20/08/2014 07:59 GMT+7

Chủ trì họp báo vụ chùa Bồ Đề "mời" nhà báo ra ngoài

LAN ANH - XUÂN LONG
LAN ANH - XUÂN LONG

TT - Cuộc họp báo về vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề căng đến mức người chủ trì họp báo đã có lần mời một phóng viên ra ngoài.



Phóng to
Bé Hoàng Anh (sinh năm 2010) và mẹ ở chùa một tháng, sau đó bỏ đi. Hiện đây là trường hợp duy nhất theo cơ quan chức năng thông báo chưa rõ tung tích - Ảnh: Ng.Khánh

Chiều 19-8, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã họp báo về vụ việc xảy ra ở chùa Bồ Đề (Hà Nội). Tại cuộc họp báo này, nhiều câu hỏi của các phóng viên nêu ra đều không được trả lời hoặc trả lời không rõ ràng.

Cuộc họp báo kéo dài hai giờ. Không khí cuộc họp nóng đến mức ông Phan Đăng Long - phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chủ trì họp báo - đã có lần mời một phóng viên ra ngoài.

24 trẻ biến mất, chứ không phải 11

Nhiều trẻ em không đi học

Ông Đỗ Mạnh Hải cho biết: “Chùa Bồ Đề sử dụng chính những người lang thang ở trong chùa để chăm trẻ. Mỗi người chăm sóc từ 4-6 trẻ, tất cả đều không có chuyên môn, không được đào tạo. Trang thiết bị khu bếp đơn giản, sơ sài, không đảm bảo phòng tránh côn trùng. Thực tế kiểm tra cho thấy 100% trẻ trong độ tuổi từ 0-6 tuổi, đều chưa được đi học. Nhóm trẻ từ 6-16 tuổi, có 13 trẻ không đi học, phần lớn do bệnh lý. Về việc thực hiện khai sinh cho trẻ, có 80/92 trẻ chưa được đăng ký khai sinh, gồm 47/52 trẻ bị bỏ rơi và 33/40 trẻ lang thang cơ nhỡ hoặc được gia đình gửi vào chùa”.

Báo cáo thanh tra toàn diện tại chùa Bồ Đề (thực hiện từ ngày 5-8) do chủ tịch UBND Q.Long Biên Đỗ Mạnh Hải trình bày cho biết trong thời điểm kiểm tra, chùa Bồ Đề có 194 người.

So sánh với danh sách trước đó, có 56 người từng sống tại chùa nay đi đâu không rõ, trong đó có đến 24 trẻ em (không phải chỉ 11 cháu như nhóm thiện nguyện cần tìm).

Điều gây thắc mắc là 24 cháu bé biến mất đang sống ở đâu, có an toàn hay không, có bị mua bán hay không?...

Liên quan đến các câu hỏi này, cả phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Duy Ngọc lẫn chủ tịch UBND Q.Long Biên đều không có câu trả lời rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, trong số trẻ không còn ở chùa có cháu được cho đi làm con nuôi, đang sống yên ổn tại gia đình mới, việc cung cấp danh sách địa chỉ cụ thể là không nhân văn.

Hé lộ một chút ít thông tin trong danh sách này, ông Phan Đăng Long cho rằng có 5/24 cháu đã vào trung tâm bảo trợ xã hội, 13/24 cháu trở về gia đình, một cháu được cho làm con nuôi.

Dù danh sách còn tới năm cháu chưa được công bố số phận rõ ràng, nhưng ông Phan Đăng Long vẫn nói hiện chỉ còn một cháu là Cù Hoàng Anh chưa xác minh được.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, cháu Hoàng Anh là một trong số 11 trẻ biến mất bất ngờ mà nhóm thiện nguyện đang tìm.

Ông Phan Đăng Long còn cho rằng việc đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý tại nhà mở chùa Bồ Đề) bán cháu Cù Nguyên Công cho Phạm Thị Nguyệt là điều có thể... thông cảm.

Theo ông Long, bản chất không như những vụ mua bán trẻ em khác, đây chỉ là “giúp đỡ” một phụ nữ vô sinh (Phạm Thị Nguyệt, người mua bé Công), đừng suy diễn rằng có chuyện mua bán nội tạng hay đường dây mua bán trẻ em.

Khi bị chất vấn về việc Nguyệt đã có hai con đẻ, năm con nuôi và đang giữ 30 giấy chứng sinh khống thì ông Long nói Trang không biết Nguyệt mua trẻ làm gì, tưởng Nguyệt vô sinh muốn mua, lỗi là ở Nguyệt.

Khi ông Long đang giải thích về bản chất việc mua bán cháu Cù Nguyên Công, đồng thời nói về sự thiện tâm của nhà chùa thì nhà báo Quỳnh Hương (báo Phụ Nữ TP.HCM) đề nghị ông Long ngừng các phát biểu này để trả lời trực tiếp vào các câu hỏi cụ thể. Ông Long ngay lập tức chỉ tay “mời” phóng viên ra ngoài với lý do cắt ngang ý kiến của ông.

Điều dư luận quan tâm là ni sư Thích Đàm Lan có liên quan gì đến việc Nguyệt - Trang mua bán cháu Công? Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, các tài liệu điều tra cho đến nay chưa chứng minh được ni sư có liên quan, còn phải chờ kết luận điều tra.

Chưa xác định trách nhiệm cụ thể

Các phóng viên dự cuộc họp báo liên tiếp đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND P.Bồ Đề cũng như UBND Q.Long Biên trong vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, đặc biệt là trách nhiệm để cơ sở này chăm nuôi trẻ và người trong diện bảo trợ xã hội từ năm 1989 nhưng hoàn toàn không phép và không đủ điều kiện.

Theo ông Đỗ Mạnh Hải, quận sẽ “rà soát” trách nhiệm của các cán bộ phòng ban chức năng, hiện chưa xác định trách nhiệm cụ thể.

Báo chí cũng đặt nghi vấn về trường hợp cháu Cù Tùng Anh (7 tuổi) được công bố đã về sống với mẹ là Phan Thị Thuận ở Xuân Trường (Nam Định) nhưng công an địa phương cho biết chưa ai đến xác minh về hoàn cảnh của cháu này.

Theo ông Long, mẹ con chị Thuận sống tại chùa giai đoạn năm 2007, đến năm 2008-2012 cháu Tùng Anh được chuyển cho người họ hàng tên là Hậu nuôi, đến năm 2012 bà Hậu chuyển cho chồng ở TP.HCM nuôi, hiện chồng bà cũng không nuôi cháu mà chuyển cháu đến một ngôi chùa ở Đồng Nai. Ông Long còn nói là chùa có địa chỉ rõ ràng.

Thông tin tại cuộc họp báo cho biết ngày 15-8, ni sư Thích Đàm Lan có văn bản đề nghị chuyển trả toàn bộ người sống trong chùa cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trong khi trước đó hai ngày nhà chùa chỉ muốn chuyển 36 người.

Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội, các cơ sở bảo trợ và trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật của Hà Nội sẽ tiếp nhận chăm sóc người đang sống tại chùa Bồ Đề.

Nhưng cũng có thể quận, phường sẽ hướng dẫn để chùa Bồ Đề tiếp tục nuôi dưỡng người đang sống trong chùa nếu sư thầy chấp nhận.

LAN ANH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên