06/12/2014 11:28 GMT+7

​Chu Vĩnh Khang bị bắt vì những tội danh gì?

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO - Ngày 5-12, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc công bố Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên của bộ này đã bị khai trừ khỏi Đảng và sẽ bị khởi tố.

Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang - Ảnh: Reuters

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc cũng đã chấp thuận lệnh bắt giữ Chu.

Truyền thông Trung Quốc ngay từ rạng sáng 6-12 đã đồng loạt đưa tin này với cùng một quan điểm xác nhận quá trình chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đi vào giai đoạn quyết liệt bằng việc bắt Chu Vĩnh Khang, một con hổ lớn trong chính trường Trung Quốc nhiều năm qua.

Giới chuyên gia chính trị Trung Quốc nhận định việc điều tra chặt chẽ vụ Chu Vĩnh Khang và công bố vào thời điểm này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã tính toán rất kỹ.

Nhiều tội danh

Chu Vĩnh Khang năm nay 72 tuổi, bị cáo buộc hàng loạt tội liên quan đến hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng và tổ chức, tội danh có phạm vi từ "nhận hối lộ đến làm lộ bí mật của Đảng và quốc gia” cũng như tội "lập nhiều phòng nhì".

Hãng tin Tân Hoa xã khẳng định ông Chu Vĩnh Khang đã nhận hối lộ số tiền rất lớn và lạm dụng quyền lực để giúp nhiều đối tượng khác kiếm chác, trong đó có một số tình nhân, người thân và bạn bè của ông. Chu Vĩnh Khang cũng bị cáo buộc gây tổn thất nặng nề tài sản quốc gia.

Lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đề cập việc ông Chu Vĩnh Khang làm lộ nhiều bí mật quốc gia.

Tờ Nhật Báo Trung Quốc lúc nửa đêm 5-12 cho rằng những hành động của ông Chu Vĩnh Khang hoàn toàn chống lại tự nhiên và những mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như làm hỏng hình ảnh của tổ chức này.

“Việc điều tra chặt chẽ vụ Chu Vĩnh Khang cho thấy cách tiếp cận không khoan nhượng của chúng ta đối với tham nhũng” - tờ báo viết.

Hồi tháng 7-2014, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ mà giới chức Trung Quốc thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng của giới quan chức. Chu Vĩnh Khang đã nghỉ hưu từ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc từ năm 2012.

Là một trong các chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua, Chu Vĩnh Khang dính vào bê bối tham nhũng được xem là lớn nhất ở nước này từ năm 1949 đến nay. Chu biến mất trước công chúng từ hơn một năm trước.

Từng là sao sáng

Là con trai cả trong một gia đình ở làng Tây Tiền Đầu ở thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô), để thoát cuộc sống nghèo khổ tại nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ, Chu Vĩnh Khang luôn cố gắng đạt thành tích học tập tốt ở trường và đậu vào đại học. Ba năm sau khi vào học Trường trung học Tô Châu năm 1958, Chu đậu vào Viện Hóa dầu Bắc Kinh (bây giờ là Trường đại học Hóa dầu Trung Quốc).

Sau khi tốt nghiệp đại học, Chu Vĩnh Khang bắt đầu công việc một kỹ sư hóa dầu ở mỏ dầu Đại Khánh tại Hắc Long Giang. Từ đây, Chu nhanh chóng trở thành lãnh đạo trong chi nhánh dầu mỏ Liêu Hà và phát triển mối quan hệ thân thiết với cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng, vốn là thành viên trong Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc.

Năm 1996, Chu Vĩnh Khang trở thành lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC),  là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất nước này hiện nay. 

Năm 1999, Chu Vĩnh Khang giữ chức bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tứ Xuyên và được bổ nhiệm làm bộ trưởng công an vào năm 2002.

Năm năm sau trở thành một trong chín ủy viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 17.

Hầu hết trợ lý thân cận hàng đầu của Chu trong ngành dầu khí Trung Quốc đã bị bắt giữ, trong đó có Lý Hoa Lâm, phó tổng giám đốc của CNPC kiêm cựu thư ký riêng của Chu Vĩnh Khang. Một số người thân của Chu cũng bị điều tra với cáo buộc đã có những “phi vụ làm ăn trái luật với CNPC”.

Là một “ngôi sao’ trong ngành an ninh nội địa, Chu Vĩnh Khang nổi như cồn khi đưa ra những biện pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa cảnh sát và công chúng nhằm mục đích tháo ngòi những căng thẳng xã hội lúc bấy giờ. Lời huấn thị của ông được dán ở các đồn cảnh sát trên khắp Trung Quốc.

Cuối năm 2013, lưới pháp luật bắt đầu siết chặt đối với Chu Vĩnh Khang khi Lý Đông Sinh - một cựu thứ trưởng Bộ Công an và cũng là đồng minh thân cận của Chu - bị bắt giữ vào cuối tháng 12-2013.

Rất nhanh sau đó, giám đốc Sở Tình báo Bắc Kinh Lương Khắc cũng bị bắt và bị cách chức do nghi ngờ tham nhũng lớn. Các nguồn tin trong chính quyền Bắc Kinh cho biết Lương đã trợ giúp Lý và Chu nghe lén điện thoại của các lãnh đạo cấp cao khác.

Giới chức Trung Quốc đã tịch thu tài sản trị giá ít nhất 90 tỉ nhân dân tệ từ Chu Vĩnh Khang và các trợ lý. Truyền thông Trung Quốc cho biết Chu Vĩnh Khang không trực tiếp tham gia các phi vụ “tham nhũng” nhưng ông ta đóng vai trò tạo “điều kiện thuận lợi” cho các phi vụ này.

Báo South China Morning Post của Hong Kong cho biết gia tộc họ Chu có ít nhất 37 công ty trong các lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, đầu tư bất động sản, thủy điện, du lịch và nhiều ngành nghề trọng yếu khác, trải dài từ Bắc Mỹ đến Trung Quốc.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên