TTCT - Một lần nữa, chữ viết tiếng Việt lại được đề nghị “phẫu thuật thẩm mỹ” và cắt bỏ những phần thừa (đề nghị của PGS Bùi Hiền ở Hội thảo ngữ học toàn quốc lần thứ 20 tại Quy Nhơn vào tháng 9-2017) khiến truyền thông và cộng đồng dậy sóng. Nhưng trước khi nói chuyện “phẫu thuật” chữ viết tiếng Việt, ta hãy ngắm lại dung nhan của nó và so với bạn bè năm châu xem chữ viết tiếng Việt đang đứng ở đâu. Mỗi ngôn ngữ đều có thành phần bắt buộc là ngôn ngữ nói, còn thành phần thứ hai không nhất thiết phải có là ngôn ngữ viết mà ta hay gọi là chữ viết hoặc văn tự. Chữ viết xuất hiện muộn hơn tiếng nói rất nhiều và được chia làm hai loại: chữ ghi ý (chữ tượng hình) và chữ ghi âm. Chữ ghi âm có hai mức độ chi tiết là chữ ghi âm tiết và chữ ghi âm vị. Âm vị (còn gọi là âm tố) là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất không mang nghĩa tự thân, nhưng có giá trị khu biệt nghĩa. Các bộ chữ cái chính trên thế giới Tiếng Việt hiện nay được ghi bằng bộ chữ cái La-tinh (Latin), là thứ chữ ghi âm vị, bắt nguồn từ bộ chữ cái mà người La Mã cổ đại sử dụng. Đó là bộ chữ cái thông dụng nhất trên thế giới xét về phạm vi, địa bàn và số ngôn ngữ sử dụng. Các ký hiệu phiên âm quốc tế của Hiệp hội Ngữ âm quốc tế cũng sử dụng bộ chữ cái Latin làm cơ sở và bổ sung nhiều ký tự mới để biểu thị những âm vị đa dạng trong mọi ngôn ngữ. Những bộ chữ ghi âm sơ khai đầu tiên ra đời ở vùng Trung Đông vào khoảng thế kỷ 12 TCN và chỉ có phụ âm, không có nguyên âm. Chữ Ả Rập ngày nay thuộc loại chữ ghi âm vị chỉ có phụ âm như thế. Bộ chữ cái Hi Lạp, mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn lấy từ đó để viết ký hiệu toán học, là bộ chữ cái đầu tiên bao gồm cả phụ âm và nguyên âm. Bộ chữ cái Cyrillic bắt nguồn từ bộ chữ cái Hi Lạp được các ngôn ngữ Slav, trong đó có Nga và Ukraine, sử dụng. Các nước cộng hòa trong Liên Xô trước đây đều sử dụng bộ chữ Cyrillic, nhưng khi tách ra thành nước độc lập, một số nước đã chuyển sang dùng bộ chữ Latin. Độc đáo nhất thế giới có lẽ là bộ chữ Hangul của Triều Tiên và Hàn Quốc: mỗi âm tiết được viết thành một khối vuông, khiến nhiều người cứ tưởng đó là kiểu chữ tượng hình như chữ Hán. Còn chữ Nhật thì khá rắc rối vì kết hợp ba hệ chữ: kanji (Hán tự) tượng hình bắt nguồn từ chữ Hán và thường có thể đọc theo hai cách, có khi có nhiều cách đọc dựa theo âm Hán hoặc theo âm Nhật có nghĩa tương ứng; hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật, các thành tố ngữ pháp và katakana dùng để ghi từ vựng, tên riêng nước ngoài hoặc thuật ngữ khoa học. Hiragana và katakana chỉ là loại chữ ghi âm tiết nên số ký tự khá nhiều: mỗi loại có 46 ký tự. Điểm mạnh và điểm yếu của chữ tiếng Việt Dù chữ Nôm có những yếu tố ghi ý (phù thanh) như chữ Hán, nhưng không phải là loại chữ ghi âm như có người đã nhầm, vì người đọc không mặc nhiên đọc được chữ Nôm nếu không được trang bị trước chữ Hán. Cách cấu tạo và ghi âm của nó cũng đại khái, không thành chuẩn nên có khi cùng một chữ mà phải vừa đọc vừa đoán, hoặc một chữ vẫn có thể có mấy âm đọc khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính khiến tiếng Hán và tiếng Nhật không Latin hóa được là do các ngôn ngữ đó có quá nhiều từ đồng âm, khi dùng chữ ghi âm sẽ gây hiểu nhầm, khó hiểu. Tiếng Việt có lượng âm tiết dồi dào, nhất là nếu tính cả thanh điệu, nên đã vượt được cửa ải này để sử dụng được bộ chữ cái Latin. Bộ chữ “quốc ngữ” ghi âm tiếng Việt có hai điểm mạnh, theo PGS Phan Ngọc: 1) Chữ quốc ngữ không phải là chữ viết của một phương ngữ, mà là chữ viết của toàn dân Việt Nam xét cả về thanh điệu (đầy đủ 6 thanh điệu) lẫn hệ vần, phụ âm đầu (có âm nặng uốn lưỡi như s, tr) và âm cuối, mặc dù những nhà truyền giáo phương Tây chủ yếu tiếp xúc với các phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ khi sáng tạo ra chữ Việt; 2) Chữ quốc ngữ chỉ dựa hoàn toàn vào ngữ âm Việt Nam đương đại, chứ không mảy may dựa vào lịch sử. Nhược điểm dễ thấy của chữ quốc ngữ là do người phương Tây soạn ra vào đầu thế kỷ 17, ban đầu để cho chính họ dễ học tiếng Việt chứ không phải dành cho người Việt, nên có những thiếu sót như dùng những ký tự hay cụm ký tự ghi cùng một âm tiết (c và k, g và gh, ng và ngh), hoặc dùng ký tự d và gi ghi âm tiết/z/ (dựa theo tiếng Ý và Bồ Đào Nha) mà đáng lẽ nên dùng ký tự z. Nhược điểm thứ hai mang tính lịch đại là bộ chữ này ra đời khi cơ sở nghiên cứu phân tích hệ thống ngữ âm của tiếng Việt chưa đầy đủ, chưa có những khái niệm ngôn ngữ học hiện đại như âm vị nên có chỗ bất hợp lý. Một nhược điểm nữa là chữ Việt có kèm nhiều dấu phụ nhất trên thế giới (36 trường hợp có một dấu phụ, như: ă, â, ê, à, ả, ã, á, ạ...; 30 trường hợp có hai dấu phụ, như: ề, ể, ễ, ế, ệ...), trong đó có 7 chữ cái được tạo thêm từ bộ chữ Latin cơ bản bằng cách thêm dấu phụ: ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư. Đó là do lượng ngữ âm (kèm thanh điệu) quá phong phú, vượt xa khả năng biểu thị của các chữ cái Latin cơ bản nên người ta phải thêm dấu phụ và dùng con chữ ghép (như ng, nh, ch, tr) để ghi tất cả các âm thanh của tiếng Việt. Nó gây ra bất tiện về mặt chính tả, khó phân biệt và dễ nhầm lẫn đối với người nước ngoài. Những ý tưởng cải cách chữ Việt Ngay từ khi ra đời, chữ Việt đã liên tục được sửa đổi, cải tiến cho phù hợp hơn với tiếng Việt. Có những sửa đổi, cải tiến được chấp nhận nhưng cũng có những sửa đổi, cải tiến không được chấp nhận. Những cải tiến đơn giản như bỏ gạch nối trong một từ đã được chấp nhận (tự-do thành tự do), nhưng viết liền mỗi từ đã không được chấp nhận vì có thể gây đọc nhầm (ví dụ tựdo). Các cải cách có mấy hướng: a) bỏ dấu phụ; b) thay các phụ âm viết chữ cái kép (ch, tr, ng, nh, ph) bằng chữ cái đơn; c) thống nhất các phụ âm có cùng âm vị; d) bổ sung các chữ cái f, j, w, z; đ) sửa lại các âm và vần có cùng âm vị như ia, ua, ưa và iê, uô, ươ; e) viết lại một số nguyên âm đôi theo đúng âm vị, ví dụ oa, oai, oe, uê, uy thay bằng wa, wai, we, wê, wi. Trong Dictionnaire élémentaire Annamite-Français (Từ điển cơ sở Việt - Pháp, 1868), Le Grand de la Liraye (1819-1873) đã thay đ bằng d (dức hạnh), d bằng dz (dzanh tiếng) và không dùng s mà thay bằng sh (shay rượu). Những năm 1902 và 1906, đã có những hội nghị họp tại Hà Nội bàn về cải tiến chữ quốc ngữ và toàn quyền Pháp đã ký một nghị định ngày 16-5-1906 về việc dùng chữ quốc ngữ cải tiến trong các sách giáo khoa, nhưng rồi không thi hành được vì những trở lực. Có những cố gắng thay dấu phụ bằng chữ cái như viết ăn thành ant, ăp thành aph (Nguyễn Triệu Luật), dùng các chữ b, k, l, d, q viết sau đuôi âm tiết thay cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng (Phó Đức Thành), dùng các chữ f, z, w, q, j viết sau đuôi âm tiết thay cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng (Nguyễn Văn Vĩnh), ap viết là ab, ăp viết ap, ac viết ag, ăc viết ak (Nguyễn Bạt Tụy), nhưng mọi ý tưởng bỏ dấu phụ đều không được chấp nhận. Vào những năm 1930, tồn tại cách viết zai kấp, kách mệnh, zân kày trong những văn bản của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến nay, Từ điển bách khoa Việt Nam đã đưa các chữ cái f, j, w, z vào sử dụng hạn chế, chỉ để phiên âm tên riêng nước ngoài hoặc một số thuật ngữ khoa học (bazơ, parafin). Có cần cải cách gây đảo lộn nữa không? Sau vài thế kỷ tồn tại và biến đổi, tiếng Việt bước vào thời kỳ ổn định như những ngôn ngữ lâu đời khác. Xét tương quan với một số ngôn ngữ thông dụng khác trên thế giới hiện nay, chữ Việt ổn hơn rất nhiều. Chữ tiếng Việt tuân theo khá triệt để nguyên tắc của chữ ghi âm là ghi thế nào đọc thế ấy, trong khi chữ tiếng Anh phải nói là xếp hàng đầu về hiện tượng viết một đàng đọc một nẻo: một ký tự có thể ghi nhiều âm vị khác nhau tùy từ cụ thể và một âm vị có thể được ghi bằng nhiều ký tự khác nhau. Ngay chữ tiếng Pháp cũng có những “chữ câm” không đọc, có chữ h lúc câm lúc đọc. Tiếng Anh và Pháp vẫn dùng những ký tự ghép đôi để ghi một âm vị như trong tiếng Việt hoặc một âm vị có nhiều cách ghi, ví dụ tồn tại cả f lẫn ph. Shannon, người sáng lập quan trọng nhất lý thuyết thông tin, đã ước tính độ dư thừa trong chữ Anh vào khoảng 50%. Cách đây hơn một thế kỷ, sau khi hệ phiên âm quốc tế (IPA) ra đời, ở Anh và Pháp cũng từng có phong trào rầm rộ đòi thay đổi chữ viết mà họ coi là đầy rẫy bất hợp lý, nhưng rồi đến nay vẫn không có gì thay đổi. Lần cải cách tiếng Nga cuối cùng diễn ra vào hai năm 1917-1918 sau Cách mạng Tháng Mười, khiến 4 chữ cái bị loại khỏi bảng chữ cái Nga và hiện nay nó có 33 chữ cái. Dần dần nhiều người nhận ra rằng chữ viết, cũng như lịch pháp, là thứ gần như không nên và không thể thay đổi triệt để theo hướng tối giản vì nhiều lý do: thói quen, sự tốn kém khổng lồ về thời gian và tiền bạc mà những tiện ích mới không thể bù đắp, tạo ra đứt gãy văn hóa, gây trở ngại cho việc các thế hệ sau tiếp cận văn bản. Chưa kể sự “thừa thãi” bề ngoài ấy còn diễn đạt những khác biệt về ngữ nghĩa, hình vị, từ nguyên, cú pháp, thậm chí đôi khi còn cần thiết để tránh nhầm lẫn khi truyền tải, là độ dư thừa cần có trong mã hóa thông tin để chống nhiễu.■ Đề án chưa hoàn thành của PGS Bùi Hiền có những sai sót và bất cập đáng kể: - Ông đã xác định không đúng hai trường hợp cùng một cặp ký tự phụ âm biểu thị hai âm vị khác nhau, nên đã đưa vào làm một. Đó là hai cặp ký tự ch và nh. Trong chữ chích và chữ nhanh, phiên âm quốc tế là /ʨïk/ (hoặc /cik/ theo nguồn tiếng Việt) và /ɲajŋ/, trong đó ch phụ âm đầu khác âm cuối và nh cũng tương tự. - Với việc thay th thành w, ng thành q, ông đã đi ngược xu hướng hội nhập về văn tự khi gán cho những ký tự thông dụng những âm hết sức xa lạ với cộng đồng quốc tế. Nếu tiếp thu đề xuất này, học sinh Việt Nam sẽ khó khăn khi học tiếng nước ngoài. Tags: Tiếng ViệtSửa đổi tiếng ViệtChữ viếtSửa đổi chữ viết
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.