14/12/2017 21:38 GMT+7

Chú trọng đào tạo nhân lực, VN sẽ tạo 'Kỳ tích sông Hồng'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Nguồn nhân lực của Việt Nam được cảnh báo đang giảm tính cạnh tranh. Muốn tạo 'kỳ tích sông Hồng', cần đầu tư mạnh và liên tục cho đào tạo nhân lực.

Chú trọng đào tạo nhân lực, VN sẽ tạo Kỳ tích sông Hồng - Ảnh 1.

Các đại biểu tại Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 - Ảnh: BÁ HẢI

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT Việt Nam, Bộ Giáo dục Hàn Quốc và Thời báo Kinh tế Hàn Quốc phối hợp tổ chức Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017. 

Chủ đề được đặt ra ở diễn đàn này là Từ "Kỳ tích sông Hàn" đến "Kỳ tích sông Hồng".

Kinh nghiệm Hàn Quốc: không ngừng đầu tư cho đào tạo nhân lực

Trao đổi tại diễn đàn, GS Yoon Dae Hee, cựu bộ trưởng điều phối chính sách của Hàn Quốc, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, cho rằng Hàn Quốc có "Kỳ tích sông Hàn" do những chính sách mạnh mẽ và không ngừng phát triển về đào tạo nguồn nhân lực.

"Từ thu nhập bình quân đầu người chỉ có 67 đôla Mỹ vào năm 1953, tới năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 20.000 đôla Mỹ", từ con số này, GS Yoon Dae Hee cho biết các chính sách phát triển nhân lực của Hàn Quốc đều gắn chặt với các chính sách cải tiến về giáo dục. 

Và giáo dục-đào tạo là giải pháp mang tính quyết định tạo nên "Kỳ tích Hàn Quốc" với các chỉ số phát triển của nền kinh tế xã hội tăng đột biết trong vài thập kỉ qua. Nó đưa Hàn Quốc vượt xa các quốc gia có chung điểm xuất phát.

Theo GS Yoon, từ những năm 1970, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ cho đào tạo nghề theo tinh thần "giáo dục lập quốc" để tạo nguồn lực có tay nghề cao; thành lập các viện nghiên cứu với chính sách thu hút người tài ở các nước trên thế giới tới nghiên cứu, làm việc; mở rộng chính sách để tư nhân đầu tư cho giáo dục và từng bước có những giải pháp đặc thù để thúc đẩy các ngành kinh tế được xem là then chốt.

GS Yoon cho rằng Việt Nam muốn tạo nên một "Kỳ tích sông Hồng" như "Kỳ tích sông Hàn" thì cũng có thể tham khảo kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực của Hàn Quốc.

"Việt Nam cần có sự chuyển đổi trong đào tạo để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Cụ thể khi xác định ngành kinh tế trọng tâm thì cần có kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp. Trong đó mỗi một ngành nghề cần những chiến lược đào tạo mang tính đặc thù", ông Yoon Dae Hee gợi ý.

Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Kim Sang-kon khẳng định Việt Nam - Hàn Quốc cần tìm kiếm một chiến lược phát triển nhân lực mới, cùng suy nghĩ bồi dưỡng nhân tài tương lai có tính sáng tạo và tinh thần chấp nhận thử thách. 

Từ đó, Diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017 sẽ là nơi 2 nước Việt Nam, Hàn Quốc tìm ra phương án hợp tác trong GD-ĐT một cách thực tiễn, tăng cường mối hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tìm ra giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam cũng như trên quy mô quốc tế, sớm đưa Việt Nam thực sự đến với "Kỳ tích sông Hồng". 

Nguồn nhân lực của Việt Nam đang giảm sút tính cạnh tranh

Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phong, Phó chủ tịch VCCI cho biết theo đánh giá của tổ chức lao động quốc tế, lao động Việt Nam còn thiếu chuyên môn, chưa được đào tạo; các kĩ năng được trang bị chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. 

Nhiều kĩ năng của lao động Việt Nam ở mức thấp như trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, tác phong làm việc… 

Đó là những điểm khiến lao động Việt Nam khó cạnh tranh trong bối cảnh thị trường lao động mở cửa.

Ông Hoàng Quang Phong chỉ ra những bất cập như dự báo nhu cầu nhân lực chưa sát, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa tốt, đội ngũ giáo viên thiếu cả chất và lượng, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động.

Ông Phong dẫn con số từ nghiên cứu của ĐH Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey cho biết 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay đổi bởi quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. 

Theo ông Phong, với các nước đang phát triển như Việt Nam thì tỷ lệ đó sẽ lớn hơn nhiều. Cùng với đó là tình trạng dư thừa lao động, nếu ngay từ bây giờ không có chiến lược thay đổi...

Từ những điều trên, ông Phong đề nghị triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia, nâng cao chất lượng dạy nghề theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước phát triển, có chiến lược phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh phổ thông...

Liên quan tới các giải pháp để nâng chất lượng đào tạo và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực, GS Ngô Bảo Châu cho rằng ba trụ cột cho sự phát triển giáo dục đại học và cao đẳng là quản trị, tài chính và năng lực hệ thống.

Trong đó theo ông cần chuyển từ hình thức cấp kinh phí chi thường xuyên sang hình thức đặt nhiệm vụ ưu tiên (đào tạo, nghiên cứu) thông qua quy trình cạnh tranh công bằng.

Bên cạnh đó cần thiết kế bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư, thiết kế bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiết kế thị trường lao động ở đại học cao đẳng theo hướng mở và cạnh tranh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên