ quan này phát hiện Chu Vĩnh Khang đã trực tiếp hoặc thông qua người thân nhận hối lộ số tiền rất lớn, lạm dụng quyền lực để giúp nhiều đối tượng khác kiếm chác phi pháp, trong đó có một số tình nhân, người thân và bạn bè của ông. Chu Vĩnh Khang cũng bị cáo buộc gây tổn thất nặng nề tài sản quốc gia.

Đây cũng là lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đề cập đến việc ông Chu Vĩnh Khang làm lộ nhiều bí mật quốc gia. Tân Hoa xã cho biết thêm Chu Vĩnh Khang còn dùng quyền lực để quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ. Chu Vĩnh Khang đã nghỉ khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị từ năm 2012.

Từ sao sáng thành kẻ tội đồ

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tây Tiền Đầu ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô), Chu được đánh giá rất thông minh và siêng năng. Để thoát cuộc sống nghèo khổ ở nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ, Chu Vĩnh Khang luôn cố gắng đạt thành tích học tập tốt ở trường và đậu vào đại học.

Tốt nghiệp Viện Hóa dầu Bắc Kinh (Trường đại học Hóa dầu Trung Quốc), Chu bắt đầu công việc kỹ sư hóa dầu ở mỏ dầu Đại Khánh (Hắc Long Giang). Từ đây Chu nhanh chóng thăng chức, trở thành lãnh đạo trong nhánh dầu mỏ Liêu Hà và lập quan hệ thân thiết với cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng - vốn là thành viên trong ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc.

Năm 1996, Chu trở thành lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) - một trong những “cứ địa” quyền lực của Chu sau này. Nhờ vào kỹ năng chính trị và kiến thức về kỹ thuật vượt trội, Chu tiến thân rất nhanh trong chính trường Trung Quốc.

Cuối năm 1999, Chu Vĩnh Khang giữ chức bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên và lập công trạng thông qua việc mở cửa thu hút đầu tư của các tập đoàn quốc tế vào tỉnh này cũng như hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Chu được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an vào năm 2002, năm năm sau trở thành một trong chín ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 17.

Là một “ngôi sao” trong ngành an ninh nội địa, Chu Vĩnh Khang nổi như cồn khi đưa ra những biện pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa cảnh sát và công chúng nhằm mục đích tháo ngòi những căng thẳng xã hội lúc bấy giờ. Lời huấn thị của ông được dán ở các đồn cảnh sát trên khắp Trung Quốc.

Trên đỉnh cao quyền lực, Chu Vĩnh Khang nắm quyền điều hành các lực lượng cảnh sát, cơ quan gián điệp, hệ thống tòa án và văn phòng kiểm sát trên khắp Trung Quốc.

Tuy vậy, thời đỉnh cao của Chu Vĩnh Khang cũng là thời điểm khoảng cách thu nhập và tình trạng quan chức tham nhũng đang gây bất bình trong xã hội Trung Quốc.

“Tới giờ tôi không ngạc nhiên với thông tin này. Nắm trong tay quyền lực quá lớn như vậy, việc ông ta tham nhũng là chuyện khó tránh khỏi, chỉ cần cái phẩy tay của ông ta thì bao nhiêu cấp dưới đã tình nguyện cống nạp để được ông ta chiếu cố” - Lý Hiển Nhu, một cư dân Giang Tô, bình luận.

Vòng kim cô siết dần

Cuối năm 2013, lưới pháp luật bắt đầu siết chặt đối với Chu Vĩnh Khang khi lần lượt các đồng minh thân cận và thành viên trong gia tộc họ Chu bắt đầu bị cơ quan pháp lý soi. Trong đó có Lý Hoa Lâm - phó tổng giám đốc CNPC kiêm cựu thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang và Lý Đông Sinh - cựu thứ trưởng Bộ Công an và cũng là đồng minh thân cận của Chu.

Rất nhanh sau đó, giám đốc Sở Tình báo Bắc Kinh Lương Khắc cũng bị bắt và bị cách chức do nghi ngờ tham nhũng lớn. Các nguồn tin trong chính quyền Bắc Kinh cho biết Lương đã trợ giúp Lý và Chu nghe lén điện thoại của các lãnh đạo cấp cao khác. Đây là những mắt xích quan trọng dẫn đến việc Chu và cả gia tộc “ngã ngựa”.

Trong thời gian một năm qua, nhiều nhân vật trong gia tộc Chu Vĩnh Khang đã bị bắt điều tra.

Trung Quốc đã tịch thu tài sản trị giá ít nhất 90 tỉ nhân dân tệ (hơn 14,5 tỉ USD) từ gia tộc Chu Vĩnh Khang. Tạp chí Tài Tân cho biết Chu Vĩnh Khang không trực tiếp tham gia các phi vụ tham nhũng nhưng đóng vai trò tạo “điều kiện thuận lợi” cho các phi vụ này.

“Nếu đây là sự thật thì quá khủng khiếp. Từ lâu dư luận râm ran thu nhập không minh bạch và nguồn tiền từ tham nhũng của giới quan chức chiếm hơn 30% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Trung Quốc, nhưng con số này còn lớn hơn rất nhiều” - ông Hồ Tinh Đẩu, nhà bình luận chính trị từ Viện Công nghệ Bắc Kinh, phân tích.

Giới chuyên gia cho rằng sự kiện Chu Vĩnh Khang bị bắt là một bước ngoặt lớn trong chính trường Trung Quốc.

“Chuyện quan trọng ở đây là ông Tập Cận Bình đã chứng minh ông ấy đã đủ sức mạnh để phá vỡ điều kiêng kỵ là không bao giờ buộc tội đối với thành viên thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc” - nhà phân tích chính trị kỳ cựu thuộc Đại học Hong Kong Willy Lam nhận định.

Gia tộc tham nhũng

Truyền thông Trung Quốc cho biết Chu Vĩnh Khang không trực tiếp tham gia các phi vụ làm ăn. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc này luôn tạo khoảng cách với các hoạt động kinh doanh mờ ám nhằm bảo vệ danh tiếng cũng như địa vị của mình.

Báo South China Morning Post cho biết gia tộc họ Chu và những người thân cận của gia tộc này tham gia ít nhất 37 công ty trong các lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, đầu tư bất động sản, thủy điện, du lịch và nhiều ngành nghề trọng yếu khác trải dài từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc.

Con trai lớn của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân và vợ Vương Uyển Thanh sở hữu hàng loạt bất động sản sang trọng trị giá hàng triệu USD.

Trước tuổi 30, Chu Bân lần đầu tiên bước vào kinh doanh nhưng đã giành được hợp đồng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho 8.000 trạm bán lẻ xăng dầu trên toàn Trung Quốc. Các công ty của Chu Bân cũng thu được mối lợi khổng lồ từ việc mua và bán các mỏ dầu cũng như trạm thủy điện.

Nhiều nguồn tin cho biết Chu Bân không giỏi kinh doanh nhưng vì cậy quyền cha nên kiếm rất nhiều tiền nhờ mua dự án nhà nước với giá rẻ sau đó bán lại giá cao. Tạp chí Tài Tân cho biết chỉ trong hai năm 2007 và 2008, Chu Bân thu hơn 500 triệu nhân dân tệ lợi nhuận từ việc bán lại dự án mỏ ở tỉnh Thiểm Tây.

“Không ai có thể đánh bại Chu Bân trong việc giành lấy những thương vụ kinh doanh béo bở vì anh ta có gốc gia đình quá mạnh” - Tài Tân dẫn một nguồn tin từng cạnh tranh với Chu Bân.

Hai người anh và em trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh cũng dựa thế ông ta để móc nối, mua quan bán chức ở địa phương. Vợ và con trai Chu Nguyên Thanh nắm quyền kiểm soát khoảng 20 công ty với tổng đầu tư lên đến 400 triệu nhân dân tệ.

Vợ Chu Nguyên Thanh còn đầu tư 19 triệu nhân dân tệ xây dựng đại lý xe Audi duy nhất ở Giang Tô. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của đại lý đạt 659 triệu nhân dân tệ năm 2012.

Chân rết quyền lực của Chu Vĩnh Khang còn đem lại “danh lợi” cho cả nhà sui gia. Bà Chiêm Mẫn Lợi, mẹ vợ của Chu Bân, là cổ đông chủ yếu trong ít nhất chín công ty của dòng họ Chu và hàng loạt trạm thủy điện.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên